Hà Nội liên kết với 43 tỉnh, thành phố cung cấp nông sản cho thị trường Tết Nguyên đán

Ngày 19-10, Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tọa đàm kết nối thông tin về nhu cầu thị hiếu và phổ biến quy định thị trường nông sản trong nước.

Tại buổi tọa đàm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, mặc dù là Thủ đô, nhưng diện tích sản xuất nông nghiệp của Hà Nội còn rất lớn. Hà Nội hiện có 70.779 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, 453 chợ, 137 siêu thị, 29 trung tâm thương mại, 2.000 cửa hàng tiện lợi, 34 sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng đa phương tiện, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã.

Tuy nhiên, một số sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố mới đáp ứng khoảng 20-70% (tùy theo sản phẩm) cho hơn 10 triệu dân sinh sống, làm việc trên địa bàn. Lượng hàng hóa còn thiếu được kết nối, khai thác từ các tỉnh, thành phố và nhập khẩu từ nước ngoài.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, với gần 10 triệu người dân cư trú thường xuyên, Hà Nội là 1 trong 3 địa phương tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn nhất của cả nước. Trong những năm qua, Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành triển khai nhiều giải pháp phát triển sản xuất, kết nối nguồn cung cấp nông sản an toàn, chất lượng cao từ các tỉnh, thành phố để phục vụ người tiêu dùng Thủ đô, du khách trong và ngoài nước.

Hà Nội đã ký kết hợp tác với 43 tỉnh, thành phố phát triển hơn 946 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm nông sản và đặc sản vùng miền, hỗ trợ lưu thông hàng hóa trên địa bàn thành phố.

Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hằng năm là dịp cao điểm mua sắm nên sức mua của người dân sẽ tăng cao hơn so với các tháng trong năm. Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn trên địa bàn thành phố đạt khoảng 40.900 tỷ đồng (tăng 10% so với Tết năm 2023). Do đó, Hà Nội và các tỉnh, thành phố đẩy mạnh kết nối để bảo đảm nguồn cung ổn định hàng hóa thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô vào dịp cuối năm.

Các đại biểu tham quan gian hàng nông sản an toàn của các doanh nghiệp trưng bày tại buổi tọa đàm.

Các đại biểu tham quan gian hàng nông sản an toàn của các doanh nghiệp trưng bày tại buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thông tin về những quy định về quản lý an toàn thực phẩm hàng hóa nông, lâm sản và thủy sản; đồng thời, đưa ra một số khuyến nghị đối với người sản xuất, kinh doanh; gợi mở để các tổ chức kinh tế sản xuất theo tín hiệu thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm...

Kết luận buổi tọa đàm, Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp cho biết, tiêu dùng trong nước là 1 trong 3 trụ cột của tăng trưởng quốc gia, nên việc kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm là nhiệm vụ không chỉ bảo đảm dân sinh mà còn tác động đến phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế nói chung. Do đó, các địa phương cần sản xuất theo tín hiệu thị trường để không xảy ra tình trạng cung vượt cầu, nắm bắt quy định về an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-lien-ket-voi-43-tinh-thanh-pho-cung-cap-nong-san-cho-thi-truong-tet-nguyen-dan-645429.html