Hà Nội 'ngập' dự án chống ngập

Dù đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho các dự án chống ngập song Hà Nội vẫn phải đối diện với tình trạng mưa... là ngập. Trận mưa lớn tối 13/6 biến hầu hết các con phố thành sông.

Nhiều điểm vướng trong dự án chống ngập

Trước tình trạng cứ mưa là ngập ở nội đô, những năm qua TP Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho các hạng mục tiêu thoát nước. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, để phục vụ mục tiêu thoát nước từ năm 2005 đến nay, UBND TP Hà Nội đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng vào các dự án thoát nước. Trong đó, đáng chú ý là 3 dự án đã và đang triển khai với tổng số tiền hơn 19.000 tỷ đồng. Cụ thể, dự án thoát nước Hà Nội có mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng, đã hoàn thành vào cuối năm 2016. Dù vậy, từ sau khi hoàn thành đến nay, Hà Nội vẫn không tránh được ngập úng.

Hai dự án thoát nước, chống ngập úng cho khu vực phía tây Hà Nội gồm các quận Cầu Giấy, phía Nam là dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa được triển khai từ năm 2015 với tổng mức đầu tư hơn 7.400 tỷ đồng và dự án xây dựng Cụm công trình đầu mối Liên Mạc với tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng. Trong đó, Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây TP Hà Nội là một trong những công trình trọng điểm của thành phố.

Dự án hàng nghìn tỷ đồng chống ngập cho phía Tây Hà Nội vẫn còn ngổn ngang.

Dự án hàng nghìn tỷ đồng chống ngập cho phía Tây Hà Nội vẫn còn ngổn ngang.

Dự án gồm 2 hạng mục lớn là xây dựng cụm công trình đầu mối Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa và cứng hóa kênh La Khê dẫn nước về bể hút. Công trình này khi hoàn thành có nhiệm vụ tiêu thoát nước và phòng, chống úng ngập cho khoảng 6.300ha sản xuất nông nghiệp, dân sinh thuộc các quận, huyện: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoài Đức... Theo kế hoạch, dự án này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020, nhưng đến nay nhiều hạng mục vẫn dở dang, ngổn ngang vật liệu xây dựng.

Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội (chủ đầu tư) cho biết, nguyên nhân kênh dẫn nước chưa xong là do chưa giải phóng xong mặt bằng tại một số vị trí. Do đó, nước lũ chảy từ sông Nhuệ ra trạm bơm bị thu hẹp dòng. Sở NN&PTNT đã làm văn bản gửi UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan, trong đó có UBND quận Hà Đông, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng.

Theo quy hoạch thoát nước trên địa bàn Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013, thành phố sẽ xây dựng các trạm bơm chống ngập cho khu vực phía Tây. Cụ thể, gồm các dự án: Trạm bơm Liên Mạc (Bắc Từ Liêm), công suất 170m3/s; Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa (Hà Đông), công suất 120m3/s (gần gấp đôi trạm bơm Yên Sở); nâng gấp đôi công suất các Trạm bơm Cổ Nhuế, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2 (Bắc Từ Liêm)… Tuy nhiên, sau gần 10 năm, chưa có dự án nào theo quy hoạch này thực hiện xong.

Dự án Trạm bơm Liên Mạc công suất 120m3/s, tổng mức đầu tư 4.200 tỷ đồng (bơm nước sông Nhuệ ra sông Hồng), trạm bơm Nam Thăng Long công suất 9m3/s, Ba Xã 20m3/s đến nay vẫn chưa hoàn thành thủ tục đầu tư. Hệ thống hồ điều hòa, các trục thoát nước chính cũng chưa được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch.

Để không tái diễn tình trạng "cứ mưa là ngập"

GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, những trận mưa từ đầu năm đến nay liên tục gây úng ngập sâu tại nhiều khu vực, cho thấy đã đến lúc Hà Nội cần phải thực hiện nhiều giải pháp, không thể chậm trễ hơn nữa. Việc đầu tiên là phải hoàn thành các dự án thoát nước theo quy hoạch đã được duyệt. Tốc độ đô thị hóa nhanh nên cần phải đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối, hệ thống thoát nước mưa.

Trận mưa lớn tối 13/6 khiến hầu khắp các tuyến phố của Hà Nội chìm trong biển nước.

Trận mưa lớn tối 13/6 khiến hầu khắp các tuyến phố của Hà Nội chìm trong biển nước.

Trong quá trình triển khai các dự án đầu tư các khu đô thị, cần chú trọng xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước, hồ điều hòa, cây xanh thảm cỏ và sử dụng các vật liệu, kết cấu vỉa hè tăng khả năng thấm; bổ sung nguồn nước ngầm, hạn chế lượng nước xả tập trung vào hệ thống thoát nước chung gây quá tải cho hệ thống thoát nước đô thị.

Cùng đó, tháo gỡ xử lý ô nhiễm môi trường hồ chứa, điều hòa nước mưa đảm bảo công tác phòng, chống úng ngập. Xây dựng kịch bản với các tình huống chống úng ngập cụ thể, khi xảy ra ngập thì giải pháp là gì, đồng thời phải đưa ra nhiều giải pháp thay thế.

"Cần phải có giải pháp mạnh tay trong quy hoạch, đặc biệt là xây dựng các tòa nhà chung cư cao tầng trong nội đô. Áp lực dân số quá lớn tập trung trong một khu cũng khiến tình trạng ngập úng khó giải quyết", GS Hồng nói.

KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho biết, chúng ta đã nói nhiều đến nguyên nhân nhưng chưa có giải pháp. Hệ thống thoát nước của thành phố đã từng bước được cải tạo, tuy nhiên còn chưa theo kịp được tốc độ đô thị hóa nhanh. Các khu vực đất trống có thể thẩm thấu nước sau khi mưa hay các hồ điều hòa cũng dần bị thu hẹp, bị bê tông hóa cao. Về lâu dài, Hà Nội cần xem xét điều chỉnh bổ sung dự án thoát nước, bởi lượng mưa của Hà Nội đã vượt quá mức tính toán. Xây dựng một dự án điều chỉnh, trong dự án này cần chú trọng đến một số vấn đề: thứ nhất, gia tăng các trạm cuối nguồn như trạm bơm Yên Sở, Liên Mạc,…

Hiện nay, bên cạnh tập trung vào hệ thống thoát nước khung của thành phố thì cần chú trọng kết nối với các khu dân cư và hệ thống thoát nước nhỏ. Đồng thời phải xem xét lại hệ thống giải quyết nước thải sinh hoạt tránh gây ra ách tắc cho hệ thống cống nguồn. TP Hà Nội, cũng như Bộ xây dựng cần phải có quy định, cũng như bàn thảo với các chủ đầu tư khi xây dựng, nhằm đảm bảo thiết kế hệ thống thoát nước của các dự án phải khớp với hệ thống khung của thành phố. Tránh tình trạng, giải quyết được điểm ngập này lại phát sinh điểm ngập mới.

Ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết tại Hà Nội, hệ thống hạ tầng hiện tại chỉ đáp ứng được với những trận mưa có cường độ 50mm/2 giờ. Với những trận mưa từ 50 - 100mm, hệ thống quá tải và xuất hiện 11 điểm ngập tồn tại nhiều năm nay. Với những trận mưa trên 100mm, trên địa bàn thành phố sẽ xuất hiện nhiều điểm ngập nằm ngoài dự báo.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//ha-noi-ngap-du-an-chong-ngap-169220614092203481.htm