Hà Nội nên xem nghiên cứu khoa học là một tiêu chí đánh giá cán bộ
'TP Hà Nội cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế để khuyến khích, động viên các cán bộ, nhân viên có khát vọng, đam mê nghiên cứu khoa học, để nghiên cứu khoa học trở thành nhu cầu; đồng thời nên coi nghiên cứu khoa học cũng là một tiêu chí đánh giá cán bộ'-GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh
Chiều nay, 28/3, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Đoàn khảo sát của Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương do GS.TS Phùng Hữu Phú - Chủ tịch Hội đồng làm Trưởng đoàn đã làm việc với Thành ủy Hà Nội về khảo sát hoạt động nghiên cứu khoa học của các ban, cơ quan Đảng phục vụ công tác tham mưu cho Thành ủy giai đoạn từ năm 2016 đến nay.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chủ trì tiếp Đoàn khảo sát. Cùng dự có đại diện một số bộ, ban, ngành T.Ư; đại diện lãnh đạo HĐND TP, MTTQ Việt Nam TP, một số sở, ban, ngành TP...
Phê duyệt, triển khai 493 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp TP
Tại đây, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đinh Thị Lan Duyên báo cáo về hoạt động nghiên cứu khoa học của các ban, cơ quan Đảng phục vụ công tác tham mưu cho Thành ủy giai đoạn từ năm 2016 đến nay, trong đó cho biết: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa XI) “về phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”, Thành ủy, HĐND, UBND TP luôn quan tâm chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KH&CN, coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Để thúc đẩy hoạt động KH&CN, từ năm 2016 đến nay, Thành ủy, HĐND, UBND TP đã ban hành 54 văn bản, cơ chế, chính sách lĩnh vực này nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về KH&CN trên địa bàn.
Ngày 17/3/2021, Thành ủy Hà Nội khóa XVII ban hành Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển KH, CN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025”- một văn bản quan trọng xác định định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho phát triển KH&CN của TP giai đoạn 2021-2025. BCĐ Chương trình đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu UBND TP ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025, trong đó phân công các đơn vị chủ trì, phối hợp thực hiện 7 chỉ tiêu của Chương trình và phân công thực hiện 35 nhiệm vụ, đề án, chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện Chương trình.
Đáng chú ý, từ năm 2016 đến nay, TP đã phê duyệt và triển khai 493 nhiệm vụ KH&CN cấp TP, trong đó 145 đề tài nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn (khoảng 30%). Hằng năm, TP bố trí kinh phí chi sự nghiệp KHCN đảm bảo thực hiện nhiệm vụ, chương trình về KH&CN của TP, với dự toán không thấp hơn chỉ tiêu T.Ư giao. Các nhiệm vụ nghiên cứu đã thu hút được sự tham gia của các nhà khoa học có uy tín cũng như phối hợp của các viện nghiên cứu, trường ĐH và tổ chức KHCN trên địa bàn; các kết quả nghiên cứu đều có đóng góp phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của TP. Năm 2018, TP triển khai Chương trình số 20-CTr/TU về nghiên cứu khoa học trọng điểm TP Hà Nội “Những luận cứ khoa học và thực tiễn đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ TP, định hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030” do Bí thư Thành ủy làm Chủ nhiệm Chương trình, gồm 8 đề tài, mục tiêu nghiên cứu cụ thể.
Thành ủy đặc biệt chú trọng công tác nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học; lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành tích cực triển khai nghiên cứu KH&CN nhằm phục vụ trực tiếp công tác tham mưu, tư vấn chính sách cho Đảng, Nhà nước và Thủ đô; góp phần phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của TP, xây dựng hệ thống chính trị Thủ đô ngày càng vững mạnh, toàn diện... Đồng thời, các kết quả nghiên cứu khoa học giai đoạn vừa qua đã góp phần cung cấp những luận cứ khoa học cho TP trong quá trình xây dựng định hướng, chủ trương, chính sách trên nhiều mặt đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực xây dựng Đảng về hệ thống chính trị ở địa phương; được ứng dụng ở mức độ khác nhau.
Mặc dù vậy, từ một số khó khăn, bất cập thể hiện trong thực tế hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ công tác tham mưu của các ban, cơ quan Đảng cho Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã nêu một số kiến nghị với các bộ, ngành T.Ư liên quan để góp phần thực hiện tốt hơn hoạt động này trong thời gian tới. Trong đó, kiến nghị T.Ư xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với công tác nghiên cứu khoa học phục vụ công tác tham mưu giúp Thành ủy có cơ sở khoa học để lãnh đạo, chỉ đạo đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; các Bộ Tư pháp, KH&CN nghiên cứu, đồng thuận các đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù về KH&CN do TP Hà Nội đề xuất đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi). Thành ủy cũng đề nghị Bộ KH&CN nghiên cứu, đề xuất Chính phủ đổi mới quy định, quy trình về tuyển chọn các đơn vị, cá nhân đề xuất và thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; điều chỉnh chính sách tài chính đối với các nhiệm vụ KH&CN để đơn giản hóa thủ tục; đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn... Đồng thời, Bộ KH&CN thường xuyên làm việc với Hà Nội để cùng hợp tác, đề xuất, xây dựng, triển khai các cơ chế đặc thù của Thủ đô.
Đầu tư phát triển nhân lực chất lượng cao phục vụ nghiên cứu khoa học
Tại hội nghị, các thành viên Đoàn khảo sát và đại diện lãnh đạo các sở, ngành của TP Hà Nội đã thảo luận làm rõ kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ công tác tham mưu trên lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của TP; phản ánh khó khăn, hạn chế trong hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ công tác tham mưu của các ban, cơ quan Đảng cho Thành ủy. Đồng thời, đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ công tác tham mưu của các ban, cơ quan Đảng trực thuộc phục vụ công tác tham mưu chiến lược cho Thành ủy trong tình hình mới.
Phát biểu tại đây, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nêu bật những kết quả trong việc nghiên cứu khoa học của các ban, cơ quan Đảng thuộc TP phục vụ công tác tham mưu cho Thành ủy giai đoạn từ năm 2016 đến nay. Đồng thời khẳng định: Thành ủy luôn coi trọng việc nghiên cứu khoa học, phục vụ công tác tham mưu cho Thành ủy trong mọi lĩnh vực, đặc biệt soạn thảo các văn kiện Đại hội của Đảng bộ TP trên cơ sở các đề tài nghiên cứu khoa học. Đồng thời TP cũng xác định tiềm lực KH&CN trên địa bàn là rất lớn.
Phó Bí thư Thành ủy cho biết, TP Hà Nội luôn chú trọng phối hợp với các cơ quan T.Ư trong đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng KH&CN phục vụ công tác tham mưu cho Thành ủy; đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc tế để tiếp thu kinh nghiệm của thế giới. Trong đó tập trung nghiên cứu ứng dụng KHCN và khả năng triển khai thực tiễn trên địa bàn; nghiên cứu những vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn. TP cũng quan tâm huy động nguồn lực trong, ngoài nước để giải quyết những “điểm nghẽn” trong phát triển hiện nay về xây dựng thể chế, phát triển văn hóa, chuyển đổi số… theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
“TP sẽ tập trung mọi nguồn lực để thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, trong đó có sửa đổi Luật Thủ đô để hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo cơ chế đột phá để phát triển Thủ đô; tiếp tục đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác nghiên cứu khoa học thông qua các trường, cơ sở đào tạo của TP”- đồng chí nhấn mạnh, đồng thời nêu rõ những nhóm nhiệm vụ giải pháp TP Hà Nội sẽ tập trung trong thời gian tới.
Trên cơ sở đó, Phó Bí thư Thành ủy kiến nghị T.Ư sớm có giải pháp khơi thông Quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học và có cơ chế cho các chủ DN tham gia vào lĩnh vực này, nhằm từng bước hoàn thiện thị trường KH&CN của Thủ đô.
Kết luận Hội nghị, GS.TS Phùng Hữu Phú đánh giá cao những kết quả TP Hà Nội đã đạt được trongnghiên cứu khoa học phục vụ cho công tác tham mưu của Thành ủy thời gian qua, cũng như đã đưa ra những đề xuất, kiến nghị cụ thể với T.Ư để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác này. Nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học nói chung và phục vụ công tác tham mưu cho Thành ủy nói riêng, đồng chí nhận định, TP Hà Nội đã triển khai nghiên cứu khoa học một cách bài bản, công phu, phân công rõ trách nhiệm từng đơn vị; triển khai phong phú trên cơ sở thực tiễn.
Chia sẻ với những khó khăn của Hà Nội trong công tác này, GS.TS Phùng Hữu Phú cũng đề nghị TP tiếp tục nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về vai trò của nghiên cứu khoa học phục vụ nhiệm vụ chính trị, trong đó cần nhận thức nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ chính trị của các ban Đảng, cơ quan tham mưu.
"Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế để khuyến khích, động viên các cán bộ, nhân viên có khát vọng, đam mê nghiên cứu khoa học, để nghiên cứu khoa học trở thành nhu cầu; xem nghiên cứu khoa học là 1 tiêu chí đánh giá cán bộ, để thực hiện luân chuyển, điều động, bổ nhiệm và tăng lương. Cũng mong TP tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ tham mưu cho Đảng thông qua đầu tư cho các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu chính sách của TP và một số công trình văn hóa của Thủ đô; nghiên cứu tích hợp để có những đề xuất xứng đáng trong sửa Luật Thủ đô với những cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo; cơ chế thu hút và trọng dụng nhân tài; xây dựng các quỹ hỗ trợ DN phát triển KHCN"- GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh.