Hà Nội mở rộng nguồn vốn chính sách tới các đối tượng đặc thù
Từ năm 2025, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thành phố thực hiện cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương, phục vụ nhu cầu học tập, việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân Thủ đô.
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 378/KH-UBND ngày 25/12/2024 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 21/2024/NQ-HĐND ngày 04/10/2024 của HĐND thành phố quy định đối tượng đặc thù được vay vốn từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH của thành phố Hà Nội.
Trong đó, UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan liên quan phối hợp với NHCSXH các cấp tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách phục vụ nhu cầu học tập, việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân Thủ đô.
Để tổ chức thực hiện Nghị quyết số 21/2024/NQ-HĐND đúng đối tượng, đúng quy định, công khai, minh bạch, kịp thời, an toàn vốn, không để xảy ra tiêu cực, UBND thành phố chỉ đạo UBND các cấp, sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Nghị quyết số 21/2024/NQ-HĐND bảo đảm chất lượng, hiệu quả, phù hợp tình hình thực tế và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong từng năm, từng giai đoạn cụ thể.
3 đối tượng đặc thì được vay vốn từ nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH
Theo đó, từ tháng 1/2025, theo Nghị quyết số 21/2024/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội thông qua ngày 4/10/2024, các đối tượng đặc thù được vay vốn từ nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH bao gồm:
Thứ nhất, đối với học sinh, sinh viên; học sinh, sinh viên thuộc hộ gia đình có từ 2 con trở lên đang học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề; hộ gia đình có vợ/chồng là người dân tộc thiểu số/người khuyết tật hoặc có vợ/chồng đã chết; hộ gia đình có thành viên là đối tượng hưởng chế độ ưu đãi người có công theo quy định của pháp luật về người có công.
Thứ hai, cho vay cấp nước sạch và vệ sinh môi trường: Hộ gia đình cư trú tại phường thuộc quận, thị xã trên địa bàn thành phố chưa có công trình cấp nước, công trình vệ sinh hộ gia đình hoặc đã có nhưng bị hư hỏng cần xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa.
Thứ ba là tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm: Người lao động có việc làm đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc có thu nhập thấp hơn mức thu nhập bình quân của người lao động đang làm việc trên địa bàn thành phố được Cục thống kê thành phố Hà Nội công bố theo từng năm.
Việc mở rộng đối tượng vay vốn nhằm tạo điều kiện cho các nhóm đối tượng khó khăn không đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn trung ương có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, phục vụ nhu cầu học tập, cải thiện đời sống, tạo việc làm, góp phần giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Ngay từ đầu năm 2025, NHCSXH thành phố đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan tham mưu UBND các cấp sớm chuyển vốn ủy thác năm 2025 theo quyết định bố trí vốn đã ban hành, tập trung giải ngân kịp thời nguồn vốn thu hồi và vốn bổ sung; tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng nguồn vốn, dư nợ tín dụng, nâng mức cho vay đối với khách hàng, nâng dư nợ cho vay đối với địa bàn cấp xã đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, công tác ủy thác cho vay, hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn..., phấn đấu hoàn thành 100% chỉ tiêu, nhiệm vụ được trung ương và thành phố giao.
Trong năm 2024, doanh số cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đạt 7.206 tỷ đồng với 114.772 lượt khách hàng được vay vốn, doanh số thu nợ đạt 4.799 tỷ đồng; tổng dư nợ các chương trình tín dụng đến hết năm 2024 đạt 16.567 tỷ đồng với 270.467 khách hàng đang vay vốn, tăng 2.406 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng đạt 17%.
Thông qua các chương trình tín dụng chính sách, nguồn vốn giải ngân trong năm 2024 đã giúp 114.772 lượt khách hàng trên địa bàn Hà Nội được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong đó có 22 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn; 86.386 lượt khách hàng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, giải quyết việc làm; hỗ trợ vốn cho 118 lượt học sinh, sinh viên trang trải chi phí học tập; hỗ trợ kinh phí cho 27.479 hộ gia đình xây dựng mới và cải tạo 54.958 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay 99 lượt khách hàng là người chấp hành xong án phạt tù vay vốn để sản xuất, kinh doanh; 600 lượt hộ nghèo, cận nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở theo Nghị quyết số 14/NQ-HĐND của HĐND thành phố; 62 lượt khách hàng vay vốn xây mới, sửa chữa nhà ở theo chương trình cho vay nhà ở xã hội...