Hà Nội nhân rộng mô hình chợ văn minh, an toàn thực phẩm

Việc đẩy mạnh mô hình 'chợ văn minh' sẽ góp phần khắc phục kịp thời tình trạng bất cập, nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất các chợ bảo đảm các yêu cầu về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, văn minh thương mại. Theo đó, xây dựng chợ văn minh là việc cần được quan tâm, nhằm tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa, từ đó thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các hình thức thương mại hiện đại.

Vừa qua, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND quận Long Biên tổ chức Hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước về công thương 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 và thăm quan mô hình chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm, chợ thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Thượng Thanh, quận Long Biên.

Chợ văn minh làm nên nét đẹp Thủ đô

Trước Hội nghị, đoàn đại biểu đã đi tham quan mô hình chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm, chợ thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Thượng Thanh, quận Long Biên. Qua buổi tham quan mô hình, lãnh đạo Sở Công thương đã đánh giá cao công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác chợ cũng như việc xây dựng mô hình chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm, chợ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn quận Long Biên và đánh giá đây là một mô hình tốt để các quận, huyện tham khảo thực hiện.

Các đại biểu đi tham quan mô hình chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm, chợ thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Thượng Thanh, quận Long Biên.

Các đại biểu đi tham quan mô hình chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm, chợ thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Thượng Thanh, quận Long Biên.

Hiện nay, trên địa bàn quận Long Biên có 26 chợ dân sinh đang hoạt động với 2.185 hộ kinh doanh, trong đó đã có 11 chợ được UBND Quận công nhận đạt tiêu chí “Chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm” và có 16/26 chợ đã triển khai mô hình chợ thanh toán không dùng tiền. Dự kiến đến cuối năm 2023, 100% các chợ trên địa bàn quận sẽ thực hiện mô hình thanh toán không dùng tiền mặt.

Nói tới mô hình chợ văn minh không thể không nhắc tới chợ Thái Hà, một trong những khu chợ truyền thống thuộc quận Đống Đa, TP Hà Nội hôm nay đã có nhiều đổi khác. Đã không còn nhìn thấy tình trạng bừa bộn, bày bán hàng ra lối đi chung, hay tình trạng bán hàng rong bên ngoài chợ như trước.

Chị Lan Anh, nhà ở phường Trung Liệt cho biết, trước đây khi đến chợ không khí ồn ào, lộn xộn và chen chúc mỗi buổi chiều khiến chị thấy ngột ngạt. Cảnh bày bán lộn xộn khiến cho người đi lại khó khăn, mái hiên không có, lúc trời mưa lại càng thêm nhớp nháp. Bây giờ chợ Thái Hà đã sạch sẽ và văn minh hơn, bà con rất vui mừng và yên tâm khi đi chợ.

“Không chỉ sạch hơn, thoáng hơn, mà đa số các gian hàng đều niêm yết giá, còn in mã QR để bà con tiện thanh toán tiền khi mua. Các tiểu thương thì nhẹ nhàng, niềm nở, không khí thật sự văn minh hơn trước rất nhiều”, chị Hiền chia sẻ.

Là tiểu thương kinh doanh tại chợ Thái Hà đã được 3 năm nay, chị Thanh Tâm cho biết rất mừng khi quận Đống Đa và Hội Liên hiệp phụ nữ quận, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội quan tâm đến văn minh của chợ. Cũng như nhiều tiểu thương khác, chị đã ký bản cam kết thực hiện quy tắc ứng xử văn minh tại chợ, cùng với đó là thực hiện chỉnh trang lại gian hàng, niêm yết giá, phục vụ khách hàng với thái độ văn minh, thân thiện và có tâm. Hàng hóa luôn được đảm bảo tươi, ngon, an toàn thực phẩm. Gian hàng của chị cũng được gắn biển cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm và được bà con tin mua.

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

“Xây dựng chợ văn minh đang là mô hình mà các cấp Hội phụ nữ Hà Nội triển khai gắn với việc thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Qua mô hình Chợ văn minh góp phần gìn giữ văn hóa tốt đẹp của chợ truyền thống, góp phần làm nên nét đẹp của Thủ đô”, chị Tâm chia sẻ.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Đống Đa Trần Thị Minh Xuân cho biết, việc thực hiện mô hình chợ văn minh mang đến sự thay đổi về diện mạo đô thị, không gian giao thương bởi ngoài tiêu chí tạo ra chuẩn mực văn hóa trong ứng xử, chợ văn minh còn phải đạt các tiêu chí như: 100% hộ kinh doanh có giấy phép kinh doanh, được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng hóa trong chợ được sắp xếp gọn gàng, không lấn ra ngoài không gian chung, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy…

Việc đẩy mạnh mô hình “Chợ Văn minh” sẽ góp phần khắc phục kịp thời tình trạng bất cập, nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất các chợ bảo đảm các yêu cầu về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.

Việc đẩy mạnh mô hình “Chợ Văn minh” sẽ góp phần khắc phục kịp thời tình trạng bất cập, nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất các chợ bảo đảm các yêu cầu về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.

Để mô hình đạt hiệu quả thiết thực, tránh hình thức, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn yêu cầu, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Phòng Kinh tế thường xuyên giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử của các tiểu thương, hộ kinh doanh khu vực chợ.

Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Phòng Kinh tế tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo UBND quận ra mắt tiếp các mô hình điểm trong thực hiện Quy tắc ứng xử trên địa bàn các phường thời gian tới; Đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình đã triển khai sâu rộng trên Cổng thông tin điện tử quận và 21 phường, trên Zalo, fanpage, Facebook của các tổ chức, cá nhân.

Tương tự, tại huyện Thanh Trì, trong năm 2022, Đoàn kiểm tra liên ngành UBND huyện Thanh Trì đã thực hiện đánh giá đối với 10 chợ được UBND các xã đánh giá đạt tiêu chí văn minh thương mại, gồm: Chợ Yên Xá, chợ Tứ Hiệp, chợ Lưu Phái, chợ Thanh Liệt, chợ Tam Hiệp, chợ Yên Mỹ, chợ Quỳnh Đô, chợ Tựu Liệt, chợ Tương Chúc, chợ Tân Lập.

Theo kết quả đánh giá và thẩm định của Đoàn liên ngành, chợ Thanh Liệt được UBND huyện công nhận chợ đạt tiêu chí “Chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm” năm 2022. Nội quy hoạt động tại các chợ đạt 100%; công tác phân hạng chợ, phê duyệt phương án giá sử dụng diện tích bán hàng, công tác phê duyệt phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng đạt 90,9%.

Theo lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì, trong thời gian tới, các xã, thị trấn sẽ tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động chợ; Giải tỏa, xử lý dứt điểm các điểm bán hàng rong không đảm bảo quy định, không để tồn tại, tạo công bằng cho các tiểu thương kinh doanh trong chợ hoạt động hiệu quả hơn; Tiếp tục triển khai Đề án quản lý các cửa hàng kinh doanh an toàn thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 nhằm quản lý, đảm bảo công tác an toàn thực phẩm trong chợ.

Nét đặc trưng của văn hóa Hà Nội

Việc đẩy mạnh mô hình “Chợ Văn minh” sẽ góp phần khắc phục kịp thời tình trạng bất cập, nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất các chợ bảo đảm các yêu cầu về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, văn minh thương mại. Đồng thời, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phục vụ tốt nhu cầu dân sinh và góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho các địa phương và thành phố.

Nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước, từng bước hoàn thiện mạng lưới chợ trên địa bàn, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 228/KH-UBND về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, TP Hà Nội sẽ huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng mới, xây dựng lại 141 chợ (trong đó có 6 chợ đầu mối); Cải tạo, nâng cấp 169 chợ trên địa bàn thành phố; Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu và khảo sát xây dựng chợ đầu mối quốc tế nông sản thành phố Hà Nội…

Thành phố cũng đặt mục tiêu khắc phục kịp thời tình trạng xuống cấp và đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất các chợ bảo đảm các yêu cầu về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, văn minh thương mại. Đồng thời, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phục vụ tốt nhu cầu dân sinh và góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho các địa phương và thành phố.

Bà Hoàng Thu Hồng, Trưởng Ban Tuyên giáo Hội Liên Hiệp Phụ nữ Hà Nội nhấn mạnh: Việc triển khai xây dựng mô hình chợ văn minh chính là bước cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trong không gian chợ, là biện pháp truyền thông hiệu quả nhất để đưa Quy tắc ứng xử nơi công cộng vào cuộc sống thông qua sự tương tác, giao thương giữa các hộ kinh doanh, tiểu thương khu vực chợ với người dân đến mua bán hàng tại chợ.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, chợ truyền thống đã tồn tại và trở thành một nếp sống, một nét văn hóa đặc trưng của người dân. Chợ truyền thống đóng một vai trò quan trọng trong đời sống dân sinh, do vậy việc quy hoạch, bố trí chợ truyền thống phù hợp với đời sống đương đại và cảnh quan đô thị là rất cần thiết. Chính vì thế, chúng ta cần gìn giữ nét văn hóa này đồng thời kết hợp yếu tố hiện đại để phù hợp với sự phát triển của thời đại.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, muốn làm được điều này, Nhà nước cần phải có những chính sách ưu đãi và chiến lược cụ thể để thu hút các nhà đầu tư trong, ngoài nước xây dựng, cải tạo và phát triển các dự án chợ dân sinh lên một tầm cao mới, giữ vững vai trò, vị trí của chợ đối với đời sống vật chất, tinh thần của người dân Việt Nam.

Nguyệt Ánh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/ha-noi-nhan-rong-mo-hinh-cho-van-minh-an-toan-thuc-pham-1094420.html