Hà Nội: MTTQ tăng giám sát nội dung liên quan trực tiếp đời sống người dân

Với yêu cầu, nhiệm vụ và bám sát tình hình thực tiễn từng giai đoạn, nhiệm kỳ qua, MTTQ các cấp TP Hà Nội đã chủ động lựa chọn những nội dung có trọng tâm, trọng điểm, vấn đề người dân quan tâm, kiến nghị, liên quan trực tiếp đời sống người dân để giám sát.

Nội dung, phương thức giám sát ngày càng thực chất

Theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam quận Đống Đa Nguyễn Thị Minh Hiền, nhiệm kỳ 2019-2024, hoạt động giám sát của quận có nội dung, phương thức thực hiện ngày càng thực chất, tập trung vào những vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp quyền lợi hợp pháp chính đáng của Nhân dân và dư luận xã hội quan tâm, bức xúc. Vai trò giám sát của MTTQ ở cơ sở thông qua hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân (TTND), Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ) cũng được phát huy hiệu quả.

Cụ thể, MTTQ các cấp tại quận đã tổ chức được 614 cuộc và tham gia 523 cuộc giám sát với HĐND, các đoàn thể CT-XH, với các nội dung thiết thực như: việc thực hiện Nghị quyết của HĐND các cấp; thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, AN-QP; chấp hành các chính sách của quận, địa phương, đơn vị; quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn; quản lý trật tự xây dựng; quản lý cơ sở vật chất, dạy thêm, học thêm, tuyển sinh trong các trường học; công tác thực thi pháp luật của các cơ quan nội chính... Cùng đó, các Ban TTND giám sát 1.689 vụ việc và kiến nghị chính quyền các cấp, cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết các vụ việc vi phạm. Các Ban GSĐTCCĐ cũng giám sát các dự án, công trình đầu tư trên địa bàn quận và phối hợp giám sát trên các lĩnh vực trật tự xây dựng, quản lý đất đai, thực hiện dân chủ ở cơ sở...

Đặc biệt, việc giám sát cá nhân người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên về thực hiện quy định nêu gương đã có tác dụng ngăn chặn vi phạm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; thu hút người dân quan tâm theo dõi, phản ánh những biểu hiện không lành mạnh trong đạo đức lối sống, thực hiện không đúng quy định của Đảng và Nhà nước liên quan trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu. Bằng nhiều hình thức, MTTQ Việt Nam đã phản ánh trực tiếp với người đứng đầu hoặc thông qua họp, hội nghị, một số vụ việc gửi phản ánh hoặc đề nghị bằng văn bản... có tác dụng tốt phòng ngừa vi phạm; qua thông tin phản ánh giúp cho lãnh đạo, cán bộ, đảng viên “tự thấy, tự sửa”.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương giám sát công trình khu tái định cư phục vụ GPMB dự án Vành đai 4- Vùng Thủ đô tại thôn Nội Đồng, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh (ảnh: Ủy ban MTTQ huyện Mê Linh)

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương giám sát công trình khu tái định cư phục vụ GPMB dự án Vành đai 4- Vùng Thủ đô tại thôn Nội Đồng, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh (ảnh: Ủy ban MTTQ huyện Mê Linh)

Còn theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Ba Đình, thực tế hoạt động giám sát, phản biện xã hội đã khẳng định được vị thế vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp trong quận, ngày càng hiệu quả, góp phần phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền quận trong sạch vững mạnh.

5 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận và 14 phường đã tổ chức hơn 500 cuộc giám sát; phối hợp tham gia 540 cuộc giám sát với HĐND và các tổ chức CT-XH; tổ chức 128 hội nghị phản biện xã hội. Vai trò giám sát của MTTQ ở cơ sở được thể hiện rõ qua hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ. Trong đó, Ban TTND tại 14 phường tham gia giám sát 905 cuộc, phát hiện 146 vụ việc, kiến nghị 138 vụ và đã được giải quyết 117 vụ việc. Ban GSĐTCCĐ giám sát 483 công trình, dự án triển khai trên địa bàn phường, phát hiện 13 trường hợp vi phạm; đã gửi kiến nghị các chủ đầu tư, nhà thầu, Ban quản lý dự án yêu cầu tháo dỡ, thay đổi hoặc kiểm tra, xử lý, khắc phục sai phạm, góp phần nâng cao chất lượng công trình, dự án.

Ngoài ra, Ủy ban MTTQ quận và phường phối hợp tổ chức được 125 hội nghị đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo cấp ủy và chính quyền các cấp với MTTQ, đoàn thể CT-XH và Nhân dân trên địa bàn nhằm giải quyết bức xúc của cử tri về những nội dung đời sống dân sinh: GPMB đường Vành đai I, di dân tái định cư cải tạo chung cư cũ nguy hiểm, cấp GCN quyền sử dụng đất và nhà ở, cấp phép xây dựng, quản lý đất đai, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường... Tại các hội nghị ghi nhận 1.053 ý kiến, trong đó cấp quận tiếp thu 127 ý kiến, cấp phường tiếp nhận 926 kiến nghị, phản ánh.

Là địa bàn nông thôn hằng năm có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, công tác giám sát tại huyện Chương Mỹ thực tế thể hiện luôn có phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ các cấp và những cơ quan liên quan. Hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội đã được Thường trực Huyện ủy phê duyệt, xây dựng chương trình phối hợp giữa Thường trực HĐND-UBND huyện, trong đó có nội dung phối hợp về hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tiếp xúc cử tri, xem xét giải quyết các vấn đề cử tri đặt ra. MTTQ huyện có đề xuất nội dung giám sát với HĐND huyện để xem xét đưa vào chương trình giám sát của HĐND; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH các cấp trước khi xây dựng kế hoạch giám sát cũng đều thống nhất nội dung với Thường trực HĐND, UBND cùng cấp.

Các thành viên Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ thôn Đoài, xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh giám sát công trình nhà văn hóa

Các thành viên Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ thôn Đoài, xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh giám sát công trình nhà văn hóa

5 năm qua, MTTQ các cấp trong huyện tổ chức giám sát 3.419 cuộc, trong đó cấp huyện nghiên cứu xem xét văn bản 14 cuộc, thành lập đoàn giám sát 20 cuộc, phối hợp giám sát 94 cuộc. MTTQ cấp xã nghiên cứu xem xét văn bản 546 cuộc, thành lập đoàn giám sát 339 cuộc, giám sát thông qua hoạt động Ban TTND 1.096 cuộc và thông qua Ban GSĐTCCĐ 567 công trình dự án, phối hợp giám sát 743 cuộc.

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cho biết, hoạt động TTND và GSĐTCCĐ đạt được những kết quả tích cực, trước hết nhờ sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, hướng dẫn của Ủy ban MTTQ các cấp, phối hợp và tạo điều kiện của chính quyền; phát huy tính chủ động, nhiệt tình, trách nhiệm của từng thành viên Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ trong thực hiện nhiệm vụ được Nhân dân tín nhiệm giao cho. Từ đó, góp phần thực hiện tốt Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, giữ gìn trật tự an ninh nông thôn; giảm đáng kể đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân. Kết quả giám sát trên các lĩnh vực của các Ban này đã góp phần nâng cao chất lượng các công trình, tạo đồng thuận trong Nhân dân.

Tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động giám sát

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương, với yêu cầu nhiệm vụ và bám sát thực tiễn từng giai đoạn, nhiệm kỳ qua, Mặt trận các cấp TP đã chủ động lựa chọn những nội dung có trọng tâm, trọng điểm, vấn đề Nhân dân quan tâm, kiến nghị, liên quan trực tiếp đời sống người dân để giám sát, được Nhân dân hoan nghênh, như: bầu cử ĐB Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; công tác phòng chống đại dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; quy trình cấp GCN quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo trên địa bàn TP; công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở thờ tự được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa; việc triển khai lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới; quản lý nhà chung cư; công tác đền bù GPMB thực hiện dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô; giám sát theo khiếu nại tố cáo của người dân và qua phản ánh của truyền thông, dư luận…

Số lượng, chất lượng các cuộc giám sát, phản biện xã hội luôn năm sau tăng hơn năm trước. 5 năm qua, Mặt trận các cấp TP đã tổ chức 4.428 đoàn, phối hợp tham gia 6.920 đoàn giám sát; đã ký quy chế phối hợp với HĐND, UBND cùng cấp; chủ động tham gia xây dựng các chủ trương chính sách mới bằng việc góp ý và tổ chức phản biện xã hội vào các dự thảo Nghị quyết của HĐND cùng cấp thực hiện nhiệm vụ chính trị, KT-XH, AN-QP và các chuyên đề liên quan quyền lợi hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Đã có 2.282 hội nghị phản biện xã hội được triển khai ở các cấp. Ý kiến giám sát, phản biện được chính quyền các cấp tiếp thu, chỉnh sửa để các chủ trương chính sách được thực hiện khả thi.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Đống Đa tổ chức lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng công tác MTTQ, TTND, GSĐTCCĐ năm 2024

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Đống Đa tổ chức lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng công tác MTTQ, TTND, GSĐTCCĐ năm 2024

Song song đó, các Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ thường xuyên được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động. Các Ban TTND thực hiện giám sát được 24.045 vụ việc; kiến nghị với chính quyền các cấp, cơ quan có thẩm quyền 3.700 vụ việc, từ đó được xem xét, giải quyết 3.546 vụ việc (95,8%). Ban GSĐTCCĐ tham gia giám sát 15.120 công trình, dự án; phát hiện 982 vụ vi phạm, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời 932 vụ. Ngoài ra, các Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ phối hợp giám sát trên các lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng (11.805 vụ), quản lý đất đai (3.281 vụ), thực hiện dân chủ ở cơ sở (4.856 vụ), các lĩnh vực khác (1.780 vụ).

Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa vai trò của MTTQ và các tổ chức CT-XH thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội, MTTQ các quận, huyện kiến nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo, chủ động phối hợp, tạo điều kiện hơn để giải quyết mối quan hệ giữa “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ và các tổ chức CT-XH làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ”.

Cụ thể, cấp ủy, chính quyền cần chỉ đạo tăng cường tuyên truyền cho Nhân dân thấy được vị trí vai trò của Mặt trận, để tích cực tham gia hoạt động giám sát và phản biện xã hội, xem đó là quyền của dân và trách nhiệm của Mặt trận với dân, với Đảng, chính quyền. Bên cạnh đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác MTTQ các cấp và phát huy hiệu quả cán bộ chuyên trách, không chuyên trách của Mặt trận, Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ, cần tăng cường các điều kiện và cơ hội tiếp cận thông tin của Mặt trận và Nhân dân, nhất là những yêu cầu chính đáng của Mặt trận trong cung cấp thông tin để việc giám sát và phản biện xã hội có đủ chứng lý trong quá trình thực hiện.

Đặc biệt, việc bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện là một yếu tố quan trọng nhằm đưa hoạt động giám sát và phản biện xã hội đạt hiệu quả cao, trong đó trang bị điều kiện làm việc thuận lợi gắn với chế độ lương, phụ cấp hợp lý cho đội ngũ cán bộ Mặt trận để họ gắn bó lâu dài với công việc này.

Linh Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-mttq-tang-giam-sat-noi-dung-lien-quan-truc-tiep-doi-song-nguoi-dan.html