Hà Nội nâng cao quản lý ATTP tại các trường có bếp ăn bán trú
Chiều 23/8, Phòng GD& ĐT quận Hai Bà Trưng phối hợp với Trung tâm Y tế (TTYT) quận tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao nghiệp vụ về quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) cho các trường có bếp ăn bán trú.
Bác sĩ Trần Thị Phương Anh – Phó Giám đốc TTYT quận Hai Bà Trưng cho biết, hằng năm, TTYT quận phối hợp với Phòng GD& ĐT triển khai tập huấn liên tục, thường xuyên và cập nhật mới những quy định, kiến thức về công tác bảo đảm ATTP.
Mục đích của lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản lý đảm bảo chất lượng ATTP và kiến thức, thực hành đúng về ATTP của các nhà trường, đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm để tăng cường phòng chống ngộ độc thức ăn, hạn chế các bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra tại các bếp ăn tập thể trường học.
Theo đó, tại lớp tập huấn, hơn 100 học viên là đại diện ban giám hiệu các trường học, cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm cũng như trong quá trình hoạt động của các bếp ăn bán trú tại các trường học công lập trên địa bàn quận Hai Bà Trưng tham dự.
Tại buổi tập huấn, các học viên tham gia lớp tập huấn đã được bác sĩ Nguyễn Văn Huynh – Phòng Chuyên môn nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội trao đổi nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tế về công tác ATTP tại các bếp ăn bán trú trường học để áp dụng trong quá trình cung cấp, sử dụng bếp ăn tập thể và cung cấp suất ăn bán trú cho học sinh.
Đồng thời đại diện các trường học đã có cơ hội trao đổi và hỏi đáp các vấn đề về những kiến thức cơ bản, quy định ATTP tại các trường có bếp ăn bán trú.
Bếp ăn tập thể trường học cần đảm bảo ATTP trong suốt chuỗi cung cấp thức ăn (sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thức ăn tại bếp ăn tập thể); nâng cao kiến thức và thực hành về ATTP cho người quản lý, chế biến thức ăn và cho người tiêu dùng tại bếp ăn tập thể.
Công tác kiểm tra, giám sát ATTP thường xuyên trong chế biến, bảo quản và sử dụng thức ăn tại bếp ăn tập thể; lưu mẫu thức ăn theo quy định; lưu trữ các dữ liệu về bảo đảm ATTP tại bếp ăn tập thể (nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu, thực phẩm đã chế biến, hồ sơ sức khỏe, kế hoạch, báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát ATTP...). Các trường cần xây dựng phương án xử lý khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Đại diện Phòng Chuyên môn nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng nhấn mạnh, các nhà trường cần ký hợp đồng nhập thực phẩm từ các cơ sở cung ứng thực phẩm, có chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ sở áp dụng "Thực hành nông nghiệp tốt - GAP"; Viet GAP, cơ sở kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Việc kiểm soát nguyên liệu thực phẩm tại nơi sản xuất vùng nguyên liệu (vùng trồng trọt và chăn nuôi) là rất quan trọng. Khi tiếp nhận nguyên liệu, nhà trường cần có chứng chi (thẻ hàng) của bên cung cấp và kiểm tra nguyên liệu khi nhập như: thực hiện kiểm thực 3 bước (trước khi nhập, trước khi nấu và trước khi ăn); kiểm tra bằng cảm quan và test nhanh (Rapid test...).
Qua buổi tập huấn, các học viên đã được cung cấp các kiến thức về các quy tắc bảo đảm ATTP; tuyên truyền, phổ biến nghiệp vụ các văn bản pháp luật về công tác ATTP tại các trường học năm 2024; góp phần nâng cao ý thức bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các trường học, đảm bảo sức khỏe và quyền lợi của các học sinh.