Hà Nội: Ngành nghề nào có nhu cầu tuyển dụng lớn trong năm 2022?
Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình hình kiểm soát dịch bệnh, song một số nhóm ngành truyền thống được dự báo tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng lớn như: công nghệ thông tin, tài chính, thương mại dịch vụ. Mức lương cũng sẽ có nhiều phân khúc, dao động từ 5 đến trên 15 triệu đồng…
Xu hướng tuyển dụng trực tuyến ngày càng được các doanh nghiệp lựa chọn để bảo đảm phòng chống dịch. Ảnh - N.Dương.
Nhận định về thị trường lao động trên địa bàn Hà Nội trong những tháng đầu năm 2022, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, thị trường lao động vẫn sẽ gặp những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh trong bối cảnh còn diễn biến phức tạp.
THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG CHƯA HẾT KHÓ KHĂN
Tuy nhiên, với chiến lược thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả, nền kinh tế hiện đang có nhiều tín hiệu khởi sắc, kéo theo các hoạt động của thị trường lao động sẽ nhộn nhịp trở lại. “Dự kiến thị trường lao động nói chung và Hà Nội nói riêng sẽ có nhiều tín hiệu phục hồi tích cực trong quý 1/2022 cũng như trong cả năm. Ngay thời điểm hiện tại, dù đã bước sang năm 2022 nhưng chúng ta mới chuẩn bị đón Tết Âm lịch nên các hoạt động kết nối việc làm vẫn diễn ra đều đặn”, ông Thành nói.
Những tín hiệu tích cực cũng đến từ cả phía doanh nghiệp do đây là khoảng thời gian đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh hoàn thiện các đơn hàng phục vụ cho dịp lễ Tết sắp đến.
Về phía người lao động cũng có xu hướng quay lại để tìm kiếm việc làm sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, những ngành nghề dự kiến sẽ có xu hướng tuyển dụng rõ nét như công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ.
Bên cạnh đó, với sự dịch chuyển lao động từ khu vực nông nghiệp, thủy sản sang công nghiệp dịch vụ sẽ tạo ra những thay đổi nhất định về vị trí việc làm. Theo ông Thành, do ảnh hưởng của dịch bệnh, dự kiến năm 2022 một số ngành nghề sẽ có nhu cầu tuyển dụng lớn như thương mại điện tử, logistic, vận tải, kho bãi, một số nhóm ngành nghề về phân tích dữ liệu nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngày càng phổ biến.
Ngoài ra, nhóm ngành về thương mại quốc tế cũng sẽ tăng tuyển dụng qua việc ký kết các hiệp định thương mại tự do, thậm chí một số nghề mới sẽ có thể phát sinh.
Riêng số nhóm ngành nghề truyền thống năm qua có nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh, dự báo vẫn tiếp tục xu hướng này như bán hàng, thương mại, văn phòng, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.
THIẾU HỤT LAO ĐỘNG LÀ KHÓ TRÁNH
Về mức lương, dự báo sẽ có nhiều phân khúc khác nhau, từ 5 – 7 triệu đồng cho các vị trí lao động giản đơn, không yêu cầu kinh nghiệm, 7 – 10 triệu đồng cho các vị trí việc làm ổn định, 10 – 15 triệu đồng và trên 15 triệu đồng sẽ dành cho các vị trí việc làm đòi hỏi yêu cầu cao về chuyên môn.
Bên cạnh đó, cùng với cuộc cách mạng 4.0 nhiều doanh nghiệp đã có sự chuyển đổi ở một số lĩnh vực, vị trí việc làm cần áp dụng công nghệ. Vì vậy nếu kiến thức công nghệ của người lao động còn hạn chế thì việc ứng dụng điều này vào công việc sẽ rất khó khăn.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội
Vì vậy, với những lao động trẻ, để tiếp cận được các vị trí việc làm trong giai đoạn này, ông Thành cho rằng, ngoài kiến thức họ cần trang bị thêm những kỹ năng cần có để tiếp cận vị trí việc làm nhanh nhất như kỹ năng làm việc nhóm, ngoại ngữ, công nghệ để có thể xử lý được các vấn đề phát sinh.
Mặc dù vậy, ông Thành đánh giá trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt tại Hà Nội số ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng lên, việc đưa ra dự báo về bức tranh thị trường lao động toàn cảnh năm 2022 của Thủ đô là rất khó, bởi rất có thể phát sinh các nhóm ngành nghề mới.
“Thời điểm quý 1/2022 thường là quý tuyển dụng sôi động nhất vì là tháng Tết Âm lịch. Điều này là quy luật tất yếu của thị trường lao động”, ông Thành thông tin.
Trước những lo ngại về việc thiếu hụt lao động sau mỗi kỳ nghỉ Tết, ông Thành đánh giá “có thể vẫn có”, song còn tùy thuộc vào mỗi ngành nghề. “Người lao động về quê ăn Tết có quay lại làm việc hay không còn phụ thuộc vào cơ chế giữ chân lao động của doanh nghiệp, việc này là bài toán sau Tết năm nào cũng được đặt ra”, ông Thành nói và cho hay, thực tế đã nhận được rất nhiều phản hồi từ doanh nghiệp thừa nhận việc này là rất khó tránh khỏi.
Mặc dù vậy, theo ông Thành, trên thực tế số lao động không quay trở lại phần lớn thuộc nhóm lao động giản đơn, “dễ tuyển dụng nhưng cũng dễ sa thải”, và thường không đòi hỏi trình độ, không có hợp đồng lao động. “Việc này thì tỉnh nào cũng xảy ra, nhất là thiếu lao động phổ thông, chứ không riêng gì Hà Nội”.
Tuy nhiên, lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng khẳng định, trong bối cảnh hiện nay người lao động có nhiều sự lựa chọn hơn, vị trí việc làm dù rất quan trọng nhưng tâm lý lo sợ dịch bệnh cũng là một yếu tố để cân nhắc tìm kiếm nơi làm việc vừa đảm bảo chế độ phúc lợi vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.