Hà Nội: Lên phương án xây dựng một số trạm rửa xe tự động
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều biện pháp để cải thiện chất lượng không khí. Thành phố xây dựng dự án hệ thống mạng quan trắc môi trường với quy mô đầu tư mới 33 trạm quan trắc không khí tự động đồng thời lên phương án xây dựng một số trạm rửa xe tự động tại những cây xăng trên một số tuyến đường cửa ngõ vào Thành phố.
Theo số liệu từ nhiều trạm quan trắc tự động trên địa bàn Thành phố, từ trung tuần tháng 9 đến đầu tháng 10/2019, chất lượng không khí Hà Nội nhiều ngày ở mức kém, có những ngày nồng độ bụi mịn PM2.5 đều có xu hướng tăng. Thành phố Hà Nội cũng đã chỉ ra 12 tác động chính ảnh hưởng đến môi trường của Thủ đô và triển khai các biện pháp để cải thiện chất lượng không khí.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Lưu Thị Thanh Chi cho biết, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện chất lượng môi trường nói chung, không khí nói riêng. Từ năm 2017, Hà Nội đã lắp đặt 10 trạm quan trắc môi trường không khí trên địa bàn (trong đó có 2 trạm cố định và 8 trạm cảm biến).
Hiện 10 trạm quan trắc này đều đang hoạt động ổn định, truyền dữ liệu về Trung tâm điều hành dữ liệu đặt tại Chi cục bảo vệ môi trường, số liệu vẫn được thu thập hàng ngày và công bố thông tin về chất lượng môi trường không khí tại các điểm đo, cập nhật 24 giờ trên Cổng thông tin điện tử của Thành phố cũng như của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố.
Thành phố xây dựng dự án hệ thống mạng quan trắc môi trường với quy mô đầu tư mới 33 trạm quan trắc không khí tự động (trong đó 20 trạm cố định, 12 trạm cảm biến, 1 xe quan trắc lưu động).
Hà Nội cũng tập trung đưa cơ giới hóa, tăng tần suất công tác quét rác, hút bụi hàng ngày trên các tuyến đường của Thành phố, tăng cường công tác thu gom rác thải sinh hoạt. Triển khai xử lý rác thải rắn xây dựng bằng công nghệ nghiền, tái chế hiện đại, đẩy mạnh công tác đầu tư các bãi phế thải xây dựng tập trung.
Cùng với đó, Thành phố triển khai xử lý ô nhiễm và duy trì chất lượng nước các ao, hồ nội ngoại thành Hà Nội; quản lý vận hành ổn định có hiệu quả các nhà máy xử lý nước thải tập trung, triển khai đầu tư một số nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt phát điện; phát triển giao thông vận tải theo hướng sử dụng vận tải công cộng. Hà Nội đã hoàn thành kế hoạch trồng hơn 1 triệu cây xanh và tiếp tục trồng bổ sung thêm 600.000 cây xanh trong giai đoạn 2019 -2020.
Xác định ô nhiễm không khí còn từ các nguồn dân sinh như đun bếp than tổ ong, đốt rơm rạ trên đồng ruộng, để giảm ô nhiễm không khí, Hà Nội đã xây dựng các chương trình hạn chế, tiến tới không đun than tổ ong, thay thế bếp than tổ ong bằng các bếp cải tiến, xây dựng chỉ thị về lộ trình chấm dứt đốt rơm rạ gây khói mù ảnh hưởng đến an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường.
Các quy định, giám sát, quản lý, thắt chặt việc thực hiện che chắn công trình khi phá dỡ và trong quá trình xây dựng đã được Thành phố ban hành; rà soát lên phương án xây dựng một số trạm rửa xe tự động tại những cây xăng trên một số tuyến đường cửa ngõ vào Thành phố…
Đồng thời, Thành phố đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, các chuyên gia, nhà khoa học và đơn vị liên quan tiến hành kiểm kê nguồn thải, phân tích thành phần hóa học trong bụi PM2.5 để xác định nguồn gây bụi, chạy mô hình Gain để tính toán lan truyền ô nhiễm, dự báo ô nhiễm không khí và đưa ra những giải pháp phù hợp.
Tuy nhiên, việc giải quyết ô nhiễm không khí ở Hà Nội còn rất nhiều khó khăn, là quá trình bền bỉ, lâu dài, ngoài sự nỗ lực hơn nữa từ cơ quan quản lý, bản thân mỗi người dân cần có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường ngay tại khu vực sinh sống...