Hà Nội ô nhiễm mịt mù, mỗi phút chần chừ thêm gánh nặng môi trường cho con cháu

Hà Nội những ngày này bầu trời mờ mịt như sương mù. Còn các chỉ số đo đếm cho thấy Hà Nội liên tục 'bị giữ kỷ lục là thành phố ô nhiễm nhất thế giới'. Điều này cần phải thay đổi để người dân được sống trong môi trường thực sự trong lành.

Những ngày Hà Nội “đỏ, nâu, tím”

Nhiều ngày gần đây, theo hệ thống quan trắc không khí IQAir, Hà Nội liên tiếp đứng đầu danh sách thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới.

Nguyên nhân chính của vấn nạn này đến từ bụi mịn cùng với nguồn phát thải khổng lồ từ các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Nhìn những “sát thủ vô hình” đang ngày ngày âm thầm gây nguy hiểm đến sức khỏe con người, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam không khỏi âu lo.

Vì sao các hạt bụi mịn PM2.5 nhỏ li ti có kích thước đường kính nhỏ hơn 1/30 sợi tóc lại khiến mọi người lo lắng như vậy?

Hà Nội đang trong những ngày ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: L.B

Hà Nội đang trong những ngày ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: L.B

Theo thống kê, trung bình một người hít vào và thở ra khoảng 22.000 lần một ngày, mỗi lần hít khoảng 500ml lượng khí, như vậy hàng ngày cần 10.000 lít không khí để thở. Bụi mịn PM2.5 với các chất độc hại luôn hiện hữu trong không khí, khi hít thở, PM2.5 có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu.

Ô nhiễm không khí có tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch, làm tăng nguy cơ đau tim và tỷ lệ đột quỵ. Phụ nữ sống trong khu vực ô nhiễm không khí có nguy cơ sinh con tự kỉ cao gấp 2 lần so với bình thường. Ô nhiễm không khí cũng được cho là liên quan đến sự giảm chất lượng tinh trùng, gây ảnh hưởng đến khả năng có con của nam giới.

“Thật đáng lo ngại”, ông Tùng nói.

Theo vị chuyên gia này, Hà Nội là một thành phố lớn với 12 quận nội thành, 18 huyện ngoại thành, có sự khác biệt về chất lượng không khí và các nguồn ô nhiễm giữa các quận nội thành và các huyện ngoại thành.

Ở các huyện ngoại thành, các nguồn ô nhiễm là các cơ sở sản xuất công nghiệp, các làng tái chế giấy, nhựa, kim loại, đốt rác đốt rơm rạ sau thu hoạch, các cơ sở chăn nuôi. Trong khi đó, các quận nội thành ngoài xây dựng các công trình đô thị, sửa chữa hạ tầng đường sá vỉa hè, đốt rác, thì thủ phạm gây ô nhiễm chính là các phương tiện giao thông cá nhân chạy xăng dầu, với hơn 6 triệu xe máy, gần 800.000 ô tô động cơ đốt trong ngày đêm nhả khói.

Chuyển đổi sang giao thông xanh ngày càng bức thiết. Ảnh: L.B

Chuyển đổi sang giao thông xanh ngày càng bức thiết. Ảnh: L.B

Tiên phong lấy lại bầu trời trong xanh cho Hà Nội

“Hà Nội của chúng ta cần trở thành biểu tượng của sự quyết tâm và hành động mạnh mẽ vì một Thủ đô xanh, sạch, đáng sống. Mỗi phút chần chừ hôm nay đều đang góp phần làm nặng thêm gánh nặng môi trường mà con cháu chúng ta phải gánh chịu ngày mai”, TS Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh.

Vì thế, ông Tùng thấy cảm kích khi Tập đoàn Vingroup chính thức phát động chiến dịch “Vì Thủ đô trong xanh”, với mục tiêu góp sức đưa Hà Nội trở lại với vẻ đẹp trong lành, an toàn và thân thiện với môi trường.

“Chúng tôi đánh giá cao vai trò tiên phong và hành động quyết liệt của Vingroup trong việc giảm thiểu ô nhiễm không khí: Tháng 6/2024, Tập đoàn đã phát động chiến dịch “Mãnh liệt Tinh thần Việt Nam - Vì Tương lai xanh” với nhiều chính sách mạnh mẽ để thúc đẩy chuyển đổi xanh, tạo nhiều cơ hội để người dân chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện.

Bước sang 2025, trước tình trạng ô nhiễm cực điểm của Thủ đô, Vingroup lại 1 lần nữa vào cuộc với hành động quyết liệt và chính sách hỗ trợ mạnh mẽ với Chiến dịch “Vì Thủ đô trong xanh”, TS Hoàng Dương Tùng chia sẻ.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định: “Người dân Hà Nội đã bức xúc từ lâu về tình trạng ô nhiễm không khí, và tuần qua khi Hà Nội được xếp hạng là thành phố ô nhiễm nhất thế giới, sự bức xúc này càng gia tăng.

Theo bà Lan, trong điều kiện ô nhiễm như hiện nay, người dân cần được khuyến cáo chăm sóc sức khỏe, đồng thời chính quyền phải nhanh chóng đưa ra những cam kết và hành động mạnh mẽ để cải thiện chất lượng không khí.

“Việc Vingroup tiên phong hành động là một điều rất đáng ghi nhận”, theo bà Lan.

Bà Lan nhấn mạnh: “Sự tiên phong của Vingroup thể hiện trách nhiệm đáng quý đối với sự phát triển của Thủ đô. Tập đoàn đã đóng góp cụ thể bằng cách đưa ra các dòng xe xanh, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm. Những chính sách tài chính hỗ trợ của Vingroup cũng là sự hy sinh một phần lợi ích riêng để phục vụ cộng đồng. Hiển nhiên, doanh nghiệp nào cũng mong muốn lợi nhuận cao, nhưng Vingroup đã đặt lợi ích chung lên trên, và đó là điều rất đáng trân trọng.”

Bà Phạm Chi Lan cũng thẳng thắn đánh giá, giao thông là tác nhân gây ô nhiễm lớn nhất tại nội đô, chiếm tới 70%. “Trách nhiệm của hệ thống giao thông công cộng là phải tiên phong trong việc thay đổi, bởi với chục triệu người sinh sống và làm việc tại Hà Nội, khó có thể yêu cầu họ thay đổi ngay lập tức. Tuy nhiên, chính quyền lẽ ra cần triển khai cải thiện hệ thống giao thông công cộng nhanh hơn và hiệu quả hơn.”

Bầu không khí không phải là của riêng ai. Ai cũng muốn được nhìn thấy và sống trong một bầu trời trong xanh. Những con số bụi mịn PM2.5 liên tục vượt ngưỡng cho phép không chỉ là những con số khô khan, mà chính là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe hàng triệu người dân, đặc biệt là trẻ em, người già và những người mắc bệnh mãn tính.

Ông Tùng ví von Hà Nội của chúng ta đang đối mặt với một "cuộc khủng hoảng không khí" mà nếu không hành động ngay lập tức và thật sự quyết liệt, cái giá phải trả sẽ không chỉ là tài chính, mà còn là sức khỏe, thậm chí là tính mạng và tương lai của thế hệ sau.

Song một mình Vingroup không thể thay đổi được tình trạng ô nhiễm trầm trọng hiện nay.

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cũng thẳng thắn chia sẻ: Nỗ lực lấy lại sự trong lành cho bầu trời Thủ đô không phải là trách nhiệm của riêng ai. Đó là lời kêu gọi xuất phát từ trái tim, cần đến sự chung tay của cả cộng đồng, từ các cơ quan quản lý tới các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và mỗi cá nhân đang sống, học tập và làm việc trên địa bàn Hà Nội. Từng hành động nhỏ, từ việc sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng túi nylon, hay trồng thêm một cây xanh, đều có thể tạo ra sự khác biệt lớn.

TS Hoàng Dương Tùng kêu gọi: “Tôi mong tất cả chúng ta, mỗi người dân, doanh nghiệp chung tay cùng chính quyền bằng những hành động của mình góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí. Với mỗi người dân, sự chung tay có thể bắt đầu từ những việc thường ngày như ưu tiên lựa chọn phương tiện di chuyển xanh, như xe buýt, xe máy, ô tô điện…”.

Ở góc độ quản lý, TS Hoàng Dương Tùng cho rằng: Việt Nam cần xem xét những chính sách khuyến khích người dân chuyển đổi sang xe điện đã được các nước áp dụng thành công như: hỗ trợ tài chính cho người dân chuyển đổi sang xe điện, miễn lệ phí trước bạ cho xe điện, tạo điều kiện về mặt bằng xây dựng trạm sạc…

Ngày 10/1, UBND Thành phố Hà Nội phối hợp với Tập đoàn Vingroup tổ chức lễ phát động chiến dịch "Vì Thủ đô trong xanh".

Ngay từ ngày 10/1, Vingroup và các công ty trong hệ sinh thái di chuyển xanh gồm VinFast, VinBus, GSM, FGF sẽ đồng loạt triển khai nhiều hoạt động và chính sách hỗ trợ ý nghĩa cho khách hàng mua, thuê và sử dụng xe điện hàng ngày.

Cụ thể, VinFast hỗ trợ lên tới 70 triệu đồng cho tất cả khách hàng mua xe ô tô điện và đăng ký biển số lưu hành tại Hà Nội từ ngày 10/01/2025 đến hết ngày 31/01/2026. Mức hỗ trợ cụ thể sẽ tương ứng với từng dòng xe và hình thức mua xe kèm pin hoặc thuê pin, dao động từ mức 3,6 triệu đồng (cho xe VF 3 thuê pin) đến 70 triệu đồng (cho xe VF 9 mua pin).

Đối với khách hàng mua xe máy điện và xe đạp điện, mức hỗ trợ sẽ dao động từ 500.000 đồng (cho xe Evo200 thuê pin) đến 3.000.000 đồng (cho xe Theon S mua pin).

Hạnh Nguyên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ha-noi-o-nhiem-mit-mu-moi-phut-chan-chu-them-ganh-nang-moi-truong-cho-con-chau-2362052.html