Hà Nội nỗ lực tháo gỡ các điểm nghẽn giao thông
Trong năm 2024, TP Hà Nội đã xóa được 13/33 điểm ùn tắc giao thông. Với các điểm còn lại, Sở GTVT Hà Nội đang tiếp tục xử lý, đồng thời đề xuất TP thêm các phương án để tháo gỡ.
Xóa nhiều điểm “đen”
Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo, trong năm 2024, trên địa bàn TP có tổng số 33 điểm ùn tắc, gồm 11 điểm phát sinh mới và 22 điểm tồn tại từ năm 2023.
Để xử lý điểm ùn tắc này, Sở GTVT đã phối hợp với Công an TP và các cơ quan, đơn vị có liên quan thống nhất phương án điều chỉnh tổ chức giao thông, phân loại để xử lý những vị trí ùn tắc theo các nhóm nguyên nhân.
Trong đó, xác định nguyên nhân do rào chắn phục vụ thi công các công trình gồm 13 điểm; Nguyên nhân do chậm triển khai công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch 14 điểm; Đề xuất bổ sung quy hoạch đầu tư xây dựng cơ bản kết cấu hạ tầng giao thông 2 điểm; Nguyên nhân do quá tải lưu lượng phương tiện lên hạ tầng giao thông hiện trạng 4 điểm.
Năm 2024, Sở GTVT đã tiến hành xử lý được 13/33 điểm ùn tắc giao thông, gồm: Khu vực đường Nguyễn Trãi cạnh hầm chui Thanh Xuân hướng đi Nguyễn Xiển; Nút giao Sa Đôi - Đường 70; Đường Nguyễn Xiển đoạn từ Nguyễn Trãi đến đường Phạm Tu (đường bao quanh Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An); Nút giao Lê Đức Thọ - Hàm Nghi - Nguyễn Hoàng;
Nút giao Lê Đức Thọ - Hồ Tùng Mậu - Trần Vỹ; Đầu Cầu Mai Dịch (hướng từ đường Phạm Văn Đồng đi Phạm Hùng); Nút giao cầu vượt Mai Dịch; Đường Hoàng Đạo Thành (đoạn trước Trường cấp 1,2 Kim Giang); Nút giao Dốc Thúy Lĩnh - Đê Nguyễn Khoái; Nút giao Âu Cơ - Tứ Liên; Nút giao Âu Cơ - Xuân Diệu; Nút giao Bằng Liệt - Nghiêm Xuân Yêm - Đường bờ trái Sông Lừ; Nút giao Tam Trinh - Tân Mai (Cầu Đền Lừ).
Trong năm 2024, Sở GTVT cũng đã ban hành 53 thông báo liên quan tới công tác tổ chức giao thông; Đồng thời từ ngày 11/11/2024 đến nay đã bố trí lực lượng tại 143 vị trí, khu vực trực chốt (98 vị trí phối hợp với Phòng CSGT, 45 vị trí phối hợp với Công an quận, huyện) thực hiện nhiệm vụ phân luồng chống ùn tắc giao thông.
Phân công cán bộ, nhân viên ứng trực tại các đơn vị trong giờ cao điểm sáng từ 6h30 - 8h00, chiều từ 17h00 - 19h00. Qua đó, kịp thời xử lý, giải quyết các tình huống ùn tắc và sự cố mất an toàn giao thông, cơ bản đảm bảo việc đi lại của Nhân dân trên các tuyến đường.
Đề xuất xây thêm 5 cầu vượt nhẹ
Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo, thời gian tới Sở GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp để tiếp tục xử lý các điểm ùn tắc.
Sở GTVT Hà Nội cũng vừa đề xuất UBND TP xây dựng mới 5 cầu vượt nhẹ bằng thép tại một số nút giao có lưu lượng phương tiện lớn nhằm giảm ùn tắc và tăng khả năng kết nối giao thông.
Dự kiến, 5 cầu vượt nhẹ sẽ được xây dựng tại các nút giao: Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo (quận Nam Từ Liêm); Cổ Linh - Thạch Bàn (quận Long Biên); Hoàng Minh Giám - Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân); Cổ Bi - Ngô Xuân Quảng (huyện Gia Lâm); Nguyễn Huy Nhuận - Lý Thánh Tông (huyện Gia Lâm).
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, nút giao Cổ Linh - Thạch Bàn có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn vào giờ cao điểm, đặc biệt là sau khi hoàn thành cầu Vĩnh Tuy 2. Tại nút giao này, hiện Sở GTVT đang thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông theo hướng cấm các phương tiện sẽ trái từ đường Cổ Linh vào đường Thạch Bàn và điều chỉnh cho các phương tiện đi vào các ngõ 541 Bát Khối, 33 Cổ Linh, 191 Thạch Bàn để giảm áp lực giao thông.
Cùng với đó điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu phù hợp với phương án điều chỉnh tổ chức giao thông; bố trí lực lượng hướng dẫn phân luồng.
Các vị trí còn lại cũng đều là khu vực có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm. Việc triển khai xây dựng cầu vượt nhẹ là giải pháp hiệu quả nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc tại các nút giao.
Bên cạnh đó, Sở GTVT sẽ tiếp tục duy trì 4 tổ công tác phối hợp với các phòng, ban chức năng trực thuộc Sở, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng nắm tình hình về trật tự giao thông, trật tự đô thị tại các điểm nút giao thông, khu vực, tuyến đường có nguy cơ phát sinh ùn tắc; Phối hợp với Ban duy tu để thông tin các sự cố và bất cập trong công tác tổ chức giao thông để kịp thời tham mưu, đề xuất phương án giải quyết.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, nghiên cứu các tuyến đường đủ điều kiện để phân làn phương tiện; Phối hợp áp dụng khoa học công nghệ trong công tác nghiên cứu, khảo sát về tình hình giao thông trên một số tuyến đường, nút giao có nguy cơ ùn tắc giao thông để làm cơ sở để tham mưu, đề xuất, đưa ra các giải pháp đầu tư hạ tầng giao thông cho phù hợp.
Các chuyên gia kỳ vọng, cùng với việc tăng nặng mức xử phạt hành chính về vi phạm giao thông bước đầu đã tạo nên những chuyển biến nhất định trong ý thức của người dân Thủ đô, giúp giao thông diễn ra văn minh, trật tự, thì việc kết hợp nhiều biện pháp gồm: điều chỉnh tổ chức giao thông, điều chỉnh đèn tín hiệu, bố trí lực lượng chức năng ứng trực phân luồng và đề xuất thêm phương án chống ùn tắc như xây cầu vượt nhẹ, trong năm 2025, Hà Nội sẽ tiếp tục kéo giảm các điểm ùn tắc giao thông, tạo thuận lợi cho người dân trong di chuyển, giao thương và phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-no-luc-thao-go-cac-diem-nghen-giao-thong.html