Hà Nội nên ưu tiên cho văn hóa, giáo dục, y tế hơn là phát triển kinh tế

Nhiều ý kiến đề nghị Hà Nội nên ưu tiên phát triển lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ hơn là chỉ tập trung vào lĩnh vực kinh tế.

Sáng 27-11, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Tại đây, nhiều đại biểu (ĐB) đã đề nghị Hà Nội nên ưu tiên nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ hơn là chỉ tập trung phát triển kinh tế.

Góp ý vào dự luật, Hòa thượng Thích Thanh Quyết (Đoàn Quảng Ninh) dẫn lịch sử 2.000 năm của Thủ đô Hà Nội từ thời vua An Dương Vương chọn Cổ Loa làm kinh đô cho đến lúc Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn lập quốc ngày 2-9-1945.

Hòa thượng Thích Thanh Quyết đề nghị cần tiếp tục có những chính sách đặc thù để phát triển vượt trội hơn nữa về bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa con người Hà Nội (Điều 23, dự thảo Luật).

Việc bảo vệ và phát triển văn hóa thủ đô phải xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch nghĩa tình, văn minh tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.

 Hòa thượng Thích Thanh Quyết. Ảnh: QH

Hòa thượng Thích Thanh Quyết. Ảnh: QH

“Tôi đề nghị cần bổ sung vào khoản này một nội dung nữa, đó là xây dựng Hà Nội văn hiến, tiêu biểu cho bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của thủ đô và dân tộc” - Hòa thượng Thích Thanh Quyết nói.

Về phát triển y tế thủ đô và chăm sóc sức khỏe của người dân, Hòa thượng Thích Thanh Quyết đề nghị cần quy định cụ thể những chính sách vượt trội, ưu tiên hơn trong quá trình phát triển y tế thủ đô. Qua đó có thể phát triển những trung tâm y khoa hiện đại, chất lượng cao mang tầm cỡ khu vực và thế giới.

“Thủ đô Hà Nội, nơi đất rồng bay với tứ linh triều phục, tứ trấn quy tâm, tứ bất tử linh thiêng, nơi nương tựa bởi những tổ sơn cao, nơi tụ phúc bởi những dòng sông lớn, lại thêm các quy định, cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội của Luật Thủ đô chắc chắn sẽ làm điểm tựa to lớn cho muôn đời con cháu mai sau phát triển” - Hòa thượng Thích Thanh Quyết bày tỏ.

 ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP.HCM). Ảnh: QH

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP.HCM). Ảnh: QH

Cùng nội dung này, ĐB Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) cho hay từ thực tiễn của TP.HCM ông tán thành với những quy định về phân cấp, phân quyền trong dự thảo luật.

Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não, chính trị, hành chính quan trọng quốc gia, là trái tim cả nước. Đây cũng là đô thị đặc biệt quan trọng, là bộ mặt quốc gia, là cửa ngõ giao lưu hội nhập quốc tế và thường xuyên đón tiếp các đoàn quốc tế, các nguyên thủ quốc gia. Do đó, việc phân cấp ủy quyền cho Hà Nội nhiều hơn nữa rất là điều cần thiết.

“Tuy nhiên, tôi mong lãnh đạo ở thủ đô nên ưu tiên lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ hơn là lĩnh vực kinh tế. Tập trung bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, các giá trị truyền thống của người Hà Nội. Đặc biệt là các vị trí có giá trị lịch sử thiêng liêng tại các quận Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ” - ĐB Ngân nhấn mạnh.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/ha-noi-nen-uu-tien-cho-van-hoa-giao-duc-y-te-hon-la-phat-trien-kinh-te-post763662.html