Hà Nội: Nhiều cây xăng treo biển hết hàng, kiểm kê, người dân xếp hàng mua giữa trưa

Mặc dù đã chọn thời điểm đổ xăng vào giữa buổi trưa, nhưng nhiều người dân vẫn phải xếp hàng dài đợi đến lượt mình. Một số cây xăng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã treo biển hết hàng, kiểm kê và dừng bán ra.

Một cây xăng trên đường Phạm Văn Đồng treo biển hết hàng từ sáng 11/10.

Một cây xăng trên đường Phạm Văn Đồng treo biển hết hàng từ sáng 11/10.

Xếp hàng dài chờ tới lượt

Sau những thông tin không mấy lạc quan về tình hình xăng dầu tại nhiều tỉnh, thành phố phía nam, người dân Hà Nội cũng đổ xô đi mua xăng trong 2 ngày vừa qua. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nhân Dân, ngay từ đêm 10/10, hiện tượng trên đã xuất hiện.

Tại một cây xăng tư nhân trên đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân, Hà Nội), mặc dù đã là 22 giờ đêm, nhưng dòng phương tiện giao thông ùn ùn kéo vào trong khi nhiều phương tiện khác còn chưa được tiếp nhiên liệu.

Anh Hoàng Đạt, một khách hàng kể lại: Vào thời điểm đó, tôi xếp hàng đợi tới lượt thì nhân viên thông báo nguồn hàng tại trạm sắp hết và khách hàng sẽ chỉ được mua tối đa 500.000 đồng với loại xăng A95.

Tới sáng nay, 11/10, theo ghi nhận, tình trạng ùn ứ xếp hàng vẫn diễn ra. Tại cây xăng số 697 Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), mặc dù đã là thời điểm gần giữa trưa, nhưng anh Trần Đăng Phú phải đợi rất lâu mới đẩy được chiếc xe máy của mình tiếp cận cột bơm.

Mặc dù đã lựa chọn đổ xăng vào giữa trưa, nhưng nhiều người vẫn phải xếp hàng dài đợi tới lượt.

Mặc dù đã lựa chọn đổ xăng vào giữa trưa, nhưng nhiều người vẫn phải xếp hàng dài đợi tới lượt.

“Bình thường, tôi chọn thời điểm sáng sớm hoặc buổi trưa để đổ xăng cho vắng. Nhưng hôm nay, cây xăng này lại đông hơn dự kiến khiến tôi đợi khá lâu”, anh Phú vừa chen ra khỏi cây xăng, vừa cho hay.

Tương tự là điểm bán tại đường Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy) khi số lượng phương tiện trong trạng thái… chờ khá đông. Một trụ xăng tại khu vực này đã ngừng bơm kèm theo tấm biển Nghỉ nhập hàng.

Thậm chí, một số cây xăng dầu đã treo biển Hết hàng hoặc Đang kiểm kê. Điển hình, cửa hàng xăng dầu số 2 Nam Thăng Long có địa chỉ tại số 454 đường Phạm Văn Đồng đã đặt tấm biển Hết xăng ngay từ khoảng 10 giờ sáng. Một cây xăng tư nhân khác trên đường Hoàng Quốc Việt cũng dừng bán ra với lý do: Nghỉ kiểm kê.

Cây xăng trên đường Hoàng Quốc Việt với thông báo Xin lỗi quý khách Nghỉ kiểm kê.

Cây xăng trên đường Hoàng Quốc Việt với thông báo Xin lỗi quý khách Nghỉ kiểm kê.

Ngoài việc bị tác động bởi thông tin tiêu cực tại các tỉnh phía nam, lý do người tiêu dùng đổ xô đi mua xăng trong sáng và trưa 11/10 còn được cho là do tâm lý lo ngại mặt hàng này sẽ tăng giá khi có thông tin chiều cùng ngày Liên Bộ Công thương-Tài chính dự kiến điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước theo chu kỳ. Các dự báo đưa ra trước kỳ điều hành cho rằng giá xăng dầu có thể tăng mạnh khoảng 2.000 đồng/lít tùy từng loại.

Cần giải bài toán chi phí kinh doanh và premium

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, PGS, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho hay: Một trong những nguyên nhân của tình trạng nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu hoạt động cầm chừng, thậm chí dừng hẳn là do vấn đề lợi nhuận.

“Hiện nay, giá xăng dầu do Nhà nước quy định, trong cơ cấu giá xăng dầu có yếu tố chi phí kinh doanh và premium. Đây là hai chi phí hết sức quan trọng trong cơ cấu giá bán lẻ. Tuy nhiên, quy định về chi phí kinh doanh hiện nay đã rất lạc hậu khi 8 năm qua chưa thay đổi và ở mức rất thấp”, chuyên gia kinh tế phân tích.

Ông Long cho rằng, hiện nay, các doanh nghiệp đều cho rằng chi phí kinh doanh theo mức hiện tại là không đủ bảo đảm cho họ hoạt động, không bù đắp được chi phí bỏ ra.

Bên cạnh đó, khoảng premium – lợi nhuận người mua phải trả cho người bán mặc dù đã được quy định rõ trong Nghị định 95 nhưng hiện cũng không thay đổi, vẫn để ở mức thấp càng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cần phải giải được bài toán về chi phí kinh doanh và mức premium mới có thể tháo gỡ nút thắt trong kinh doanh xăng dầu hiện nay.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cần phải giải được bài toán về chi phí kinh doanh và mức premium mới có thể tháo gỡ nút thắt trong kinh doanh xăng dầu hiện nay.

“Bộ Công thương đã nhìn ra vấn đề này và đã 4 lần kiến nghị Bộ Tài chính do khâu này Bộ Tài Chính quyết định. Vừa qua, Bộ Tài Chính cũng đã thống nhất với Bộ Công thương sẽ điều chỉnh trong thời gian sớm nhất và có thể trong kỳ điều hành tới sẽ xem xét lại 2 khoản mục này. Theo tôi, nếu không giải quyết được vấn đề này, không chỉ miền nam mà nhiều địa phương khác cũng sẽ rơi vào tình trạng tương tự”, PGS, TS Ngô Trí Long nhận định.

Trong khi đó, theo thông tin từ Bộ Công thương, hiện tượng một số cây xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung ở một số tỉnh, thành phố phía nam không phải phổ biến. Có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động.

Nguyên nhân chính của hiện tượng trên là do từ cuối năm 2021 đến nay, chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các thương nhân đầu mối kinh doanh không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình cũng như duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ.

Trước tình hình trên, Bộ Công thương đã kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến mặt hàng xăng dầu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt); sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước (khoản chênh lệch so với giá thế giới) theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành để khuyến khích các doanh nghiệp tăng lượng nhập hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường.

Xếp hàng đổ xăng giữa trưa tại cây xăng 697 Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội).

Xếp hàng đổ xăng giữa trưa tại cây xăng 697 Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội).

Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đã phối hợp Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố (đầu mối là Sở Công thương) chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu; duy trì việc cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp; chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về duy trì bán lẻ xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu theo đúng quy định.

9 ngày đầu tháng 10, PVOIL cung cấp vượt 7% kế hoạch

Thông tin với báo chí, đại diện PVOil cho hay trong 9 ngày đầu tháng 10/2022, sản lượng xăng dầu PVOIL cung cấp cho các đơn vị trong hệ thống toàn quốc vượt 7% so với kế hoạch, riêng mặt hàng xăng vượt 16%.

Cá biệt, tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, sản lượng xăng dầu do PVOIL cung cấp cho các đầu mối phân phối cũng vượt tới 28% so với kế hoạch, riêng mặt hàng xăng vượt 35%.

Đại diện doanh nghiệp này cũng khẳng định trong những ngày tiếp theo, PVOIL vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực khắc phục các khó khăn chung của thị trường nhằm bảo đảm nguồn hàng và duy trì hoạt động ổn định của các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng như toàn hệ thống.

SƠN BÁCH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ha-noi-nhieu-cay-xang-treo-bien-het-hang-kiem-ke-nguoi-dan-xep-hang-mua-giua-trua-post719320.html