Hà Nội Leng Keng tàu điện
Trong cuốn 'Thi nhân Việt Nam', hai nhà thơ Hoài Thanh - Hoài Chân đã nói một câu tuyệt vời ý nghĩa về thời đại. Đó là 'chỉ một chiếc tàu thủy thôi, chẳng hạn, cũng mang theo nó bóng dáng của một nền công nghiệp'. Đúng vậy, qua hàng ngàn năm của đêm trường phong kiến, tuyệt đại đa số người bình dân Việt Nam đều di chuyển bằng đôi chân trần của mình. Chỉ quan to mới được đi kiệu, người giàu hay người có địa vị trong xã hội mới có phương tiện khác để di chuyển như cưỡi ngựa, ngồi xe do ngựa kéo hay ngồi trên võng, trên thuyền...
Đến thời Pháp thuộc, dưới sông có tàu thủy thay thuyền, còn trên bộ thì có ôtô. Lịch sử ghi lại rằng, dưới thời vua Tự Đức triều Nguyễn, một viên quan được cử đi sứ nước Phú Lãng Sa (nước Pháp) về đã bị chém đầu về tội “dối vua phạm thượng”chỉ vì đã tâu với vua rằng ở bên nước Phú Lãng Sa có loại đèn “treo ngược, không cần dầu (tức cái đèn điện) mà vẫn sáng ngày đêm, có cái xe “không cần ngựa, không cần trâu hay bò kéo (tức cái ôtô) mà vẫn chạy rất nhanh.
Từ cái đèn treo ngược và cái xe không cần súc vật kéo ấy, tiếp theo là sự xuất hiện của tàu hỏa, tàu điện, ôtô, cầu Long Biên... người ta đâm ra rất phục “ông Tây”. Xin thưa “ông Tây” ở đây không chỉ cá nhân một “ông Tây” cụ thể nào, mà chỉ chung những người Pháp trong bộ máy cai trị ở Việt Nam và cả những người Pháp ở bên nước Pháp. Những năm đầu thế kỷ XX, Hà Nội xuất hiện bài ca dao với 4 câu mở đầu: “Ông Tây ngồi nghĩ cũng tài/ Sinh ra đèn máy thắp hoài năm canh/ Ông Tây ngồi nghĩ cũng sành/ Sinh ra tàu điện chạy quanh phố phường”.
Sau khi đã hết lời ca ngợi, thán phục những cái “tài”, cái “sành” của “ông Tây” rồi, người ta mới kể chi tiết: “La ga thì ở Thụy Chương/ Dây đồng cột sắt tìm đường kéo lên”. “La ga” tức là nhà ga.
Thời ấy, ga xuất phát đầu tiên của tàu điện là phố Thụy Chương - Hà Nội, tức là phố Thụy Khuê bây giờ, còn ga cuối ban đầu là Hồ Gươm, rồi sau kéo dài đến Hà Đông. Còn vì sao nói “dây đồng cột sắt tìm đường kéo lên” là vì tàu điện chạy bằng điện, điện ấy do nhà máy điện Yên Phụ, nhà máy điện đầu tiên phát điện bằng than của Việt Nam, cung cấp. Muốn có điện cho tàu điện chạy thì phải làm “dây đồng cột sắt” để kéo điện. Cột điện bằng sắt dựng dọc hai bên đường ray của tàu, giữa hai bên cột sắt có đường dây điện bằng đồng. Đầu mỗi toa tàu điện có một cái cần bằng đồng, một đầu thanh đồng đó có gắn một cái bánh xe trượt bằng sắt, còn đầu kia gắn với bộ phận tiếp điện của toa tàu. Khi cái bánh xe bằng sắt đó trượt trên dây đồng, thì nguồn điện sẽ truyền theo cái cần bằng đồng làm xe điện khởi động và chạy được. Muốn tàu điện dừng, chỉ cần điều khiển bánh xe trượt khỏi “dây đồng” và ấn vào bộ phận điều khiển phanh, là tàu dừng lại. Muốn tàu tiếp tục chạy, thì điều khiển bánh xe tiếp tục trượt trên dây đồng.
Tiếp theo “Bồi bếp cho chí bồi bàn/ chạy tiền ký cược đi làm “xơ vơ”. Những anh “xơ vơ (XV)” tức là những anh xé vé của tàu điện. Hành khách lên tàu, sau khi trả tiền, sẽ được anh “xơ vơ” xé cho một tấm vé tàu, để nếu người nhà tàu kiểm tra, có vé thì được đi đến ga cuối, nếu không thì bị phạt rất nặng. Muốn được làm “xơ vơ” phải đặt tiền ký cược là 5 đồng bạc. Ai muốn biết số tiền đó lớn đến mức nào, tìm đọc tiểu thuyết “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố, sẽ biết: Bán một cháu bé 8 tuổi làm con ở và một đàn chó cho nhà địa chủ mới được một đồng bạc. Nộp 5 đồng bạc để đi làm “xơ vơ” rồi, nếu nhà tàu cho nghỉ thì sẽ được trả lại 5 đồng bạc đó, còn nếu tự ý bỏ việc thì sẽ mất số tiền ký cược đó.
Tiếp theo “Xưa nay có thế bao giờ/ Có cái tàu điện đứng chờ ngã ba”. Gần nghìn năm, kể từ khi Thăng Long trở thành “đệ nhất kinh kỳ” đến khi những “ông Tây” biến Thăng Long trở thành Hà Nội, chỉ thấy kẻ đi người lại lầm lũi đi bộ với những bàn chân trần nứt nẻ, chai sạn bám cát bụi. Ngày nay cái tàu “không cần trâu kéo hay bò kéo” đứng lù lù ở ngã ba chờ khách, quả là “chưa có bao giờ”.
Khách đi tàu là những ai? Bài ca dao cho biết tiếp “Liền ông cho chí liền bà/ Ai mà sang trọng thì là nhẩy lên”. Đúng vậy, chỉ những người sang trọng mới dám đi tàu điện, vì “Ba xu cũng đáng đồng tiền/ Một thôi về Bưởi, bằng tiên non bồng”.
Theo hồi ký của nhà thơ Nguyễn Bính, trước năm 1945, ở Hà Nội hay Sài Gòn, 1 bát phở có giá 1 xu, tương đương với 1 bát phở bây giờ có giá 25 nghìn đồng. 3 xu tương đương với 75 nghìn đồng bây giờ. Quả là một cái giá không rẻ. Nhưng “Cũng đáng đồng tiền/ một thôi về Bưởi, bằng tiên non bồng”. Bình thường, đi bộ từ hồ Gươm về chợ Bưởi mất ít nhất nửa buổi sáng, nay chễm chệ trên cái tàu điện “Một thôi về Bưởi”, chả khác gì đi mây về gió, thì đúng là sướng “như tiên non bồng”.
Một điều nữa cũng cần nói đến, là cái tàu điện đã xóa nhòa ranh giới giữa các giai cấp, thứ bậc trong xã hội. Nhà văn Nam Cao có câu “có giàu có, có sang trọng, có làm nên ông cả bà lớn thì lúc chết cũng chả ai gọi là “cụ lớn mả” cả. Chỉ có cái mả, cái mả tất”. Trên tàu điện cũng vậy, cũng không có “công sứ ghế”, “tổng đốc ghế” hay “quan huyện ghế”, chỉ có cái ghế, cái ghế tất. Ông công sứ, ông tổng đốc, ông tri huyện hay anh cu ly, đã lên tàu đều bình đẳng như nhau, đều ngồi như nhau trên một cái ghế.
Tất nhiên là có phân biệt. Phân biệt về giá tiền. Khác với hạng 3 xu chỉ được ngồi ghế gỗ, những người mua vé hạng 5 xu được ngồi trên ghế có đệm. Bài ca dao kết thúc bằng câu “5 xu ngồi ghế đệm bông/ Hỏi mình có sướng hay không, hở mình?”.
Hà Nội và TP.HCM (Sài Gòn cũ) ngày nay đã đổi khác nhiều. Những đường tàu điện trên cao đã hoàn thành với giá đi toàn tuyến chưa bằng 1/3 bát phở theo thời giá. Nội thất trong các toa tàu cũng hiện đại, sang trọng hơn các toa tàu điện thời “ông Tây” rất nhiều. Khách đi tàu vô cùng tiện lợi. Tuy nhiên, cái tàu điện với tiếng còi leng keng đứng chờ ngã ba vẫn là một ký ức không bao giờ phai trong lòng mọi người.
Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ha-noi-leng-keng-tau-dien-393613.html