Hà Nội như 'nhà mặt tiền' của Quốc gia: Cần phải đầu tư xứng tầm
Sáng 12/6, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.
"Trái tim không khỏe thì cơ thể không thể khỏe"
Theo đó, các Đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình về việc trao một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù để Hà Nội phát triển tương xứng vị trí Thủ đô.
Theo Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre), các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM là “nhà mặt tiền” của quốc gia, có vị thế và vị trí hơn hẳn các địa phương khác. Nói riêng về Hà Nội, ông Nhưỡng cho rằng đây là trung tâm chính trị, văn hóa xã hội và là trái tim cả nước.
“Đã là trái tim thì chấp nhận các dòng máu đỏ, máu nóng, hay máu độc chảy về đây, nên cần phải có sự thanh lọc, hy sinh, đóng góp. Trái tim không khỏe thì cơ thể không thể khỏe", ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ băn khoăn đó là cơ chế nào để phát huy tiềm lực của Hà Nội. Việc xin cơ chế là đúng, nhưng phải khác với chuyện xin nguồn lực nên cần đánh giá rõ ràng. Do đó, trước hết Hà Nội cần phải phát huy vai trò cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo và sự phấn đấu của toàn bộ người dân Thủ đô để phát triển.
Theo Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận), Hà Nội là địa phương duy nhất có Luật Thủ đô. Tuy nhiên, các quy định về cơ chế tài chính, chính sách chưa thực sự vì nhu cầu phát triển của Hà Nội.
Chính vì vậy, việc xem xét bổ sung cơ chế chính sách tài chính ngân sách cho phép Hà Nội huy động các nguồn tài chính đầu tư phát triển theo hướng tăng tính chủ động ngân sách cho thành phố phù hợp với thực tế phát triển.
Hà Nội cần được đầu tư tương xứng
Theo Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội), ông đồng tình với đề xuất như Nghị quyết, bởi trong đó có 7 cơ chế Quốc hội đã thông qua cho TP. Hồ Chí Minh trước đây, chỉ 2 cơ chế khác biệt.
Cụ thể, đại biểu này phân tích, Hà Nội xin sử dụng kinh phí chi thường xuyên còn dư để đầu tư cho công trình cấp bách, nghĩa là dùng tiền tiết kiệm chi thường xuyên cho chi đầu tư. Đây là chính sách đang khuyến khích thì không lý do gì chúng ta không đồng tình.
Về cơ chế sử dụng ngân sách thành phố hỗ trợ địa phương khác trong điều kiện khó khăn, đại biểu Cường cho rằng, đây là tinh thần “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”, nên cũng không có gì khó khăn.
Trước đó, khi thảo luận ở tổ, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ tán thành việc cần có một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Hà Nội vì Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là những đô thị lớn nhất cả nước, có tính đặc thù rất rõ, nếu không có các cơ chế chính sách đặc thù về tài chính - ngân sách thì sẽ khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn thành phố hồ Chí Minh) bày tỏ quan điểm, với góc độ là một người dân ở địa phương khác nhìn về Thủ đô, nhìn về Hà Nội trái tim của cả nước với một sự tin yêu, kính trọng, cả nước cùng hướng về Hà Nội, đại biểu mong muốn Hà Nội phát triển toàn diện.
“Hà Nội cần được đầu tư tương xứng để nâng tầm và nâng cao đời sống của người dân cả về đời sống vật chất lẫn văn hóa, tinh thần, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, có tính tiêu biểu”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, từ khi Luật Thủ đô có hiệu lực năm 2012 đến nay đã tác động tích cực đến sự phát triển của Hà Nội. Song thực tế triển khai Luật Thủ đô cũng còn rất nhiều vướng mắc cần phải có điều chỉnh, sửa đổi. Vì thế, lần này Chính phủ trình Quốc hội một số cơ chế tài khóa đặc thù cho Hà Nội là cần thiết.
Đại biểu này đề xuất, việc đầu tư đối với Thủ đô Hà Nội không phải chỉ là sử dụng nguồn lực ngân sách của thành phố mà còn cần được đầu tư từ ngân sách Trung ương, sự phối hợp đầu tư của các Bộ, ngành để cùng phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm.