Hà Nội lập vùng phát thải thấp - Bài 1: Doanh nghiệp và người dân đều lo

Ngày 12/12/2024, HĐND Thành phố Hà Nội đã thông qua tờ trình nghị quyết xây dựng 'Vùng phát thải thấp' (LEZ). Theo đó, sẽ cấm xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel; hạn chế hoặc cấm ôtô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và môtô, xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2, đi vào vùng LEZ, theo thời điểm hoặc khu vực. Bước đầu, từ năm 2025, sẽ thí điểm tại một số khu vực thuộc quận Hoàn Kiếm, Ba Đình.

 Các phương tiện giao thông xe máy, ô tô sử dụng nhiên liệu xăng, dầu chiếm tỷ lệ gây ô nhiễm lớn ở Hà Nội. Ảnh minh họa: ĐĐK

Các phương tiện giao thông xe máy, ô tô sử dụng nhiên liệu xăng, dầu chiếm tỷ lệ gây ô nhiễm lớn ở Hà Nội. Ảnh minh họa: ĐĐK

Lao động dịch vụ xe máy loay hoay "xoay" phương tiện

Thông tin TP Hà Nội đề xuất cấm xe "gây ô nhiễm" ở một số quận nội thành khiến nhiều người lao động tỏ ra lo lắng, bởi nếu việc này được áp dụng, chắc chắn sẽ có tác động trực tiếp đến cuộc sống của hàng triệu người lao động đang mưu sinh nhờ những chiếc xe cơ giới hàng ngày.

Anh Ngô Văn Phong, từ huyện Ý Yên, Nam Định, lên Hà Nội hành nghề tài xế xe ôm tại quận Long Biên, Hà Nội, cho biết: "Nếu thành phố Hà Nội cấm xe "gây ô nhiễm" chạy trong các quận nội thành thì những người hành nghề xe ôm như chúng tôi, chắc chắn sẽ gặp khó khăn rất lớn".

Chia sẻ về khó khăn này, anh Hà Văn Tiến, nhân viên shipper bày tỏ: "Để đi làm shipper, tôi phải vay mượn thêm để mua chiếc xe máy 14 triệu đồng làm phương tiện. Nếu theo quy định mới thì tôi chỉ còn cách xoay xở mua xe máy điện, nhưng chi phí sẽ tăng gấp đôi so với chiếc xe máy tôi đang sử dụng, như thế thực sự là quá sức, chưa thể biết xoay xở theo hướng nào".

Theo ghi nhận của phóng viên, nếu việc cấm xe "gây ô nhiễm" thực hiện ngay trong năm 2025 thì hàng vạn người lao động sẽ gặp khó khăn trong việc chuyển đổi phương tiện để bắt nhịp với các điều kiện mới.

Bởi lẽ, bình thường, với nhiều người lao động có mức thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/tháng, việc chuyển đổi nâng cấp phương tiện cho phù hợp với các quy định chuẩn về khí thải của TP Hà Nội, sẽ không tránh khỏi khó khăn.

Đặc biệt, trong bối cảnh Tết Nguyên đán cận kề, nhiều việc phải lo toan, chi dùng nên nguồn ngân sách gia đình để chi cho việc thay đổi/nâng cấp phương tiện đi lại càng khó thực thi. Chẳng hạn để mua được một chiếc xe máy điện đi shipper, đi chạy Grab, thì họ cũng phải bỏ ra vài chục triệu đồng mới có thể đáp ứng được.

Hà Nội vẫn là một điểm đến lý tưởng của đông đảo người dân, người lao động, học sinh, sinh viên. Phương tiện phổ thông gắn với người lao động ở Hà Nội chủ yếu là xe máy. Với những người lao động làm việc trong lĩnh vực xe ôm, xe công nghệ, shipper, chắc chắn sẽ là những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp khi Hà Nội áp dụng việc cấm xe gây ô nhiễm.

Nếu như phương tiện họ sử dụng để mưu sinh không đáp ứng được các yêu cầu về phát khí thải theo quy định của Hà Nội, sẽ có những tác động lớn đến công việc và thu nhập.

Ngoài ra, bên cạnh nhóm lao động hành nghề dịch vụ liên quan đến phương tiện xe máy gặp khó, sẽ còn một bộ phận lớn người lao động nghèo/lao động bình dân nhiều năm nay đi xe máy cũ, xuống cấp loay hoay trong việc tìm phương tiện thay thế.

Các đại biểu HĐND TP Hà Nội bấm nút thông qua nghị quyết

Các đại biểu HĐND TP Hà Nội bấm nút thông qua nghị quyết

Nhiều doanh nghiệp lo lắng

Nếu như người lao động mưu sinh bằng xe máy gặp khó khăn, thậm chí có thể bị "đứt đoạn" công việc thì những doanh nghiệp đang sử dụng nhóm lao động gắn với những phương tiện này cũng không tránh khỏi khó khăn liên đới.

Đặc biệt, những đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ vận tải cũng không thể tránh khỏi "cú sốc" khi Hà Nội ban hành quy định cấm này. Bởi cho đến nay, hầu hết các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ vận chuyển đều sử dụng các phương tiện xe chạy xăng, dầu, và họ sẽ là những đối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất nếu quy định này được thực hiện.

Anh Nguyễn Văn Đại, giám đốc một doanh nghiệp hoạt động dịch vụ vận tải ở Long Biên, Hà Nội, cho biết: "Công ty chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực đưa đón học sinh trong nội thành và vận tải khách du lịch, với hơn 20 đầu xe, đầu tư cả chục tỷ đồng.

Nếu như áp dụng quy định như vậy, thì tất cả các đầu xe và phạm vi hoạt động của công ty chúng tôi đều bị ảnh hưởng, thậm chí là không thể hoạt động. Điều này sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sự sống còn của công ty chúng tôi, cũng như ảnh hưởng tới công ăn việc làm của hàng chục người lao động.

Công ty không hoạt động được trong khi hàng tháng vẫn phải chịu các khoản chi phí lãi vay ngân hàng, bến bãi, quản lý…, còn người lao động thì mất việc làm. Đặc biệt, việc này sẽ ảnh hưởng đến cả chuỗi quy trình vận hành chở học sinh, khách du lịch, các đối tác khác sẽ bị xáo trộn rất lớn".

Không chỉ với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ vận tải của anh Đại, ngay cả các cơ sở chuyên kinh doanh cho thuê xe gắn máy trên khu phố cổ Hà Nội cũng không tránh khỏi nỗi lo lắng.

Ông Nguyễn Văn Trường, chủ cửa hàng cho thuê xe máy trên phố Mã Mây, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, chia sẻ: "Nếu áp dụng cấm như vậy, hơn 30 xe máy đang cho thuê của tôi sẽ không đủ điều kiện kinh doanh ở địa bàn các quận nội thành. Trong khi, đây là nguồn thu nhập chính của cả gia đình tôi. Nếu bị gián đoạn hoạt động thì chúng tôi không chỉ mất nguồn doanh thu mà còn bị mất mối làm ăn quen thuộc. Do đó, tôi đang rất lo lắng về quy định này".

Liên quan đến quy định của thành phố, ông Đỗ Văn Tình, Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vận tải du lịch ở quận Hoàn Kiếm, chia sẻ: "Chủ trương xây dựng đề án bảo vệ môi trường sống trong lành của TP Hà Nội tôi cho là rất tốt.

Thế nhưng, nếu làm gấp gáp quá, sẽ tạo ra nhiều hiệu ứng bất cập cho người lao động, cho doanh nghiệp và hơn cả, là nó có thể dẫn đến sự xáo trộn trong chuỗi cung ứng dịch vụ trên địa bàn.

Tôi lấy thí dụ như, việc các shipper đi xe gắn máy không đủ điều kiện xả thải ra mỗi trường, sẽ không được vào các quận nội thành, sẽ dẫn đến hàng hóa không được giao, nhận kịp thời. Hay như anh xe ôm chở khách đến khu vực cấm thì thả khách xuống vì không đủ điều kiện đưa họ đến tận nơi họ muốn đến ở trong khu vực nội thành.

Việc vận chuyển vật liệu xây dựng, hiện nay chủ yếu là các phương tiện ô tô tải trọng lớn chuyên chở những mặt hàng có trọng lượng nặng như sắt, thép, xi măng… cũng không thể hoạt động. Chỉ vài thí dụ như trên thôi, cũng có thể hình dung ra nhiều vấn đề bất cập như thế nào rồi".

Thực tế cho thấy, câu chuyện lập vùng phát thải thấp để cấm hoặc hạn chế ô tô, xe máy không đạt tiêu chuẩn khí thải vào nội thành TP Hà Nội dù mới chỉ đang bàn thảo nhưng đã và đang thu hút sự quan tâm, lo lắng của rất nhiều người dân và doanh nghiệp.

Thế nên, trước khi áp dụng và thực thi, đòi hỏi TP Hà Nội và các cơ quan chức năng cần có những giải pháp hợp tình, hợp lý, gỡ khó cho nhóm đối tượng liên quan để họ từng bước thích nghi, thực hiện nghiêm quy định.

Theo thống kê đến tháng 11/2024, Hà Nội đã có hơn 8 triệu phương tiện giao thông đường bộ, trong đó hơn 1,1 triệu ô tô và hơn 6,9 triệu xe máy. Trong đó, số lượng xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm 72,58% sẽ làm gia tăng mức phát thải chất độc hại vào không khí nếu xe cũ không được bảo dưỡng theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất.

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng được các tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp; phạm vi vùng phát thải thấp; lộ trình thực hiện và các biện pháp dự kiến áp dụng. Nếu mô hình này được thực hiện thành công ở Hà Nội, thì hoàn toàn có thể nhân rộng ra các đô thị cũng có mật độ dân cư đông và số lượng phương tiện cá nhân cao, từ đó tạo bước chuyển lớn trong việc giảm thiểu nguồn ô nhiễm đến từ phương tiện giao thông cơ giới.

(Còn nữa)

Hoàng Sa

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ha-noi-lap-vung-phat-thai-thap-bai-1-doanh-nghiep-va-nguoi-dan-deu-lo-20241224153200839.htm