Hà Nội: nhiều người vi phạm bị phạt nặng ngày đầu thực hiện luật mới

Hôm nay, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định 168/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực. Tại Hà Nội, Phòng CSGT đã triển khai đồng loạt biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn và xử lý vi phạm ngay từ sáng ngày 1/1/2025.

Áp dụng ngay luật mới

Việc tăng nặng mức xử phạt và áp dụng cơ chế trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX) bước đầu tạo hiệu quả tích cực, nâng cao ý thức chấp hành của người dân. Ghi nhận tại địa bàn Đội CSGT Đường bộ số 1 phụ trách (quận Hoàn Kiếm), phần lớn người dân đã tuân thủ quy định, đặc biệt là dừng chờ đèn đỏ đúng tín hiệu giao thông.

Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp cố tình vi phạm, điển hình là hành vi vượt đèn đỏ. Từ hình ảnh của hệ thống camera giám sát, CSGT đã phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm... Theo quy định tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi vượt đèn đỏ sẽ bị phạt từ 18 - 20 triệu đồng đối với ô tô và 4 - 6 triệu đồng đối với xe mô tô, đồng thời bị trừ 4 điểm trên GPLX.

Lực lượng CSGT xử phạt người vi phạm theo quy định mới.

Lực lượng CSGT xử phạt người vi phạm theo quy định mới.

Tại Đại lộ Thăng Long, tổ công tác thuộc Đội CSGT đường bộ số 11 phát hiện nhiều trường hợp điều khiển xe mô tô đi vào cao tốc. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng, gây nguy hiểm trực tiếp cho cả người điều khiển và các phương tiện khác trên tuyến đường có tốc độ di chuyển cao. Lỗi này bị xử phạt từ 4 - 6 triệu đồng và trừ 6 điểm GPLX.

Trên địa bàn quận Đống Đa, Tổ công tác đặc biệt số 7 đã xử lý nhiều hành vi như không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe kéo theo phương tiện khác, đi ngược chiều.

Đại úy Chu Mạnh Dũng - cán bộ Đội CSGT Đường bộ số 7, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt số 7, cho biết việc xử lý mạnh tay các hành vi vi phạm là cần thiết để xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn minh. Việc áp dụng cơ chế trừ điểm GPLX sẽ giúp nâng cao ý thức chấp hành của người dân, đồng thời giảm thiểu các hành vi nguy hiểm.

Tại quận Thanh Xuân, Tổ công tác đặc biệt số 9 phát hiện một số trường hợp xe mô tô không đội mũ bảo hiểm, xe ba bánh tự dóng chở hàng cồng kềnh. Trung tá Nguyễn Ngọc Thuyên - Phó Đội trưởng Đội CSGT Đường bộ số 15, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt số 9, cho biết lực lượng CSGT không chỉ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm mà còn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu rõ hơn các quy định mới. Việc áp dụng mức phạt tăng nặng không chỉ có tính răn đe mà còn tạo sức ép để người tham gia giao thông phải thay đổi thói quen.

Nhiều người dân trên địa bàn thành phố bày tỏ sự đồng tình với các quy định của mới. Anh Nguyễn Văn Hùng, trú tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội cho rằng mức phạt cao sẽ khiến người tham gia giao thông phải cân nhắc kỹ trước khi vi phạm.

Ngày đầu áp dụng quy định mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên phố Hà Nội.

Ngày đầu áp dụng quy định mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên phố Hà Nội.

Xây dựng môi trường giao thông an toàn

Một số hành vi như vận chuyển hàng trên xe không chằng buộc chắc chắn, cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thực thi công vụ; không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông... có mức phạt cao gấp 3 - 30 lần so với hiện hành.

Các quy định về quay đầu xe trên đường cao tốc, đi ngược chiều hoặc lùi xe trên cao tốc, đi mô tô vào đường cao tốc... được cụ thể hóa với mức phạt tăng mạnh 2 - 3 lần so với hiện hành.

Mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn gây tai nạn giao thông mức phạt tăng rất mạnh đến 36 - 50 lần. Đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông mức xử phạt cũng nâng cao hơn so với hiện hành.

CSGT tuyên truyền pháp luật cho người vi phạm đi vào đường cao tốc.

CSGT tuyên truyền pháp luật cho người vi phạm đi vào đường cao tốc.

Chị Phạm Thị Lan, quận Hà Đông nhận định, các quy định mới tạo tính răn đe để người dân tuân thủ luật lệ, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

Ngày đầu thực hiện Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định 168 đã cho thấy hiệu quả rõ rệt tại Hà Nội. Việc xử lý nghiêm minh kết hợp với tuyên truyền sâu rộng tạo nền tảng quan trọng để xây dựng môi trường giao thông an toàn, giảm thiểu nguy cơ tai nạn và hướng tới một Thủ đô văn minh, hiện đại.

Ngày đầu Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực, người tham gia giao thông chấp hành khá tốt quy định mới. Ảnh: N.N

Ngày đầu Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực, người tham gia giao thông chấp hành khá tốt quy định mới. Ảnh: N.N

Tuy nhiên, cũng không ít người vi phạm ngỡ ngàng trước mức phạt theo quy định mới như trường hợp của anh Nguyễn Bá Toàn, một tài xế xe ôm công nghệ vi phạm lỗi vượt đèn đỏ. “Tôi thiếu quan sát nên vi phạm lỗi không chấp hành đèn tín hiệu giao thông. Lực lượng chức năng thông báo tôi bị phạt lên đến 5 triệu đồng theo quy định mới. Mức phạt này gần bằng 1 tháng thu nhập của tôi nên sẽ rút kinh nghiệm”.

Trường hợp anh Lê Văn Thành điều khiển xe máy vào đường cao tốc cũng bị xử phạt tăng gấp 2 lần so với trước kia.

Anh Lê Văn Thành cho biết: “Do đường gom Đại lộ Thăng Long ùn tắc nên tôi đã đi xe máy vào cao tốc. Sau khi được thông báo mức xử phạt tôi thấy khá là nặng, lần sau sẽ không tái phạm nữa”.

Nhiều chuyên gia nhận định, việc tăng nặng mức phạt tiền với các hành vi vi phạm giao thông là hết sức cần thiết, nhằm nâng cao ý thức chấp hành giao thông của người điều khiển phương tiện. Khi ý thức người lái xe cải thiện, vi phạm, tai nạn giao thông sẽ được hạn chế; góp phần đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông.

Phạm Công

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-nhieu-nguoi-vi-pham-bi-phat-nang-ngay-dau-thuc-hien-luat-moi.html