Hà Nội mong muốn đóng vai trò đầu tàu của Vùng đồng bằng sông Hồng
Để phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng, lãnh đạo Hà Nội đề nghị cần có cơ chế liên kết, phối hợp giữa 11 tỉnh thành, trong đó Hà Nội đóng vai trò đầu tầu…
Ngày 20-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ nhất của Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ban ngành và 11 tỉnh, thành Vùng đồng bằng sông Hồng cùng các chuyên gia, nhà khoa học...
Hà Nội là hạt nhân của Vùng Đồng bằng sông Hồng
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh việc thành lập Hội đồng điều phối Vùng Đồng bằng sông Hồng tạo ra thuận lợi lớn để 11 tỉnh thành liên kết các thế mạnh, cùng phát triển. Đồng thời, điều này cũng mở ra cơ hội để Hà Nội bứt phá thành một TP thông minh, hiện đại, có bản sắc.
Ông Thanh cho hay Hà Nội đang xây dựng quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)…
Trong quá trình thực hiện, Hà Nội luôn lồng ghép, xác định rõ vai trò trách nhiệm của Thủ đô đối với quá trình phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Nội luôn cao hơn mức tăng bình quân của cả nước, giai đoạn 2026-2030 tăng 8,0-8,5%/năm. Hà Nội đang đặt mục tiêu đến 2045 trở thành Thủ đô toàn cầu, thu nhập đầu người đạt 36.000 USD/năm, là TP phát triển toàn diện, hiện đại…
“Về hạ tầng đô thị, TP xác định tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng khoa học công nghệ, hạ tầng số… phát triển Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, hài hòa, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước, là cực tăng trưởng của Vùng động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh)” - Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.
Ông cho hay thời gian tới Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong liên kết vùng, trước mắt sẽ chủ động tham gia công tác lập Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Hồng.
Cùng các địa phương khác triển khai các cơ chế liên kết, đảm bảo sự phát triển thống nhất theo Quy hoạch vùng, như cơ chế cung cấp thông tin; phối hợp đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng liên kết vùng; cơ chế hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực,…
5 đề xuất của Hà Nội
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề xuất năm nội dung nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của Hà Nội đối với sự phát triển của Vùng Đồng bằng sông Hồng.
Thứ nhất, đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển Vùng. Trong đó, tăng cường phối hợp giữa Chính phủ và các cơ quan ở Trung ương với các địa phương trong Vùng sớm xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên vượt trội, có tính đột phá cao cho phát triển Vùng.
Đối với Thủ đô Hà Nội, trước mắt là việc xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) theo đúng kế hoạch.
Thứ hai, tăng cường hợp tác, liên kết toàn diện, thực tế và hiệu quả để xây dựng và phát triển Vùng Đồng bằng sông Hồng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế chất lượng cao, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Tiếp tục tận dụng và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong việc phát triển các quan hệ hợp tác giữa các địa phương để phát triển…
Thứ ba, xây dựng và tổ chức thực hiện tốt quy hoạch phát triển Vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện. Trong đó, riêng Hà Nội sẽ xây dựng, trình thẩm định, phê duyệt Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
“Đây sẽ là cơ sở để sắp xếp, tổ chức phân bố không gian phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, trong quá trình xây dựng quy hoạch sẽ tính tới việc liên kết, kết nối vùng mà Hà Nội đóng vai trò trung tâm” - ông Dũng nói.
Bốn là đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Năm là, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển các công trình trọng điểm có sức lan tỏa, giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng…