Hà Nội: Nhiều bất cập trong quản lý trường tư thục
Ngày 5/12, trong phiên chất vấn tại HĐND TP khóa XV, các đại biểu đặt nhiều câu hỏi đến giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội liên quan đến công tác quản lý nhà nước đối với các trường ngoài công lập.
Hệ thống trường ngoài công lập tiếp tục được mở rộng
Báo cáo với HĐND TP. ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Sở đã chỉ đạo các trường ngoài công lập thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập như cơ sở vật chất, việc công nhận Hội đồng quản trị và hiệu trưởng, công tác tài chính, công tác chuyên môn.
Cùng với đó, thực hiện kết luận của chủ tọa tại kỳ họp trước, Sở đã tập trung, chú trọng vào công tác thanh kiểm tra. Đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện, Sở đã thanh tra 9 trường, kiểm tra 89 trường, 1.090 cơ sở giáo dục mầm mon ngoài công lập, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục; kiểm định chất lượng giáo dục đối với 105 trường.
Qua kiểm tra cho thấy, các trường đã chú trọng đến quy chế chuyên môn, giáo viên thực hiện đúng, đủ tiết dạy theo kế hoạch, không có hiện tượng cắt xén chương trình. Không còn tình trạng giáo viên không có trình độ đứng lớp, đặc biệt là ở cấp mầm non.
Đánh giá về đóng góp của hệ thống trường ngoài công lập, ông Chử Xuân Dũng cho rằng hệ thống này góp phần giảm tải rất lớn cho trường công lập, nhiều trường áp dụng mô hình tiên tiến, xây dựng được thương hiệu, nhiều trường được các địa phương khác học tập mô hình. Đến nay, quy mô, mạng lưới trường ngoài công lập tiếp tục được mở rộng, tăng về chất lượng, số lượng.
Lo việc lạm dụng xã hội hóa giáo dục để kinh doanh
Chất vấn Giám đốc Sở GD&ĐT, đại biểu Đỗ Thùy Dương lấy ví dụ từ bản thân chuyển nhà chỉ vì con có trường tốt đi học. “Vậy chúng ta sử dụng giáo dục để giãn dân tốt hơn hay sử dụng định cư nhà ở để giãn dân, đây là một câu chuyện mà giáo dục không chỉ là giải pháp xã hội mà còn là giải pháp cho tất cả các vấn đề khác?
Đại biểu quay trở lại câu hỏi này dành cho Sở Quy hoạch kiến trúc về câu chuyện ưu tiên nào dành cho giáo dục khi thiết lập các chương trình thiết kế các TP mới, các đô thị vệ tinh? Thứ hai, Giám đốc Sở GD&ĐT có nói đến chính sách hỗ trợ xã hội hóa giáo dục, có chăng chuyện lạm dụng xã hội hóa giáo dục này để nhà đầu tư kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận trong giáo dục.
ĐB Vũ Mạnh Hải nêu vấn đề, Thành phố đã có nhiều chính sách phát triển, phát huy nguồn lực trong nhân dân để phát triển giáo dục, tuy nhiên, do áp lực, đòi hỏi của nhu cầu học với số lượng dân ngày càng đông trên địa bàn Thủ đô, nhiều cơ sở, điểm học còn bộc lộ nhiều yếu kém, hạn chế, cơ sở vật chất của nhóm trẻ, vậy Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết công tác quản lý như thế nào để khắc phục tình trạng trên.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Hương đề nghị Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, Chương Mỹ cho biết trách nhiệm đối với việc thực hiện kết luận tại phiên chất vấn kỳ họp trước về công tác quản lý trường ngoài công lập trên địa bàn, hiện vẫn còn nhiều tồn tại chưa khắc phục, trong đó, cơ sở vật chất chưa đạt yêu cầu, thiết bị dạy học thiếu, chắp vá, các lớp nhóm trẻ mẫu giáo vượt quá số lượng cho phép.
Đại biểu Nguyễn Quang Thắng nêu ý kiến, hiện nay, đối với trường ngoài công lập, qua khảo sát, về công tác cấp phép, nhiều cơ sở nhóm trẻ mẫu giáo chưa được cấp phép, chưa có quyết định thành lập nhưng vẫn mở, trong khi đó, cơ quan có thẩm quyền chưa kiên quyết đình chỉ các cơ sở này. Tình trạng trẻ vượt quá số lượng theo quy định ở các lớp mầm non khá phổ biến.
Trong khi đó, đại biểu Hoàng Tú Anh nêu vấn đề, sau một năm thực hiện kết luận chất vấn thì xảy ra vụ việc đáng tiếc tại Trường Tiểu học Gateway, vậy trách nhiệm của Sở GD&ĐT như thế nào trong công tác quản lý và Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, quận đã rà soát như thế nào đối với các trường ngoài công lập, trách nhiệm của quận trong vụ việc này?
Đại biểu Nguyễn Thanh Bình nêu chất vấn, cơ cấu phân bổ các dự án trường hiện chỉ tập trung chủ yếu ở một số quận, trong khi đó, ở một số các huyện ngoại thành chưa thu hút được đầu tư ngoài ngân sách, ngoài ra, ở một số khu đô thị mới chưa chú trọng xây dựng trường học, vậy, Sở GD&ĐT cho biết trách nhiệm trong việc tham mưu với thành phố để đảm bảo trường, lớp đáp ứng cho nhu cầu học tập của nhân dân.
Tăng cường quản lý trường tư thục
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng cho biết, về nguyên nhân một số nhóm trẻ lớp mẫu giáo độc lập tư thục vẫn thuê địa điểm nhà dân, chung cư để triển khai quản lý và tổ chức hoạt động nhóm trẻ là do khu vực đó hệ thống trường mầm non chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Bên cạnh đó, người dân cũng mong muốn con đi học ở nơi phù hợp về thời gian, khoảng cách. Các nhóm trẻ thường phục vụ cho học sinh và các cháu địa bàn lân cận, phần lớn số học sinh thường biến động.
Đây cũng là lý do mà các chủ đầu tư không muốn đầu tư và định hướng lâu dài mà chủ yếu tận dụng thuê lại các phòng học, nhà chung cư, tập thể.
Về trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước, thời gian qua, Sở đã triển khai 6 nhóm giải pháp khắc phục tồn tại mà các đại biểu đã nêu.
Trong đó, năm học 2019-2020, Sở lấy chủ đề đối với cấp học mầm non là tăng cường quản lý nhà nước, chấp hành quy định của pháp luật, kỷ cương trong quản lý của nhóm trẻ, các lớp mẫu giáo mầm non, tư thục, toàn ngành thực hiện phương châm sâu sát cơ sở, kỷ cương trong thực chất và đánh giá.
Sở đã ban hành các chỉ đạo đối với nhóm trẻ mẫu giáo độc lập tư thục gồm 4 nhóm văn bản tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn các cơ sở tổ chức thẩm định, cấp phép quản lý các nhóm trẻ này.
Sở cũng đã ban hành văn bản yêu cầu địa phương công khai các nhóm trẻ đã được cấp phép trên trang web, các phương tiện thông tin đại chúng và Sở đã thực hiện công khai trên cổng thông tin điện tử của ngành.
Đồng thời, Sở cũng đẩy mạnh sự phối hợp, giao ban đến tất cả các chủ tịch quận huyện thị xã để trao đổi công tác GD-ĐT tại địa phương, thống kê các nội dung, tồn tại hạn chế của các ngành, từng quận, huyện, thị xã, trong đó, có việc quản lý các nhóm trẻ, quy hoạch mạng lưới trường học của địa phương.
Đặc biệt, năm học này, Sở đã triển khai các đoàn công tác làm việc với Ban thường vụ của quận, huyện, thị xã và đến nay, đã triển khai được 18/30 đơn vị. Đồng thời, Sở cũng tiến hành giao ban với trưởng phòng đào tạo quận, huyện, thị xã để kiểm điểm công tác chuyên môn.
Trong công tác đổi mới chất lượng giáo dục, Sở đã yêu cầu các Phòng GD&ĐT tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non, xây dựng mô hình quản lý cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ độc lập tư thục, xây dựng các quy chế phối hợp giữa các cấp, tổ chức đoàn thể và giám sát của địa phương.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra giám sát của các cấp, hậu kiểm tra cấp phép, sau cấp phép đối với các cơ sở giáo dục mầm non và kiên quyết xử lý các vi phạm theo thẩm quyền. Cùng với đó, kết hợp tăng cường truyền thông để người dân được biết về hệ thống giáo dục ngoài công lập, những trường đạt chất lượng.
Liên quan đến nguyên nhân, trách nhiệm để xảy ra sự việc tại Trường Gateway hồi tháng 8/2019 mà một số đại biểu nêu, ông Chử Xuân Dũng cho biết, đây là sự việc hy hữu, đau xót với ngành. Ngành GD&ĐT có một phần trách nhiệm.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, nguyên nhân là do có lỗ hổng trong quản lý, tinh thần làm việc thiếu trách nhiệm của cá nhân trực tiếp liên quan đến sự việc; còn nguyên nhân cụ thể cần chờ xác minh, công bố của cơ quan điều tra.
Phát biểu kết thúc phần chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, ngành GD-ĐT đã ban hành những văn bản về quản lý nhà nước đúng trách nhiệm, khắc phục những tồn tại đã được chất vấn kỳ trước, đồng thời xử lý nghiêm vi phạm.
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị UBND TP tiếp tục chỉ đạo Sở GD&ĐT thực hiện nghiêm túc Kết luận 16, trong đó liên quan đến việc rà soát, kiểm định ra sao. UBND TP chỉ đạo Sở GD&ĐT rà soát lại những khoảng trống, cần thiết trình HĐND để có cơ chế quản lý, vì sao có trường chất lượng cao hơn, vì sao có trường phụ huynh phải đóng nhiều tiền hơn.