Hà Nội: ngăn chặn tình trạng sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích

Sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích đã và đang mang tới nhiều hệ lụy. Tuy nhiên, để ngăn chặn tình trạng này cần có những giải pháp đồng bộ, vừa tăng cường hiệu quả công tác quản lý, vừa thắt chặt chế tài pháp lý, đảm bảo tính răn đe.

Câu chuyện buồn

Khu vực nút giao Đại lộ Thăng Long và đường Sa Đôi, thuộc địa phận phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội, có một khu đất nông nghiệp mang hình hài khá đặc biệt, đó là hình tam giác. Khu đất này hình thành do nằm ở vị trí xen kẹt giữa đường Sa Đôi và một đoạn đường mới mở, nối liền với Đại lộ Thăng Long. Suốt nhiều năm, khu ruộng không được sử dụng vào mục đích canh tác nông nghiệp mà gần như bị bỏ không.

Trong vài năm trở lại đây, phần ngoài khu ruộng này, nơi tiếp giáp với Đại lộ Thăng Long đã được san lấp mặt bằng, rồi từ đó mọc lên một cơ sở mua bán cây cảnh cùng một vài lều lán tạm để buôn bán. Phần còn lại của khu đất trở thành nơi ưa thích của các đối tượng đổ trộm chất thải, đặc biệt là chất thải rắn và phế thải xây dựng.

Tình trạng chất thải bị đổ bừa bãi tại khu vực này diễn ra trong một thời gian dài, bất chấp những nỗ lực của chính quyền sở tại. Đầu tháng 8/2024, phóng viên Kinh tế & Đô thị phát hiện một lượng chất thải lớn bị đổ trộm tại khu đất trên nên đã lập tức thông báo cho lãnh đạo UBND phường Phú Đô. Ngay lập tức, phường đã huy động lực lượng và máy móc ra xử lý hiện trường và tổ chức rào chắn xung quanh, cắm biển cấm để ngăn tình trạng đổ trộm thải tái diễn.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, khi trở lại khu vực trên, phóng viên Kinh tế & Đô thị tiếp tục ghi nhận tình trạng đổ trộm thải ở đây. Thậm chí, hàng rào barie được lực lượng chức năng địa phương dựng lên, đã bị kéo xô lệch để lấy lối vào khu đất đổ thải.

Khu đất nông nghiệp đầu đường Sa Đôi bị đổ thải san lấp. Ảnh: Nguyễn Quý

Khu đất nông nghiệp đầu đường Sa Đôi bị đổ thải san lấp. Ảnh: Nguyễn Quý

Đặc biệt, quan sát quanh khu đất có thể dễ dàng nhận thấy phần lớn diện tích trũng ngập ở đây đã bị san lấp bằng phẳng bằng các loại chất thải. Xung quanh khu đất đã được dựng rào chắn bằng kim loại, phủ bên ngoài là lớp lưới đen nhằm hạn chế sự quan sát từ bên ngoài vào. Phần mặt bằng bên trong cũng được lu lèn bằng máy móc cơ giới rất bằng phẳng. Đây chính là những bước quan trọng để biến phần còn lại của khu đất ruộng, thành mặt bằng để sử dụng vào mục đích khác, giống như cơ sở mua bán cây cảnh ở phía ngoài khu đất.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Đô Lê Văn Chư thừa nhận tình trạng đổ trộm chất thải ở khu đất đầu đường Sa Đôi, đoạn giáp Đại lộ Thăng Long đã diễn ra một thời gian dài, song chính quyền địa phương vẫn chưa tìm ra được giải pháp xử lý triệt để.

Theo ông Lê Văn Chư, do khu đất trên không có hệ thống dẫn nước thủy lợi vào nên từ lâu đã bị bỏ hoang, không sử dụng được vào mục đích trồng cấy. Sau đó, nhiều đối tượng đã đổ trộm chất thải vào khu đất này. Trong những năm qua, không ít lần UBND phường Phú Đô đã tổ chức dọn dẹp, lập rào chắn barie, cho máy móc đào hào ngăn chặn và cắm biển cấm đổ thải ở khu vực này nhưng tình trạng vẫn thường xuyên tái diễn.

“Chúng tôi sẽ chỉ đạo anh em thường xuyên kiểm tra khu vực trên, nếu bắt được đối tượng nào đổ trộm thải sẽ xử lý nghiêm” - ông Lê Văn Chư nói.

Tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang, sau đó sử dụng sai mục đích đã trở thành “câu chuyện buồn” tại nhiều địa phương trên địa bàn TP, trong những năm qua. Đặc biệt là tại các quận, huyện giáp ranh giữa khu vực nội đô và khu vực ngoại thành - nơi có tốc độ đô thị hóa cao. Một trong những thủ đoạn quen thuộc để “phi nông nghiệp hóa” đất nông nghiệp, mà các đối tượng sử dụng phổ biến chính là, đổ trộm chất thải lên đất rồi san lấp mặt bằng.

Không lâu sau đó, trên những mặt bằng tạo nên từ quá trình đổ thải san lấp đất ruộng lại nhanh chóng mọc lên những công trình, nhà xưởng, cơ sở kinh doanh dịch vụ… Đây đều là những khu đất nông nghiệp sử dụng sai mục đích ban đầu. Tình trạng này, đã và đang diễn ra theo chiều hướng ngày càng nghiêm trọng hơn, tạo thành điểm nóng của không ít địa phương.

Đáng nói, hoạt động đổ trộm chất thải diễn biến khó lường, các đối tượng đổ trộm thường lợi dụng thời điểm đêm tối để thực hiện các hành vi đổ trộm nên lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn để theo dõi, phát hiện và xử phạt. Còn đối với các công trình, nhà xưởng, cơ sở kinh doanh trái phép mọc lên trên đất nông nghiệp, các địa phương cũng gặp rất nhiều lúng túng trong quá trình xử lý.

Cải thiện chính sách, siết chặt chế tài

Các chuyên gia cho rằng, để ngăn chặn tình trạng sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích, vai trò của chính quyền địa phương là đặc biệt quan trọng. Bởi, chính quyền địa phương là cơ quan quản lý Nhà nước tại cơ sở, là đơn vị nắm rõ nhất hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn.

“Chính quyền địa phương là cơ quan nắm rõ tình hình ở địa phương mình nhất, việc sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích, họ phải là người nắm rõ nhất” - Luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định. Chuyên gia pháp lý dẫn giải một ví dụ vui rằng, trong làng, nhà nào xây nhà, thừa bao nhiêu viên gạch, chở bao nhiêu khối cát họ còn biết thì không có lý do gì cả một khu đất nông nghiệp sử dụng sai mục đích, cả một dãy nhà xưởng, công trình mọc trái phép trên đất nông nghiệp mà chính quyền địa phương lại không biết.

“Tại Điều 208 Luật Đất đai năm 2013 quy định, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục tình trạng của đất trước khi vi phạm” - luật sư Bùi Đình Ứng cho hay.

Đứng trên góc độ pháp lý, luật sư Bùi Đình Ứng cho biết, các quy định pháp luật hiện hành cũng quy định rất rõ chế tài xử phạt đối với hành vi sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích. Đơn cử như Điều 6 Luật Đất đai 2013 quy định trường hợp sử dụng đất sai mục đích được xác định là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt. Tại Nghị định 91/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 04/2022/NĐ-CP quy định, hành vi sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép có thể bị phạt tiền từ 2 triệu đến 250 triệu đồng.

“Hay như mới nhất, Luật Đất đai 2024 quy định, hành vi sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê sẽ bị nhà nước thu hồi đất - luật sư Bùi Đình Ứng nói và nhấn mạnh, những hành vi như đổ chất thải lên đất nông nghiệp để san lấp mặt bằng, tạo tiền đề cho việc sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích có thể phải đối mặt với những chế tài cực nặng khác của pháp luật, thậm chí có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự.

Ngoài tăng cường chức năng quản lý, giám sát của chính quyền địa phương cũng như chế tài xử phạt, các chuyên gia cũng cho rằng, để ngăn chặn hành vi sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp cần có sự cải tiến hệ thống chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp với nhiều quy định mới nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân theo hướng hiện đại, bền vững, đặc biệt là giải pháp đổi với các loại đất nông nghiệp có hiệu suất canh tác kém, đất bị hoang hóa, đất manh mún, xen kẹt để đảm bảo có giải pháp chuyển đổi mục đích sử dụng hiệu quả, đúng quy định của pháp luật thay vì bị sử dụng sai mục đích, dẫn đến thiếu hiệu quả, phá vỡ quy hoạch, thậm chí là hủy hoại đất nông nghiệp.

Chúng ta quản lý không tốt, kiểm soát không tốt sẽ dẫn tới người dân, những người yếu thế sẽ bị mất đất. Vì vậy, đặt ra những vấn đề rất lớn tới cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình quản lý, kiểm soát việc sử dụng đất nông nghiệp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương

Nguyễn Quý

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-ngan-chan-tinh-trang-su-dung-dat-nong-nghiep-sai-muc-dich.html