Hà Nội nỗ lực nâng cao chất lượng dân số

Là thành phố đông dân thứ hai trên cả nước, nhiều năm qua, chính quyền Thủ đô đã áp dụng những cách tiếp cận sáng tạo để giải quyết tình trạng bất bình đẳng và thu hẹp khoảng cách về phát triển kinh tế-xã hội giữa các vùng và nhóm dân cư. Công tác dân số đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô và đất nước.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP Hà Nội, tính đến hết tháng 6-2024, số con sinh thứ ba trở lên là 2.950 trẻ (đạt 6,6%), giảm 155 trẻ so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, tỷ lệ phụ nữ mang thai được tầm soát 4 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến ước đạt 79% (tăng 18,6%); tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát 5 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến ước đạt 82% (tăng 5%). Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 63%; số người mới áp dụng biện pháp tránh thai gần 417.000 người (đạt 103,2% kế hoạch năm 2024).

Trường Mầm non Victoria (phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) tổ chức cho các con vui chơi trong dịp hè.

Trường Mầm non Victoria (phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) tổ chức cho các con vui chơi trong dịp hè.

Tuy nhiên, với đặc thù là thành phố đông dân thứ hai của cả nước, mật độ dân cư cao hơn 8 lần mức trung bình cả nước, tỷ lệ tăng dân số hằng năm ở mức cao đã tạo áp lực không nhỏ cho công tác dân số. Một bộ phận người dân còn tâm lý muốn có nhiều con, còn tư tưởng trọng nam, khinh nữ dẫn đến tỷ số giới tính khi sinh của thành phố vẫn còn ở mức cao so với mặt bằng chung của cả nước. Tuổi thọ của người dân tăng cao, tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh đang là thách thức cần có kế hoạch ứng phó và những chính sách phù hợp nhằm bảo đảm tốt hơn sức khỏe, an sinh xã hội và quyền lợi của người cao tuổi.

Bác sĩ Vũ Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số TP Hà Nội chia sẻ, để tăng tỷ lệ khám sức khỏe tiền hôn nhân, ngay từ đầu năm 2024, Chi cục đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề về Luật Hôn nhân và gia đình; tầm soát, khám sàng lọc cho nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn; tuyên truyền kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên... Nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ ổn định quy mô dân số, TP Hà Nội đã đặt mục tiêu cụ thể đạt tỷ lệ sinh thay thế 2,1 con đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vào năm 2025. Vì vậy, công tác truyền thông đã chuyển hướng kêu gọi sinh đủ 2 con thay vì chỉ từ 1 đến 2 con như trước đây. TP Hà Nội đã chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, đặc biệt quan tâm đến nâng cao chất lượng dân số.

Ông Trần Văn Chung, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội chia sẻ, để nâng cao chất lượng dân số Thủ đô, nhiều mô hình đã được triển khai hiệu quả như: Mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng; mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên... Hiện nay, Hà Nội đang triển khai xây dựng thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn tại quận Bắc Từ Liêm. Từ đó, nhân rộng mô hình này trên địa bàn toàn thành phố. Ngoài ra, Hà Nội tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng, an toàn, hiệu quả; tăng cường thanh tra các hoạt động can thiệp lựa chọn giới tính thai nhi theo quy định để hạn chế tối đa chênh lệch giới tính khi sinh.

Bài và ảnh: DIỆP CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ha-noi-no-luc-nang-cao-chat-luong-dan-so-786354