Có thể thấy rõ tình trạng này ở một loạt công viên như: Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, Công viên Bắc Linh Đàm...
Công viên Tuổi trẻ Thủ đô là một trong những công viên lớn nhất tại Hà Nội thuộc phường Thanh Nhàn. Sau hơn 2 thập kỷ đi vào hoạt động, cơ sở hạ tầng tại công viên đang bị xuống cấp trầm trọng. (Ảnh: Bích Lộc)
Khu vực nhà hàng, dịch vụ dù sai phạm nhưng vẫn nằm “chễm chệ" ngay giữa trung tâm công viên. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, công viên này có 14 hạng mục công trình không phù hợp với quy hoạch hoặc thực hiện sai so với các giấy phép xây dựng đã được cấp, gồm nhà hàng, sân tennis, sân bóng mini, 17 trường hợp tái lấn chiếm, 3 điểm trông giữ xe ngày và đêm... (Ảnh: Bích Lộc)
Nhiều hàng quán dù đã ngưng hoạt động nhưng vẫn chưa tháo dỡ trả lại không gian cho công viên Tuổi trẻ Thủ đô. (Ảnh: Bích Lộc)
Tương tự tình trạng trên, tại công viên Bắc Linh Đàm (quận Hoàng Mai), cơ sở vật chất trong công viên đã hoàn toàn xuống cấp nhưng những tiểu thương vẫn ngang nhiên lấn chiếm cả trong lẫn ngoài công viên. (Ảnh: Bích Lộc)
Phòng bán vé bị bỏ hoang, chất đầy rác bên trong. Càng đi sâu vào trong, khung cảnh công viên hoang tàn càng lộ rõ. Sau nhiều năm đi vào hoạt động, công tác quản lý bị buông lỏng khiến nhiều hạng mục của công viên xuống cấp trầm trọng mà không được tu sửa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn đối với người dân. (Ảnh: Bích Lộc)
Nhà vệ sinh xập xệ không đảm bảo, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Anh N.T.T người dân tại đây cho biết: “Nhà vệ sinh này giờ mấy ai dám đi nữa đâu. Xuống cấp hết rồi, không có nước mà cũng ít khi có người đến dọn rửa nữa". (Ảnh: Bích Lộc)
Cơ sở chung xuống cấp trầm trọng là vậy nhưng những hàng quán khang trang vẫn được mọc lên với mục đích kinh doanh kiếm lợi. (Ảnh: Bích Lộc)
Không chỉ “xẻ thịt" không gian trên mặt đất, tại hồ điều hòa Thành phố Giao Lưu (quận Bắc Từ Liêm), nhiều đối tượng thả cá rồi tổ chức câu cá thu tiền. (Ảnh: Bích Lộc)
Trên bờ hồ, không khó để bắt gặp những vệt sơn phân lô được đánh số thứ tự để “tranh phần". (Ảnh: Bích Lộc)
Anh H.N - người dân đến câu cá tại hồ điều hòa cho biết: “Mình mang cần đến đây câu cá là sẽ có người đến phát vé và thu tiền. Mình câu vào buổi chiều 5 tiếng sẽ có giá 200.000 đồng. Đó là đối với cần thường, còn với cần máy sẽ có giá 300.000 đồng". (Ảnh: Bích Lộc)
Vé được phát khi người dân đến câu cá tại hồ điều hòa Thành phố Giao lưu (quận Bắc Từ Liêm). (Ảnh: Bích Lộc)
Bích Lộc