Hà Nội nỗ lực cao nhất để hoàn thành xét nghiệm, tiêm chủng diện rộng
Ngày 8/9, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Sở chỉ huy công tác phòng, chống Covid-19 thành phố đã chủ trì giao ban trực tuyến giữa Sở Chỉ huy TP với Sở Chỉ huy các sở, ngành, quận, huyện, thị xã để triển khai thực hiện việc tăng tốc kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và triển khai kế hoạch xét nghiệm, tiêm chủng vaccine Covid-19 diện rộng.
Tại điểm cầu Sở Chỉ huy TP còn có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai; Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông, Phó Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy công tác phòng, chống Covid-19 TP. Dự giao ban còn có Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy công tác phòng, chống Covid-19 TP và đại diện một số sở, ngành thành phố.
11 tỉnh, thành phố sẽ hỗ trợ Hà Nội tiêm chủng, xét nghiệm
Phát biểu khai mạc giao ban, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Công điện số 20/CĐ-UBND ngày 6/9/2021 và kế hoạch xét nghiệm, tiêm chủng vaccine Covid-19 diện rộng của UBND TP, thời gian để triển khai xét nghiệm, tiêm chủng còn khoảng 1 tuần với khối lượng công việc lớn. Do đó, để triển khai các công việc cấp bách này, thành phố đã mời 11 tỉnh, thành phố hỗ trợ Hà Nội trong công tác tiêm chủng, xét nghiệm thần tốc cho toàn bộ người dân Thủ đô.
Tại buổi giao ban, đại diện các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã báo cáo về công tác xét nghiệm, tiêm chủng vaccine trên lĩnh vực, địa bàn được giao. Về kế hoạch xét nghiệm, tiêm chủng vắc xin Covid-19 diện rộng, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, cùng với sự hỗ trợ về nhân lực của 11 tỉnh, thành phố, Hà Nội đang tập trung mọi nguồn lực để thần tốc xét nghiệm diện rộng toàn thành phố. Đến ngày 15/9, tổ chức tiêm phòng mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi trên cơ sở số vaccine được Bộ Y tế phân bổ. Bên cạnh đó, thành phố cũng đẩy mạnh truyền thông về tiêm vaccine Covid-19 theo phương châm “vắc xin sớm nhất là vắc xin tốt nhất”.
Báo cáo với Sở Chỉ huy thành phố, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP cho biết, liên quan đến việc cấp giấy đi đường theo mẫu mới, đến 9h ngày 8/9, Công an thành phố đã cấp cho 526.992 trường hợp (98% tổng số đăng ký). Trong đó, có 222.018 giấy đi đường và 304.974 phiếu đi chợ, siêu thị. Cho biết trong 2 ngày 8/9 và 9/9 các đoàn của 11 tỉnh, thành phố sẽ đến Hà Nội để hỗ trợ thành phố xét nghiệm và tiêm chủng, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị Công an TP tạo điều kiện thuận lợi nhất để các phương tiện của các đoàn lưu thông qua các chốt kiểm soát.
Đặc biệt, Phó Bí thư Thành ủy cho biết, dư luận nhân dân vẫn còn có ý kiến khác nhau về việc cấp giấy đi đường. Do đó Công an TP cần bố trí ghi nhận, lắng nghe các ý kiến xác đáng để điều chỉnh cho hợp lý. “Công an TP cũng cần khẩn trương tham mưu cấp giấy đi đường liên vùng thế nào để bảo đảm đúng mục tiêu kiểm soát chặt chẽ giãn cách xã hội” - Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu kế hoạch xét nghiệm, tiêm chủng diện rộng cần bổ sung nhiệm vụ của Sở TT&TT Hà Nội trong việc quét, nhập dữ liệu xét nghiệm, tiêm chủng vào hệ thống của thành phố. Đồng thời giao nhiệm vụ cho Thành đoàn Hà Nội trong đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và cung cấp đội ngũ tình nguyện viên phục vụ lấy mẫu, tiêm chủng; phối hợp xây dựng các sản phẩm truyền thông để hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, để triển khai được việc này, Ban Cán sự Đảng UBND TP đã báo cáo và được Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đồng ý chủ trương, đối với vùng 1: “vùng đỏ”, vùng có nguy cơ rất cao, sẽ triển khai thực hiện 2 trong 1: vừa xét nghiệm diện rộng, vừa tiêm vaccine. Trung ương sẽ dành ưu tiên nguồn vaccine cho thành phố để tập trung triển khai xong mũi 1.
Để thực hiện kế hoạch này, ngành Y tế phải phát huy hết tất cả các lực lượng trên địa bàn bên cạnh sự hỗ trợ của 11 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, một phần rất quan trọng là chính quyền địa phương phải quan tâm để triển khai cùng ngành Y tế để triển khai bảo đảm tiến độ và chất lượng xét nghiệm và tiêm chủng. Do đó, các địa phương, đơn vị phải xây dựng kế hoạch, lập danh sách người dân, bảo đảm trật tự, khoảng cách, các yêu cầu phòng chống dịch trong quá trình thực hiện, không để lây nhiễm chéo trong quá trình xét nghiệm và tiêm chủng diện rộng.
Ban Thường vụ đã có chỉ đạo phân công các đồng chí Ban Thường vụ; UBND TP đã phân công các tổ công tác, các đồng chí lãnh đạo thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện.
Thực hiện xét nghiệm, tiêm chủng bài bản, khoa học, đồng bộ
Kết luận buổi giao ban, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, trước hết theo tinh thần “Hà Nội vì cả nước và cả nước vì Hà Nội”, các tỉnh, thành phố bạn sẽ cử các đoàn công tác đến chi viện cho Hà Nội trong công tác xét nghiệm và tiêm chủng, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của các địa phương đối với Hà Nội. Phó Bí thư Thành ủy BNguyễn Văn Phong cũng đề nghị các đơn vị, địa phương xây dựng ngay kế hoạch và chủ động phối hợp thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho các đoàn công tác của các tỉnh, thành phố hỗ trợ xét nghiệm và tiêm chủng.
Để thực hiện công tác xét nghiệm và tiêm chủng diện rộng trong thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị các sở, ngành, quận, huyện, thị xã lấy mẫu xét nghiệm phải theo vùng. Hiện tại thành phố phân thành 3 vùng chỉ mang tính chất tương đối, việc xác định vùng nào là vùng “đỏ”, “cam”, “xanh” thì Sở Y tế phải cập nhật bản đồ dịch tễ theo Bộ Y tế báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia, hướng dẫn ngay cho các quận, huyện, thị xã để xác định phân vùng lấy mẫu xét nghiệm phù hợp, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm. “Thường trực Thành ủy Hà Nội đã thống nhất thực hiện xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế” - Phó Bí thư Thành ủy nói.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng yêu cầu, tại vùng 1 thực hiện lấy mẫu xét nghiệm xong là tiêm chủng vaccine luôn nên khâu tổ chức rất quan trọng, đòi hỏi thực sự bài bản, khoa học, đồng bộ, tránh tập trung đông người. Tiêm vaccine xong phải bảo đảm nhập dữ liệu ngay để đưa lên hệ thống dữ liệu quốc gia. “Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm chung, tạo điều kiện tối đa cho ngành Y tế Thủ đô và các tỉnh, thành phố thực hiện công việc chuyên môn. Việc nhập dữ liệu, hướng dẫn, phân luồng thì các địa phương phải tổ chức nhân lực để thực hiện” - Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu.
Để bảo đảm tiến độ 12/9 hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm, các địa phương, đặc biệt là các quận có sự chỉ đạo đến tận khu dân cư, tổ dân phố, giám sát việc người dân đến lấy mẫu. “Lần này không phải lấy mẫu đại diện, nhất là tại các khu vực “vùng đỏ”, “vùng da cam” mà là lấy mẫu bắt buộc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cả thành phố chỉ cần sót vài trường hợp nhỏ lẻ có nguy cơ cao hoặc đang mang mầm bệnh thì công sức của cả thành phố sẽ đổ sông, đổ biển. Nếu ở địa bàn nào yêu cầu lấy mẫu 100% người dân mà để sót, xảy ra dịch bệnh thì Bí thư, Chủ tịch UBND phải chịu trách nhiệm” – Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nêu rõ.
Để đến ngày 15/9 tổ chức tiêm phòng vaccine Covid-19 mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi, Bộ Y tế sẽ cố gắng cao nhất để phân bổ cho thành phố đủ số vaccine. Do đó, thành phố phải nắm chắc danh sách số liệu cụ thể đến từng thôn, tổ dân phố; bố trí dây chuyền tiêm cho phù hợp; tính toán phương án tiêm buổi tối; bố trí cơ sở vật chất cho công tác tiêm chủng bảo đảm không tập trung đông người. Bên cạnh đó, để thực hiện công tác nhập dữ liệu, các địa phương cần tăng cường nhân lực để rút ngắn thời gian nhập dữ liệu.
“Tất cả các đơn vị, địa phương phải nỗ lực cố gắng cao nhất, không có ngày nghỉ, thậm chí lấy mẫu xét nghiệm cả vào buổi tối nhưng phải có tính kế hoạch và bảo đảm các điều kiện cần thiết, nhất là công tác phòng, chống dịch và sức khỏe cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế. Đồng thời căn cứ vào tình hình, cần linh hoạt trong điều động lực lượng tham gia lấy mẫu xét nghiệm. Cố gắng trong thời gian ngắn nhất hoàn thành các nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm diện rộng trên địa bàn thành phố” - Phó Bí thư Thành ủy lưu ý.
Phó Bí thư Thành ủy cũng cũng yêu cầu Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì, chỉ đạo Sở TT&TT, hệ thống tuyên giáo của thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để huy động tổng lực các nguồn lực, phối hợp hiệu quả với các tỉnh thành để đến ngày 12/9 và 15/9 hoàn thành 2 nhiệm vụ rất quan trọng là xét nghiệm diện rộng và tiêm chủng. “Đây là một công việc hệ trọng, rất quan trọng, trong thời gian ngắn, khối lượng công việc nhiều, vì vậy đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là ở cấp cơ sở, cùng với sự đồng lòng, ủng hộ của người dân thì chiến dịch mới thành công” – Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cần tập trung tuyên truyền trách nhiệm, quyền lợi của người dân trong việc lấy mẫu để tầm soát dịch bệnh trên địa bàn thành phố, nhất là tại “vùng đỏ” và “vùng cam”… Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu các ngành chức năng tập trung rà soát, nắm chắc dư luận thông tin nhất là trên mạng xã hội, đấu tranh, phản bác và xử lý những thông tin sai trái.