Hà Nội: Ngọn cờ đầu về thực hiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới

Sáng 27/9, tại Hà Nam, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Đám cưới không thuốc lá

Trong 10 năm qua, thực hiện các tiêu chí văn hóa trong xây dựng NTM (Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM gồm 19 tiêu chí, trong đó có 2 tiêu chí văn hóa gồm tiêu chí 06 về cơ sở vật chất và tiêu chí 16 về văn hóa) đã đạt được nhiều thành tựu, diện mạo vùng nông thôn có nhiều thay đổi tích cực.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy phát biểu tại Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy phát biểu tại Hội nghị.

Trong đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM đã và đang được các ngành, các cấp, các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện, Nhân dân hưởng ứng nên được duy trì và phát triển mạnh ở nhiều cơ sở với nhiều cách làm sáng tạo phù hợp với đặc thù của các địa phương, nhiều gương điển hình trong mọi lĩnh vực được suy tôn ở các cấp.

Tiêu biểu là Hà Nội, 25 năm liền triển khai thực hiện Phong trào “Người tốt, việc tốt” thực sự tạo được sự lan tỏa, thu hút ngày càng đông đảo các cấp, ngành và các tầng lớp Nhân dân tham gia hưởng ứng, đã vinh danh nhiều tấm gương tiêu biểu trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở: Từ cách làm này, nhiều địa phương đã nghiên cứu, học tập, hiện mô hình đã được lan tỏa đến nhiều địa phương trong cả nước.

Bên cạnh đó, Hà Nội đã xây dựng nhiều mô hình văn hóa điển hình như: Gia đình văn hóa, làng văn hóa và các thiết chế văn hóa thể thao… tạo chuyển biến rõ nét trong đời sống xã hội. Theo Sở VH&TT Hà Nội, việc tổ chức tiệc cưới ở nhiều nơi, đặc biệt là ngoại thành Hà Nội đã có chuyển biến rõ rệt. Hầu hết các đám cưới không cùng sử dụng thuốc lá, chỉ tiến hành trong 1 ngày, không tổ chức nhiều ngày, kéo theo ăn uống tràn lan.

Đối với việc tang đã đáp ứng được tinh thần: “Trang nghiêm - Tiết kiệm - Nghĩa tình”. Từ đó, các hủ tục trong tang lễ (lăn đường, khóc mướn, chơi cờ bạc) hầu như không còn. Một số địa phương đang tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, Nhân dân thực hiện hình thức điện tang, hỏa táng.

Tiêu biểu như huyện Đông Anh đã đi đầu trong hoạt động này bằng việc xây dựng, triển khai thực hiện Đề án về thực hiện tang văn minh, tiến bộ với 4 nôi dung và 6 giải pháp: Không làm cỗ bàn mời ăn trong ngày tang, cũng tuần 49 ngày và cải táng; xóa bỏ hủ tục; quy hoạch nghĩa trang; khuyến khích hỏa táng (huyện hỗ trợ 3 triệu đồng/trường hợp).

Còn nhiều khó khăn

Theo Bộ VHTT&DL, sau 10 năm thực hiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng NTM, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Đơn cử, nhiều địa phương, việc quy hoạch quỹ đất để xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao gặp nhiều khó khăn, lúng túng, vẫn còn tình trạng sử dụng đất hoạt động văn hóa, thể thao để hoạt động các mục đích khác.

Quỹ đất dự trữ trong khu dân cư không có đủ để đạt so với tiêu chí, nếu quy hoạch ra khu vực cách xa khu dân cư thì không thuận tiện cho tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao tại chỗ. Những nơi đủ điều kiện thì không huy động được nguồn kinh phí để xây dựng.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Bùi Quang Cẩm chủ trì Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Bùi Quang Cẩm chủ trì Hội nghị.

Bên cạnh đó, vẫn còn tồn hệ thống nhà văn hóa xây dựng từ lâu hoặc chuyển đổi từ nhà kho, nhà trẻ thành nhà văn hóa nên quy mô không phù hợp, trang thiết bị nghèo nàn, lạc hậu, xuống cấp nghiêm trọng không đảm bảo các hoạt động sinh hoạt của Nhân dân.

Ở vùng miền núi, cơ sở vật chất cho thể dục thể thao còn khó khăn, tuy được quy hoạch, nhưng chưa triển khai xây dựng được (mới chỉ là các bãi đất trống được san ủi bằng phẳng), hoặc có nơi chủ yếu là núi đồi, rừng khó tạo mặt bằng để xây sân chơi, bãi tập; mặt khác dân cư sống phân tán, rải rác nên khó vận động tổ chức được các hoạt động thể dục thể thao quy mô. Ở một số nơi, xây dựng không thu hút được người dân tham gia hoạt động vì chưa phù hợp về quy mô, kiểu dáng, vị trí hoặc không phù hợp với phong tục, tập quán.

Ngoài ra, có hiện tượng mặc dù đời sống vật chất nâng cao hơn song đời sống văn hóa tinh thần của người nông dân lại nghèo đi, tính cố kết cộng đồng lỏng lẻo, thiếu bền chặt, nhiều giá trị đạo đức bị lung lay, có biểu hiện không gian nông thôn truyền thống đang bị phá vỡ; chênh lệch về đời sống vật chất và tinh thần giữa nông thôn và thành thị còn lớn; mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường, mâu thuẫn xã hội gia tăng.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức chưa sâu sắc, đầy đủ về xây dựng đời sống văn hóa trong mối quan hệ với xây dựng NTM; một số cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở chưa quan tâm tạo điều kiện để các Chương trình, đề án đi vào đời sống Nhân dân; đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở có lúc, có nơi còn thiếu, năng lực, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng trước yêu cầu phát triển văn hóa trong xây dựng NTM.

Theo Tổng hợp của Văn phòng Điều phối NTM T.Ư, đến tháng 8/2019 cả nước có 4.475 xã/8.982 xã đạt chuẩn NTM (50,26%); 87/664 đơn vị cấp huyện thuộc 38 tỉnh, TP đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (13,1%), cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí.

Đối với các xã, huyện đã đạt chuẩn NTM, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí; nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân; xây dựng đời sống văn hóa và môi trường sống sáng - xanh - sạch - đẹp; bảo đảm an ninh trật tự. Nhiều địa phương đang chuyển sang xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, theo hướng bền vững.

Lại Tấn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ha-noi-ngon-co-dau-trong-xay-dung-nong-thon-moi-353527.html