Hà Nội phân cấp, ủy quyền xây dựng đô thị thông minh: Bài 4- 'Rào cản' từ các quy định pháp luật
Hà Nội thu được nhiều kết quả trong phân cấp, ủy quyền, cải cách hành chính do đã đúc rút kinh nghiệm từ các nước tiên tiến cũng như cách làm bài bản.
Tuy nhiên, do thực hiện tiên phong về phân cấp, ủy quyền cùng với Hà Nội là một siêu đô thị nên quy mô dân số đông, hạ tầng lại đang trong quá trình hoàn thiện, phát sinh nhiều vấn đề dân sinh bức xúc hơn các tỉnh, thành phố khác. Trong khi đó, những quy định của pháp luật chưa được điều chỉnh phù hợp, khiến một số công việc trong phân cấp, ủy quyền, cải cách hành chính của Thủ đô bị “bó”, khó triển khai ở cấp cơ sở.
Chưa thông suốt quản lý một số lĩnh vực
Thành phố Hà Nội đang hướng tới triển khai xây dựng thành phố thông minh. Tại đó, hệ thống điện, giao thông, chiếu sáng được ứng dụng công nghệ điều khiển từ xa, linh hoạt. Trong đó, hệ thống chiếu sáng công cộng là một trong những công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị quan trọng phục vụ mục đích công cộng, đòi hỏi phải ứng dụng công nghệ thông minh sớm và đồng bộ nhằm tạo diện mạo khang trang cho bộ mặt đô thị.
Từ hai năm nay, hệ thống chiếu sáng của Hà Nội bị “cắt vụn” do phân cấp. Tức là hệ thống chiếu sáng ở những tuyến đường lớn có tên sẽ thuộc cấp thành phố quản lý; cấp quận chịu trách nhiệm duy tu, duy trì, vận hành hệ thống chiếu sáng ngõ xóm, tuyến đường mới do quận, huyện làm chủ đầu tư.
Việc phân cấp này đem lại hiệu quả trong quá trình đầu tư, thay thế, duy trì. Bóng hỏng, đường dây đứt cấp quận, huyện có thể triển khai thay thế ngay. Nhưng nhìn nhận dưới góc độ triển khai công việc, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên chiếu sáng đô thị thành phố lại đưa ra những bất cập.
Hà Nội là đô thị có quy mô hệ thống chiếu sáng công lớn thứ hai cả nước, với tuyến chiếu sáng dài hơn 5.300km trên địa bàn 30 quận, huyện, hơn 212.000 bộ đèn các loại, hơn 2.700 tủ điều khiển chiếu sáng. Trong khi đó, theo yêu cầu kỹ thuật chuyên ngành, những thiết bị chiếu sáng kể trên phải được đặt dưới sự quản lý, điều hành của một trung tâm duy nhất ở cấp thành phố. Song khi phân cấp, các tuyến đường dây, tủ điều khiển phải bàn giao về phía quận, huyện. Cái khó ở chỗ, trước đây, một tủ có chức năng điều khiển ở hai tuyến phố, ngõ thuộc hai địa bàn khác nhau. Do yêu cầu của phân cấp, Công ty chiếu sáng của thành phố phải đi làm việc cực chẳng đã, bóc tách từng tuyến đường dây, tủ điều khiển bàn giao cho quận, huyện quản lý.
Khi bàn giao cũng chưa hết khó khăn. Do năng lực quản lý chiếu sáng khác nhau nên quận, huyện lại phải tìm đến Công ty chiếu sáng thành phố để ký hợp đồng quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng. Rõ ràng việc này gây tốn kém, phiền hà cho công tác quản lý. Hơn nữa, việc “chia nhỏ” hệ thống chiếu sáng ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng mạng lưới chiếu sáng thông minh của thành phố. Vì không thể nếu mỗi quận, huyện trên địa bàn lại đầu tư, điều hành hệ thống chiếu sáng theo kiểu riêng của mình.
Tương tự, ở lĩnh vực thoát nước của thành phố đang gặp phải “tắc nghẽn” trong thực hiện phân cấp. Hệ thống thoát nước được ví như “mạch máu” của cơ thể sống, không thể tắc nghẽn ở khu vực nào. Hệ thống thoát nước được điều hành đảm bảo theo lưu vực, nguyên tắc từ chỗ cao chảy xuống chỗ thấp.
Khi thành phố thực hiện phân cấp, hệ thống thoát nước ngõ, xóm được giao cho quận, huyện quản lý. Từ đây, quận huyện tổ chức đấu thầu quản lý vận hành thoát nước ngõ, xóm cho địa phương mình. Theo đó, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã trúng thầu việc duy trì, đảm bảo hệ thống thoát nước ở quận, huyện.
Với phương châm “mạnh ai người nấy làm” theo tư duy “chiến thuật” riêng của từng doanh nghiệp, hệ thống thoát nước của thành phố bị vướng vào sự không đồng bộ trong vận hành.
Trao đổi về nội dung này, ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên thoát nước Hà Nội nêu dẫn chứng, “cơ thể sống” sẽ hoạt động tốt khi cách “mạch máu” đều thông thoáng. Trường hợp một đường cống lớn thông thoáng, còn trong ngõ xóm bị ùn ứ bùn rác nước cũng sẽ không thể lưu thông được và ngược lại. Do đó, cần có “nhạc trưởng” cho việc nạo vét, điều hành hệ thống tiêu thoát nước của thành phố. Còn “năm cha, ba mẹ” như hiện nay sẽ có thể ảnh hưởng đến hiệu quả chống úng ngập trên địa bàn.
Quy định còn chồng chéo ngáng trở phân cấp, ủy quyền
Qua tìm hiểu tại Hà Nội, ở lĩnh vực thủy lợi, một số đơn vị không hoàn thành bàn giao được công trình thủy lợi theo phân cấp. Hay ở lĩnh vực quản lý rừng, lãnh đạo UBND một số huyện như Quốc Oai, Mỹ Đức và Sóc Sơn cũng chia sẻ, theo phân cấp, cấp huyện có trách nhiệm đầu tư, quản lý sau đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ bảo vệ, hỗ trợ trồng rừng sản xuất. Tuy nhiên, hiện còn một số hạng mục chưa thực hiện bàn giao xong theo phân cấp của thành phố.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà thông tin, Sở được phân công ủy quyền 90/191 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước. Hiện nay, trang thiết bị kỹ thuật và phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, chưa kết nối, vận hành thống nhất trong toàn thành phố dẫn đến hiệu quả sử dụng còn chưa cao, hồ sơ nhận qua dịch vụ bưu chính công ích chưa nhiều…
Trước những dẫn chứng như vừa nêu, UBND thành phố Hà Nội thừa nhận đang gặp phải một số vướng mắc trong quá trình phân cấp trên địa bàn. UBND thành phố cho rằng, quyết định phân cấp là rất quan trọng nhưng phức tạp và khó.
Hệ thống pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của một số ngành, lĩnh vực còn chồng chéo, chưa phân định rõ giữa việc phân cấp của cấp tỉnh, thành phố cho cấp huyện. Cụ thể, đối với nhóm thủ tục hành hành chính ủy quyền do Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung) chưa quy định rõ các cơ quan, đơn vị được ủy quyền; các luật chuyên ngành còn chưa thống nhất và quy định cụ thể thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính cho cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện. Do “bó” từ các quy định pháp luật, hiện nay, thành phố mới chỉ ban hành 485/617 quy trình nội bộ; còn 132 chưa thủ tục chưa ban hành hành được, khiến cấp dưới khó thực hiện.
UBND thành phố cũng cho biết, qua giám sát, thành phố nhận thấy, ý thức của một số cán bộ nhất là người đứng đầu chưa thực sự quan tâm đến thực hiện nhiệm vụ phân cấp, ủy quyền; chưa chủ động nghiên cứu văn bản, vận dụng chính sách, còn tư tưởng ỷ lại trông chờ cấp trên “cầm tay chỉ việc” trong triển khai nhiệm vụ chuyên môn theo phân cấp; chưa quán triệt tinh thần trách nhiệm, quyền hạn của cấp chính quyền nào thì cấp đó phải làm.
Ở góc độ pháp lý, Tiến sỹ Luật Đỗ Thị Phương, Giảng viên Học Viện Tài chính nêu, tại Điều 14 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định: “…Cơ quan, tổ chức được ủy quyền phải thực hiện đúng nội dung và chịu trách nhiệm trước cơ quan hành chính nhà nước cấp trên về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được ủy quyền. Cơ quan, tổ chức nhận ủy quyền không được ủy quyền tiếp cho cơ quan, tổ chức khác thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được cơ quan hành chính nhà nước cấp trên ủy quyền”.
Rõ ràng, việc phân cấp, ủy quyền, cải cách hành chính của Hà Nội đang gặp những “rào cản” đến từ nguyên nhân khách quan và chủ quan, đòi hỏi được quan tâm, tháo gỡ trong thời gian tới.