Hà Nội: nâng cấp hạ tầng giao thông xứng tầm thủ đô

Nội dung đáng chú ý của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là tầm nhìn và định hướng phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông.

Hà Nội có đầy đủ cả bốn phương thức giao thông gồm: hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thủy. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông kém phát triển; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng mới chỉ đạt 18,5%, thấp hơn nhiều so với các thủ đô phát triển.

Ùn tắc giao thông đã làm ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người dân. Ước tính mỗi năm ùn tắc giao thông làm xã hội thiệt hại khoảng 1,2 tỷ USD.

Để đảm bảo phát triển hạ tầng giao thông vận tải, trong đồ án Quy hoạch Thủ đô, Hà Nội đặt ra mục tiêu xây dựng hệ thống giao thông vận tải đáp ứng được các tiêu chí: bền vững, thông minh, đồng bộ, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu về vận tải của Thủ đô trong tương lai và cung cấp một hệ thống giao thông phục vụ có chất lượng cao.

Hà Nội sẽ tập trung đầu tư hạ tầng giao thông vận tải.

Hà Nội sẽ tập trung đầu tư hạ tầng giao thông vận tải.

Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải:

- Mạng lưới đường bộ bao gồm 13 tuyến cao tốc trên địa bàn thành phố, ba tuyến cao tốc vành đai (Vành đai 3, Vành đai 4, Vành đai 5) và hai tuyến cao tốc đô thị (cao tốc Nội Bài - Nhật Tân; cao tốc phía Nam kết nối hai vùng Thủ đô).

- Hoàn thiện 10 tuyến quốc lộ trên địa bàn. Cải tạo, nâng cấp hệ thống 38 tuyến đường tỉnh hiện có, đầu tư xây mới 07 tuyến đường tỉnh.

Quy hoạch phát triển 14 tuyến đường sắt đô thị.

Quy hoạch phát triển 14 tuyến đường sắt đô thị.

- Mạng lưới đường sắt, bao gồm đầu tư xây dựng mới hệ thống đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam bắt đầu từ ga Ngọc Hồi và song song với đường sắt Thống Nhất hiện tại.

Hai đường sắt vành đai gồm vành đai phía Đông (đoạn Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng - Thạch Lỗi dài 59km), vành đai phía Tây (đoạn Ngọc Hồi - Thạch Lỗi) dài 54km.

06 tuyến đường sắt hướng tâm gồm tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh; tuyến Hà Nội - Lào Cai; tuyến Hà Nội - Hải Phòng; tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; tuyến Hà Nội - Đồng Đăng.

Quy hoạch phát triển 14 tuyến đường sắt đô thị, trong đó 13 tuyến tại khu vực đô thị trung tâm, hình thành mạng lưới đường sắt hướng tâm và vành đai.

Nghiên cứu xây dựng cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô.

Nghiên cứu xây dựng cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô.

Để hệ thống hạ tầng giao thông đảm bảo kết nối vùng và quốc tế, trong quy hoạch, Hà Nội sẽ mở rộng, nâng công suất cảng hàng không quốc tế Nội Bài; nghiên cứu xây dựng cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô, đưa vào khai thác lưỡng dụng sân bay Hòa Lạc, Gia Lâm. Phát triển hệ thống giao thông công cộng gắn với chuyển đổi giao thông xanh.

Quy hoạch Thủ đô đã thể hiện rõ việc quan tâm đầu tư, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng một cách tổng thể, đồng bộ, hiện đại và hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ, phát triển hạ tầng thông minh, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một thành phố hiện đại, xứng tầm là thủ đô có vị thế trong khu vực và thế giới.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/ha-noi-nang-cap-ha-tang-giao-thong-xung-tam-thu-do-244607.htm