Hà Nội: Nhiều cầu vượt bộ hành vẫn 'ế khách'

Dù lợi ích thấy rõ nhưng nhiều cây cầu vượt trên địa bàn Hà Nội vẫn trong tình trạng 'ế khách', rất nhiều người vẫn ngó lơ, băng qua đường, trong khi trên cầu lại vắng.

Nhiều người sử dụng cầu vượt bộ hành trước cổng Bệnh viện Bạch Mai để sang đường vào các giờ cao điểm. Ảnh: Tuyết Mai - TTXVN

Nhiều người sử dụng cầu vượt bộ hành trước cổng Bệnh viện Bạch Mai để sang đường vào các giờ cao điểm. Ảnh: Tuyết Mai - TTXVN

Được đưa vào khai thác từ năm 2007, công trình cầu bộ hành trước cổng Bệnh viện Bạch Mai đã phát huy hiệu quả, góp phần đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, chống ùn tắc giao thông trên trục đường Giải Phóng, nơi lưu lượng người tham gia giao thông ngày càng trở nên đông đúc.

Vào giờ cao điểm buổi sáng và chiều, lượng người qua cầu vượt khá đông, trong đó phần lớn là các em học sinh, sinh viên, người nhà và bệnh nhân đi khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai.

Lẫn trong nhóm người “tay xách, nách mang” lỉnh kỉnh đồ đạc, chị Nguyễn Thanh ở quận Hoàng Mai cho biết, hàng ngày vẫn qua lại đây để sang Bệnh viện Bạch Mai. Chị cảm thấy yên tâm mỗi khi đi trên cầu, không còn lo bị đụng xe như trước.

“Đây là nút giao thông trên trục đường chính, lại trước cổng bệnh viện lớn, lưu lượng phương tiện qua lại rất đông. Nếu không có cây cầu này, người dân phải băng qua đường rất dễ xảy ra tai nạn”, chị Nguyễn Thanh nói.

Mặc dù lợi ích thấy rõ nhưng nhiều cây cầu vượt trên địa bàn Hà Nội vẫn trong tình trạng “ế khách”, rất nhiều người vẫn ngó lơ, băng qua đường, trong khi trên cầu lại vắng. Nguyên nhân một phần là do ý thức chấp hành giao thông của người đi bộ còn hạn chế nên cây cầu xây xong vẫn để bị lãng phí.

Cầu vượt trước cổng Bệnh viện Bạch Mai đưa vào khai thác từ năm 2007 đã phát huy hiệu quả đảm bảo an toàn giao thông. Ảnh: Tuyết Mai - TTXVN

Cầu vượt trước cổng Bệnh viện Bạch Mai đưa vào khai thác từ năm 2007 đã phát huy hiệu quả đảm bảo an toàn giao thông. Ảnh: Tuyết Mai - TTXVN

Ngay cầu vượt trước cổng Bệnh viện Bạch Mai vẫn còn nhiều người không đi lên cầu mà băng qua đường, trong đó có nhiều người nhà bệnh nhân, chủ yếu từ các vùng nông thôn ra Hà Nội chưa quen với loại hình mới này.

Hay trước cổng Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều (đường Cầu Bươu, huyện Thanh Trì), dù cầu bộ hành được xây dựng cách đó không xa nhưng nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân bất chấp nguy hiểm băng qua đường vẫn diễn ra thường xuyên.

Cầu vượt bộ hành trước cổng Học viện Ngân Hàng (đường Chùa Bộc, quận Đống Đa, Hà Nội) cũng trong tình trạng tương tự. Đây có lẽ là cây cầu vượt có ít người qua lại nhất, nhiều thời điểm, số lượng người đi bộ băng cắt qua đường nhiều gấp 2,3 lần số người sử dụng cầu bộ hành…

Trên thực tế đã có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra do người đi bộ tùy tiện băng qua đường khi các phương tiện đang lưu thông, khiến họ phải giảm tốc bất ngờ nên bị va chạm mạnh với các xe đằng sau. Tuy nhiên, do thói quen tùy tiện, muốn đi cho nhanh, ngại leo cao,.. nhiều người bất chấp nguy hiểm, cố tình băng qua đường, "phớt lờ" cầu bộ hành, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Cầu vượt được xây dựng trong khu đô thị Linh Đàm đông dân bậc nhất thành phố nhưng vẫn ít người sử dụng. Ảnh: Tuyết Mai - TTXVN

Cầu vượt được xây dựng trong khu đô thị Linh Đàm đông dân bậc nhất thành phố nhưng vẫn ít người sử dụng. Ảnh: Tuyết Mai - TTXVN

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội hiện có 70 cầu vượt đi bộ được đầu tư, đưa vào khai thác, sử dụng. Giai đoạn 2021 - 2025, thành phố Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng bốn cầu vượt cho người đi bộ tại đường Lê Đức Thọ (ngõ 63), quận Nam Từ Liêm; đường Nguyễn Khánh Toàn 2, quận Cầu Giấy; đường Trần Hữu Dực (ngõ 6), Nam Từ Liêm; qua đường Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy) bằng nguồn ngân sách của thành phố.

Mặc dù đầu tư nguồn kinh phí không nhỏ xây dựng các cây cầu vượt bộ hành tại những địa điểm lưu lượng phương tiện đông đúc trên các tuyến đường, trong khu đô thị, nhằm tránh xảy ra các xung đột giao thông giữa phương tiện cơ giới với người đi bộ, nhưng do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, thời gian qua các công trình này không được phát huy hết công dụng vốn có.

Để các cây cầu vượt phát huy công dụng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đảm bảo an toàn cho người đi bộ, góp phần giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, các ngành chức năng cần tăng cường các biện pháp mang tính cưỡng chế như lắp hàng rào, trồng cây xanh tại dải phân cách để ngăn chặn người dân tùy tiện băng qua đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông./.

Tuyết Mai/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ha-noi-nhieu-cau-vuot-bo-hanh-van-e-khach/302384.html