Hà Nội - ngày trở về...

Tôi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Trong những năm tháng xa nhà, Hà Nội luôn được neo giữ ở một góc ký ức thân thương trong trái tim tôi. Và... sau bao thăng trầm, tôi trở lại Hà Nội vào một ngày mùa thu với nắng vàng như mật cùng khe khẽ heo may.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Khi máy bay dần hạ thấp độ cao, Hà Nội từ từ hiện ra sau ô cửa kính. Kia rồi, con sông Hồng thắm đỏ phù sa mềm mại ấp ôm thành phố với những mái ngói lô xô nhuốm màu thời gian bên các tòa nhà cao tầng. Trên đường từ sân bay về nhà, bao kỷ niệm dấu yêu chợt ùa về khi xe lướt qua những con đường thân quen.

Hà Nội mang đậm lối kiến trúc cổ điển kiểu Pháp với đường nét thiết kế tinh tế và thanh lịch. Đặc biệt, lưu dấu trong tâm trí tôi là những khung cửa sổ viền hoa văn, cánh cửa bằng gỗ, thường được sơn màu nâu hoặc màu xanh lá đậm. Tôi nhắc bác lái xe đưa về ngôi nhà cũ. Ánh mắt đầu tiên tôi chạm vào khi trở về là ô cửa với bóng hoàng lan la đà trong sương khói heo may. Ngước mắt nhìn lên khung cửa sổ của ngôi nhà cũ, lòng tôi chợt rưng rưng nhớ về tháng ngày xưa cũ.

Đến Hà Nội, ta không thể quên cây cầu Long Biên vắt qua sông Hồng. Cầu Long Biên là chứng nhân lịch sử bao thăng trầm của mảnh đất Hà thành. Chỉ qua cầu thôi, ta sẽ được ngắm một Hà Nội thật khác với những cánh đồng xanh mướt, cây trái sum suê, thảm hoa lau bung nở tuyệt đẹp mỗi khi thu tới. Nhớ tuổi học trò, cả nhóm bạn thường rủ nhau ra bãi giữa sông Hồng mua ngô, khoai, sắn rồi túm tụm nướng lên ăn với nhau. Năm tháng trôi, mãi chẳng thể quên những giọng nói, tiếng cười trong trẻo của tuổi học trò vô ưu.

Hà Nội lưu dấu tim yêu với mười hai mùa hoa trải dài thương nhớ. Xuân tới, những cánh đồng đào bích, đào phai ở Nhật Tân, Nghi Tàm đua nhau khoe sắc rực rỡ. Sau Tết, hoa sưa bay trắng trời Hà Nội trong nắng xuân. Vừa chớm hạ, hoa loa kèn gọi nắng về trên phố. Hạ sang, những người yêu hoa sen lại hội ngộ trên Tây Hồ, Quảng Bá từ sáng sớm để thưởng thức trà sen. Thu tới, hương hoa sữa nồng nàn vấn vương theo ta vào trong giấc ngủ muộn.

Hà thành có nhiều thức quà với hương vị riêng có như: Cốm làng Vòng, quả sấu, bún ốc, bún chả, bún thang... nhưng có lẽ đặc biệt hơn cả vẫn là món phở. Phở có mặt ở nhiều vùng miền khác nhau, nhưng chỉ người sành ăn phân định được hương vị tinh tế của thức quà Hà Nội xưa. Nhà văn Thạch Lam đã viết: “Nếu là gánh phở ngon, cả Hà Nội không có đâu làm nhiều, nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh, ớt, với hành tây đủ cả. Chả còn gì ngon hơn bát phở như thế nữa. Ăn xong bát thứ nhất, lại muốn ăn luôn bát thứ hai...”. Trong những ngày xa xứ, tôi nhớ đến nao lòng hương vị bát phở nóng hổi, thơm phức mùi quế, hồi, thảo quả nơi phố cổ Hà Nội.

Có một thức uống mà ở đâu cũng có, đó là cà phê. Thế nhưng, cà phê Hà Nội mang một nét rất đặc biệt. Người Hà Nội cũ vẫn truyền lại cho nhau nghe về những quán cà phê phố cổ như: Nhân, Nhĩ, Dĩ, Giảng, Lâm, Năng, Nuôi... Mỗi quán có cách pha chế với hương vị riêng khó lẫn với nhau. Cà phê phố cũ luôn cho ta cảm giác thân thương, tĩnh tại. Có trưa vắng, trong khuôn viên quán cà phê nhỏ, tôi vừa đếm giọt cà phê tí tách rơi, vừa ngắm cơn mưa lá vàng chao nhẹ trong nắng thu... chợt thấy lòng an nhiên đến lạ.

Lần trở về này, tôi nhận ra, Hà Nội giờ đây đã phát triển vượt bậc với những cung đường mới tuyệt đẹp cùng sự quy hoạch hợp lý, hữu ích. Tôi ngỡ ngàng với những con đường ngoại ô nở rộ hoa tường vi, hoa điệp, muồng hoàng yến khoe sắc vàng rực rỡ. Các tòa nhà cao tầng với lối kiến trúc hiện đại được bố trí hợp lý, không phá vỡ cảnh quan khu phố cổ mà vẫn phát huy tính ứng dụng cao.

Hà Nội của tôi vừa lạ vừa quen mà vẫn gắn bó thân thương đến lạ. Cũng bởi vậy, với tôi, Hà Nội chưa xa đã nhớ và dẫu đi đâu vẫn muốn trở về.

Vy Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-ngay-tro-ve-353306.html