Hà Nội mở rộng xây dựng vùng nông nghiệp an toàn
Hiện nay, để bảo đảm sản xuất nông nghiệp bền vững, cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tăng cường xây dựng vùng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, an toàn. Tuy nhiên, để mở rộng và phát huy hiệu quả các vùng nông nghiệp an toàn còn nhiều việc phải làm.
Cung cấp nguồn thực phẩm sạch
Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng (huyện Thanh Trì) Nguyễn Văn Thiêm cho biết, với diện tích 15ha, hợp tác xã đầu tư công nghệ cao xây dựng mô hình nuôi cá “sông trong ao”, quy mô khoảng 15 bể nuôi. Các bể nuôi được lắp thiết bị máy sục khí, máy hút chất thải, hệ thống nước trắng, xử lý nước thải, ô xy hóa..., nên cá sinh trưởng và phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao; sản lượng đạt 50-60 tấn/ha/năm. Không chỉ cho giá trị kinh tế cao mà hợp tác xã còn cung cấp ra thị trường nguồn thủy sản chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm.
Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất rau công nghệ cao Cuối Quý Đặng Thị Cuối, từ năm 2017, hợp tác xã chuyển hướng trồng rau hữu cơ trên diện tích 15ha được thiết kế hệ thống thoát gió, thoát khí và tưới tiêu hiện đại. Nhờ chất lượng sản phẩm rau, mỗi năm, hợp tác xã cung cấp thực phẩm sạch cho 16 trường mẫu giáo và 3 chuỗi cửa hàng rau sạch trên địa bàn thành phố, 6 chợ đầu mối trong vùng, mỗi ngày xuất 1,5-2 tạ rau củ, quả các loại… Ngoài ra, hợp tác xã còn cung cấp cho các chuỗi cửa hàng rau sạch Hà Nội.
Để bảo đảm nguồn cung nông sản sạch ra thị trường, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội tập trung quy hoạch vùng sản xuất tập trung an toàn. Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, hiện nay, toàn thành phố duy trì vùng sản xuất rau an toàn với diện tích hơn 5.000ha, trong đó có 43 mô hình rau áp dụng Hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ (PGS) với tổng diện tích 1.700ha; hơn 1.300ha rau, quả, chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với đó là 181ha nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP, 88 cơ sở chăn nuôi áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, gần 50ha trồng trọt theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.
Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục duy trì, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn với 159 chuỗi. Việc sản xuất theo hướng an toàn không chỉ giúp người dân tiêu thụ với giá cao hơn 10-15% so với sản phẩm theo hướng truyền thống mà còn giúp các ngành chức năng thuận lợi hơn trong quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng nông sản, thực phẩm bán trên thị trường.
Sản xuất gắn với công nghệ cao
Bên cạnh hiệu quả, việc xây dựng vùng sản xuất an toàn còn nhiều khó khăn do sản xuất nông nghiệp còn manh mún, chưa có nhiều vùng sản xuất bảo đảm theo tiêu chuẩn VietGAP, ISO, hữu cơ... Trong khi đó, cơ sở hạ tầng ở các vùng sản xuất an toàn đầu tư còn chắp vá, chưa đồng bộ nên chưa thu hút được doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp. Việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại cho nông sản thiếu chuyên nghiệp, vẫn “mạnh ai nấy làm”...
Để tháo gỡ khó khăn và tạo nguồn thực phẩm sạch, an toàn từ các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn có sự kiểm soát từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, các hợp tác xã thuận lợi hơn trong việc cung cấp nguồn nông sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô, Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Thám (huyện Chương Mỹ) đề nghị, các ngành chức năng cần đầu tư cơ sở hạ tầng, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi khi xây dựng trang trại sản xuất an toàn; mở các lớp tập huấn về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; liên kết với doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm an toàn đưa vào các kênh phân phối hiện đại.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục mở rộng duy trì, phát huy thế mạnh của vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung hơn 3.000ha, vùng trồng cây ăn quả 300ha, vùng rau an toàn 100ha. Cùng với đó, huyện phát triển các chuỗi liên kết: Chuỗi thực phẩm an toàn A-Z của Hợp tác xã Hoàng Long (xã Tân Ước), chuỗi gạo thơm Bối Khê (xã Tam Hưng), chuỗi trứng vịt Liên Châu (xã Liên Châu). Đồng thời, huyện hỗ trợ nhân rộng các mô hình trồng hoa lan nhân cấy mô, hoa lan hồ điệp, dưa lưới ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương mở rộng tổ chức sản xuất tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Hà Nội sẽ đầu tư chuyên sâu cho các vùng nông nghiệp hàng hóa đã hình thành theo hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm. Đối với cây ăn quả sẽ tập trung vào các vùng chuyên canh theo nhóm cây chủ lực (bưởi, chuối, nhãn…) quy mô hơn 20.000ha; rau màu hơn 5.000ha; hoa, cây cảnh hơn 9.000ha...
Để hoàn thành mục tiêu trên, Hà Nội tiếp tục có chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, xây dựng thương hiệu, liên kết chuỗi để cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục xây dựng các mô hình tuyên truyền, giám sát cộng đồng về an toàn thực phẩm tại các xã nông thôn mới để phổ biến nhân rộng. Đồng thời, phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ tuyên truyền, vận động người dân sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng tập trung giám sát, kiểm tra, thanh tra chất lượng an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị; kịp thời phát hiện, cảnh báo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm; tiếp tục xây dựng và phát triển thêm một số thương hiệu nông sản hàng hóa mới có lợi thế của Thủ đô.