Hà Nội: Nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 369/KH-UBND ngày 17/12/2024 về việc thực hiện Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Kế hoạch nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Đề án 4702) với quyết tâm chính trị cao, xuyên suốt từ cấp Thành phố tới cơ sở; tích cực, chủ động tổ chức triển khai, phân công nhiệm vụ thực hiện 05 nhóm giải pháp - 13 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, 5 nhiệm vụ định kỳ, thường xuyên và 35 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

Nhiệm vụ trọng tâm, đột phá

Tăng cường sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các cấp, ngành, địa phương từ cấp Thành phố đến cấp cơ sở trong công tác PCCC và CNCH. Làm tốt công tác quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng. Tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại liên quan PCCC và CNCH tại các khu dân cư và của các công trình vi phạm.

Xây dựng và phát triển toàn diện hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH: Dự án Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kiện toàn, thành lập bổ sung các Đội, phân Đội Cảnh sát PCCC và CNCH; Quy hoạch bổ sung địa điểm làm việc, doanh trại cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH; Tăng cường quân số, biên chế; Đầu tư trang thiết bị, phương tiện PCCC và CNCH.

Đầu tư phát triển hạ tầng phòng cháy chữa cháy: Hệ thống giao thông phục vụ phòng cháy chữa cháy; Hệ thống cung cấp nước phục vụ phòng cháy chữa cháy; Hệ thống thông tin liên lạc.

Kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các lực lượng PCCC và CNCH tại chỗ: Lực lượng dân phòng; Lực lượng PCCC cơ sở; Lực lượng PCCC chuyên ngành; Lực lượng dân quân thường trực; Các tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia hoạt động PCCC và CNCH.

Nhiệm vụ định kỳ, thường xuyên

Hoàn thiện thể chế trong việc thực hiện công tác PCCC và CNCH của Thành phố. Nâng cao nhận thức, ý thức trong công tác PCCC và CNCH. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH

Tiếp tục cải cách, đơn giản hóa TTHC. Đẩy mạnh chuyển đổi số hóa trong công tác quản lý nhà nước; tăng cường công tác nghiên cứu khoa học về PCCC, CNCH. Thu hút nguồn vốn cho phát triển hạ tầng và triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng PCCC.

UBND Thành phố giao các đơn vị Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã xây dựng Kế hoạch, văn bản tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Thủ trưởng các đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm về nguồn lực, tiến độ, hiệu quả tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch. Mỗi UBND quận, huyện, thị xã thành lập 01 Ban Chỉ đạo để tổ chức triển khai thực hiện Đề án, do đồng chí Chủ tịch UBND cấp huyện làm Trưởng ban; Trưởng Công an cấp huyện làm Phó Trưởng Ban Thường trực; Chánh Văn phòng, Trưởng các phòng, ban liên quan là thành viên.

UBND Thành phố yêu cầu xác định việc triển khai thực hiện Đề án 4702 tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân, sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Việc triển khai phải có trọng tâm, trọng điểm; dễ làm trước, khó làm sau, từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, góp phần nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn Thủ đô, giảm thiểu tối đa nguy cơ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Đồng thời, quá trình triển khai phải thực hiện một cách bài bản, đúng quy định, thực chất, hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải, chồng chéo, lãng phí, đặc biệt là tránh hình thức; đảm bảo mục tiêu phát triển, đảm bảo an toàn PCCC, CNCH, phù hợp với yêu cầu thực tế, đặc thù, đặc điểm tại địa phương. Bám sát và triển khai thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch, văn bản chỉ đạo về công tác PCCC và CNCH, trọng tâm là Quyết định số 819/QĐ-TTg ngày 07/7/2023; Quyết định số 203/QĐ-TTg ngày 28/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ trưởng các đơn vị, người đứng đầu các cấp, các ngành, các đơn vị phải nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện nội dung, nhiệm vụ được giao tại Đề án 4702; xác định rõ những nội dung nhiệm vụ thường xuyên, những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá, cấp bách để phân bổ nguồn lực và phân công thực hiện đảm bảo yêu cầu về tiến độ theo quy định.

Lê Đức

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ha-noi-nang-cao-nang-luc-va-bao-dam-an-toan-phong-chay-chua-chay-va-cuu-nan-cuu-ho-391040.html