Hà Nội: Ngăn chặn nguy cơ cháy nổ tại các chợ, siêu thị dịp Tết
Giáp Tết là thời điểm tiểu thương tích hàng hóa khiến nguy cơ cháy nổ tăng cao. Để hạn chế rủi ro, Công an TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp bảo đảm phòng cháy chữa cháy tại chợ, siêu thị trên địa bàn.
Gắn trách nhiệm cơ sở
Công an quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội) vừa tổ chức lễ bàn giao danh sách cơ sở thuộc danh mục do UBND cấp phường quản lý Nhà nước về PCCC.
Theo Công an quận Nam Từ Liêm, qua công tác điều tra cơ bản, trên địa bàn hiện có 8.695 cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC theo quy định tại Nghị định số 136 của Chính phủ. Trong đó, có 1.401 cơ sở do cơ quan công an quản lý và 7.294 cơ sở do UBND cấp xã quản lý.
Trước đó (24/11/2020), Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 136 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC lần đầu tiên quy định “Danh mục cơ sở do UBND cấp xã quản lý”. Theo đó, Công an quận Nam Từ Liêm đã chủ động triển khai hiệu quả các kế hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu công tác quản lý địa bàn về an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH).
Quận Nam Từ Liêm là đơn vị đầu tiên của Hà Nội triển khai kịp thời chủ trương của Chính phủ về phân cấp quản lý công tác PCCC tới cấp phường. Ông Nguyễn Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của Thủ đô và đất nước. Quận Nam Từ Liêm đã phân cấp rõ các cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC đối với công an quận và UBND cấp phường.
Ông Nam đề nghị, lãnh đạo UBND các phường chỉ đạo lực lượng công an, đơn vị chức năng thực hiện tốt, có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH. Đồng thời, lãnh đạo UBND các phường khẩn trương phối hợp với Công an quận sớm tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC & CNCH. Thực hiện xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền công tác PCCC đến từng tổ dân phố và khu dân cư.
Liên quan đến sử dụng pháo trái phép, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm yêu cầu cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật. “Phường nào xảy ra tình trạng đốt pháo nổ, phóa hoa nổ trước, trong và sau dịp lễ, Tết. Để xảy ra vi phạm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thì Chủ tịch UBND phường phải chịu trách nhiệm trước UBND quận, Chủ tịch UBND quận…”, ông Nguyễn Quốc Nam nhấn mạnh.
Kiểm tra, đặt tình huống cháy nổ
Là địa phương có chợ đầu mối lớn của Hà Nội, Thượng tá Đỗ Xuân Bình - Phó Trưởng Công an huyện Thường Tín nhận định, để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng chủ cơ sở các siêu thị, chợ đều dự trữ khá lớn lượng hàng hóa. Điều này làm gia tăng nguy cơ xảy ra cháy nổ. Do đó, việc kiểm tra, tăng cường tuyên truyền là những biện pháp được các lực lượng chức năng chủ động triển khai để bảo đảm cao nhất an toàn cháy, nổ.
Theo Thượng tá Bình, mặc dù các kế hoạch cao điểm kiểm tra PCCC và CNCH đã được Công an huyện thông báo trước đến cơ sở, nhưng thời điểm kiểm tra một số tình huống bất ngờ vẫn được tổ kiểm tra đặt ra để đánh giá thực chất công tác ứng trực, sẵn sàng xử lý của tổ chữa cháy tại chỗ.
Đơn cử tại siêu thị Lan Chi, sau khi đã nắm con số ứng trực chữa cháy tại chỗ, tổ công tác đã bất ngờ yêu cầu chủ cơ sở ấn chuông báo cháy để kiểm tra. Ngay sau đó, các lực lượng tại siêu thị này cũng huy động được đầy đủ, thao tác sử dụng thiết bị chữa cháy tại chỗ. Cùng với đó, thành viên khác trong tổ công tác tiến hành kiểm tra các kho hàng, gian hàng để đánh giá việc sắp xếp hàng hóa đúng quy định, khoảng cách, các điểm vị trí để bình chữa cháy, tiêu lệnh chữa cháy…
Đánh giá buổi kiểm tra, Trung tá Nguyễn Hoàng Thành, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH nhận định, việc chấp hành an toàn PCCC của siêu thị Lan Chi cơ bản đạt yêu cầu. Tuy nhiên, chủ cơ sở cần tuân thủ các cơ chế ứng trực đối với tổ PCCC và có lịch trực cụ thể để lực lượng này không gặp lúng túng, đáp ứng đúng nhiệm vụ sẵn sàng khẩn cấp.
Tương tự tại siêu thị Long Bình, đoàn kiểm tra đã kiểm hồ sơ PCCC, kiểm tra việc thực hiện các tồn tại mà lực lượng chức năng đã kiến nghị khắc phục trước đó. Đồng thời, kiểm tra các hệ thống tủ trung tâm báo cháy và công tác vận hành ứng trực, sử dụng vòi chữa cháy tại siêu thị.
Vừa kiểm tra, vừa tuyên truyền nâng cao ý thức, cán bộ Cảnh sát PCCC và CNCH đã đi từng gian hàng, điểm kho để chỉ rõ các tồn tại như mối nối, ổ cắm thiết bị điện trong siêu thị. Điều này theo suy nghĩ chủ quan là nhỏ nhưng đây là nguy cơ tiềm ẩn chập cháy gây hậu quả khôn lường.
Ngay từ những ngày đầu năm, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Giám đốc Công an TP Hà Nội về việc chủ động các biện pháp an toàn PCCC, Công an huyện Thường Tín đã tiến hàng kiểm tra, xử lý, đồng thời thực hiện tuyên truyền hàng trăm lượt đến cơ sở kinh doanh, chợ, khu dân cư. Đồng thời, thực tập phương án PCCC và CNCH tại các siêu thị, chợ trên địa bàn.
Cùng với đó, Công an huyện Thường Tín đã tổ chức ký cam kết với chủ cơ sở kinh doanh tại chợ, siêu thị không thắp hương, đốt nến, đốt vàng mã, thờ cúng trong khu vực dễ cháy, nổ.
Thượng tá Đỗ Xuân Bình nhấn mạnh, xác định chủ động phòng ngừa cháy đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu phải thường xuyên thực hiện. Do đó, đơn vị đã chủ động tham mưu cho huyện ủy, UBND huyện ban hành nhiều kế hoạch, chỉ thị để các ban, ngành cùng vào cuộc với tinh thần quyết liệt.
“Hầu hết, qua kiểm tra cho thấy, các chủ cơ sở đều nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCCC, đã chủ động trang bị các phương tiện PCCC tại. Lực lượng PCCC tại chỗ của chợ, siêu thị có quyết định thành lập theo biên chế phù hợp, về cơ bản đã được huấn luyện nghiệp vụ PCCC…” - Thượng tá Bình cho hay.
Thượng tá Bình cũng cho biết, Công an huyện đã chủ động triển khai kiểm tra, tuyên truyền theo chuyên đề riêng cho từng loại hình phù hợp loại hình kinh doanh, cơ sở kinh doanh, khu dân cư. Để hạn chế hậu quả do cháy, nổ thì chính ý thức của mỗi người dân là yếu tố quan trọng.