Hà Nội: Linh hoạt thích ứng để bảo đảm an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh

Từ ngày 25-9, sau tín hiệu vui, như lần đầu tiên trong nhiều tháng qua, Hà Nội có 48 tiếng không ghi nhận ca dương tính mới với vi rút SARS-CoV-2, các điểm phong tỏa dần được thu hẹp, thì hai ngày gần đây, thành phố liêp tiếp xuất hiện các ca bệnh trong cộng đồng. Đây là điều đã được các chuyên gia y tế dự báo và lý giải cho việc thành phố đang thực hiện từng bước chắc chắn để thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Lực lượng y tế nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đối với người dân sống gần
Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức. Ảnh: Báo Tin tức

Xuất hiện các ca bệnh trong cộng đồng nằm trong dự báo

Từ ngày 21-9, thời điểm Hà Nội thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, số ca nhiễm trên địa bàn thành phố có chiều hướng giảm. Người dân Thủ đô vui mừng khi từ 6h ngày 25-9 đến 6h ngày 27-9, thành phố đã có 48 tiếng không ghi nhận ca dương tính. Hay tính từ 18h ngày 29-9 đến 6h ngày 30-9, Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới.

Các điểm phong tỏa trên địa bàn thành phố cũng dần được thu hẹp. Tính đến 18h ngày 29-9, thành phố có tổng số 657 điểm phong tỏa, trong đó số điểm còn phong tỏa là 13 (giảm 6 điểm so với ngày trước đó).

Trong các ngày 25 và 28-9, quận Thanh Xuân đã dỡ bỏ phong tỏa đối với các ngõ 332, 328 và 330 đường Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) sau gần 1 tháng cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19. Ngày 29-9, gần 1.300 công dân phường Thanh Xuân Trung trở về nhà từ khu cách ly.

Tuy nhiên, trong những ngày qua, trên địa bàn Hà Nội tiếp tục xuất hiện những ca bệnh trong cộng đồng, như ca bệnh (là người tử vong) được phát hiện ngày 24-9 tại 21 Trần Nhân Tông (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng).

Đáng chú ý, chiều 30-9, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đã phát hiện trường hợp dương tính là nam bệnh nhân sinh năm 1972 (ở Hà Tĩnh). Bệnh nhân là người nhà vào chăm sóc em rể điều trị tại Khoa Ung bướu từ ngày 19-9. Tối cùng ngày, có thêm ca bệnh sinh năm 1998 được phát hiện gần Bệnh viện Việt - Đức (77 Phủ Doãn, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm).

Tiếp đó, từ 18h ngày 30-9 đến 6h ngày 1-10, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 5 ca dương tính tại cộng đồng. Các bệnh nhân mới phân bố tại 3 quận: Nam Từ Liêm (3), Ba Đình (1), Tây Hồ (1) và phân bố theo chùm sàng lọc ho, sốt.

Trưa nay, tại quận Long Biên ghi nhận 1 ca dương tính mới thuộc chùm ca liên quan đến thành phố Hồ Chí Minh. Bệnh nhân sinh năm 1978, ở ngõ 154 Bắc Cầu, phường Ngọc Thụy. Bệnh nhân đi công tác từ ngày 20-9 đến 27-9, trước khi về được làm xét nghiệm âm tính. Đêm 29-9, bệnh nhân về Hà Nội bằng xe riêng, tự cách ly tại nhà. Ngày 30-9, bệnh nhân đến bệnh viện làm xét nghiệm và có kết quả dương tính.

Như vậy, tính từ 18h30 ngày 30-9 đến 12h ngày 1-10, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 6 ca dương tính, trong đó có 5 ca cộng đồng và 1 ca tại khu cách ly.

Về chùm ca bệnh tại tổ 4 phường Việt Hưng, đến nay đã ghi nhận 28 ca dương tính, trong đó có 27 ca tại quận Long Biên và 1 ca tại huyện Gia Lâm.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, việc phát hiện F0 trong bệnh viện hay ngoài cộng đồng là điều đã được dự báo trước. Thời gian tới, thành phố vẫn có thể phát hiện những chùm ca bệnh mới, bởi không thể nói trong thời gian giãn cách kéo dài đã hết hẳn ca bệnh tại cộng đồng.

Hơn nữa, dù Hà Nội đã bố trí các chốt kiểm soát, cách ly tập trung những trường hợp đi từ nơi có dịch về nhưng cũng không thể bảo đảm kiểm soát hết 100%.

Đi từng bước chắc chắn cùng duy trì "vắc xin ý thức"

Về việc tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ ngày 28-9, lãnh đạo thành phố Hà Nội khẳng định, thành phố sẽ thực hiện từng bước chắc chắn để thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.

Nguyên tắc nhất quán trong phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội là thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, coi bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Khi đợt dịch thứ tư bùng phát vào cuối tháng 4-2021, nhờ dự báo chính xác tình hình, thành phố đã áp dụng các biện pháp mạnh ngay từ đầu; đồng thời điều chỉnh linh hoạt theo từng thời điểm phù hợp với thực tế.

Chủ cửa hàng giày tại số 51 phố Bà Triệu dán mã QR phục vụ khách khai báo y tế. Ảnh: T.Hoa

Giữa tháng 7-2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, số ca mắc mới tăng nhanh, thành phố quyết định áp dụng giãn cách xã hội từ ngày 24-7. Trong gần 60 ngày, Hà Nội đã thực hiện 4 đợt giãn cách xã hội. Đây là quyết định dũng cảm, kịp thời, đúng và trúng của thành phố để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Tranh thủ quãng "thời gian vàng" này, thành phố đã triển khai xét nghiệm tầm soát thần tốc, tiết kiệm, có trọng tâm, trọng điểm; đã phát hiện và đưa đi cách ly, điều trị kịp thời nhiều ca F0, truy vết và cách ly triệt để các trường hợp F1.

Đặc biệt, nhờ sự quan tâm của Trung ương, Bộ Y tế tạo điều kiện phân bổ vắc xin cùng sự hỗ trợ của 12 tỉnh, thành phố, 12 bệnh viện quân đội, công an, các bệnh viện tư nhân, Hà Nội đã thần tốc hoàn thành cơ bản tiêm mũi 1 vắc xin phòng Covid-19 cho người dân đủ điều kiện từ 18 tuổi trở lên vào ngày 15-9.

Nhờ đó, Hà Nội quyết định nới lỏng một số hoạt động ngay từ sáng 16-9, đến ngày 21-9 tiếp tục nới lỏng thêm một số hoạt động và ngày 28-9 cho phép thêm hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời (nhưng không được tập trung quá 10 người), mở toàn bộ trung tâm thương mại (các cửa hàng ăn uống chỉ được phép bán mang về) và cửa hàng may mặc, thời trang, hóa mỹ phẩm.

Lý giải việc thành phố phải mở từng bước, thận trọng như vậy, đặc biệt chưa hoạt động trở lại các phương tiện vận tải hành khách công cộng, chưa tiếp nhận chuyến bay, tàu khách là vì nguy cơ dịch vẫn còn, biến chủng mới của Covid-19 rất nguy hiểm, khó lường, có tốc độ lây lan nhanh trong khi tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 2 còn rất thấp, chưa tạo được miễn dịch cộng đồng và phải chờ nguồn phân bổ vắc xin từ Bộ Y tế. Thành phố vẫn đang áp dụng biện pháp chỉ 50% cán bộ công chức đến cơ quan, học sinh vẫn học trực tuyến, sinh viên các trường đại học, cao đẳng chưa trở lại thành phố cho nên nhu cầu sử dụng các phương tiện công cộng chưa lớn.

Ngoài ra, sau khi thành phố nới lỏng giãn cách, một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch. Việc đông đảo người dân đổ ra đường trong đêm Trung thu (21-9) hay từ 28-9, dù thành phố cho phép hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời với yêu cầu không được tập trung quá 10 người, nhưng nhiều nơi công cộng đã có hiện tượng tụ tập đông người, một số người còn không đeo khẩu trang, thực hiện chưa tốt "5K", không quét mã QR khai báo y tế khi đến các cơ sở kinh doanh, dịch vụ… cũng là mối lo ngại lớn.

Để giữ vững thành quả đã đạt được sau 4 đợt giãn cách, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo Hà Nội càng phải cẩn trọng cao độ; kiểm soát tốt người đi từ vùng dịch về; bảo vệ và giữ chặt "vùng xanh" từ phạm vi hẹp nhất. Mỗi ngành, mỗi cơ quan, doanh nghiệp cần xây dựng phương án rất cụ thể để bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch bùng phát. Ngoài ra, người dân phải thực hiện tốt "5K", vừa bảo vệ cho bản thân, gia đình, vừa cắt đứt chuỗi lây nhiễm.

Việc liên tiếp xuất hiện các ca bệnh mới trong cộng đồng những ngày qua cho thấy, việc Hà Nội đi từng bước chắc chắn để thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế là lựa chọn hết sức đúng đắn.

Bên cạnh đó, việc duy trì, nâng cao hiệu lực của "vắc xin ý thức” trong phòng, chống dịch của người dân, doanh nghiệp được thành phố chú trọng tuyên truyền. Khi dịch bệnh tiếp tục tiềm ẩn trong cộng đồng thì mỗi người dân cần thực hiện "5K", tuân thủ khai báo y tế, quét mã QR như thói quen, nếp sống hằng ngày và tiếp tục tin tưởng, đồng hành cùng thành phố giữ vững thành quả chống dịch, duy trì trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.

Bảo Hân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1013509/ha-noi-linh-hoat-thich-ung-de-bao-dam-an-toan-kiem-soat-hieu-qua-dich-benh