Hà Nội: Phấn đấu 100% người dân nông thôn được dùng nước sạch vào năm 2025
Vừa qua, Sở Xây dựng Hà Nội có văn bản kiến nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương lên phương án để hoàn thiện Đề án cấp nước sạch trên địa bàn TP. Do tiến độ triển khai chậm và không có đề xuất dự án mới trong năm 2020, nên TP Hà Nội chưa hoàn thành mục tiêu phấn đấu 100% người dân khu vực nông thôn có nước sạch, kế hoạch này dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2025.
Theo báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng, khu vực phía Bắc có 90 đơn vị hành chính cấp xã thuộc các huyện: Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn hiện vẫn còn 21/90 xã chưa được đầu tư hệ thống cấp nước sạch. Phía Tây có 148 đơn vị hành chính thuộc các huyện: Thạch Thất, Đan Phượng, Phúc Thọ, Hoài Đức, Quốc Oai, Ba Vì và thị xã Sơn Tây còn 113/148 xã chưa được đầu tư hệ thống cấp nước sạch.
Phía Tây Nam gồm có 105 đơn vị hành chính thuộc các huyện: Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, hiện còn 75/105 xã chưa được đầu tư hệ thống cấp nước sạch. Phía Nam có 73 đơn vị hành chính thuộc các huyện: Thanh Trì, Phú Xuyên, Thường Tín đã có 38/73 xã được đầu tư hệ thống nước sạch, các xã còn lại đã giao nhà đầu tư thực hiện.
Văn bản của Sở Xây dựng cũng chỉ ra rằng, do tiến độ triển khai một số dự án chậm và không có đề xuất đầu tư các dự án mới trong năm 2020, nên chưa hoàn thành mục tiêu phấn đấu 100% người dân ở khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch vào năm 2020 như đã đề ra.
Do vậy, để hoàn thành kế hoạch đến năm 2025, 100% người dân các khu vực nông thôn của Hà Nội được sử dụng nước sạch, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP giao các sở, ngành liên quan một số công việc cụ thể như sau:
Sở NN&PTNT tổ chức tập huấn người dân khu vực nông thôn chưa có hệ thống cấp nước tập trung khai thác, xử lý nước bằng các mô hình cấp nước hộ gia đình đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt phục vụ Nhân dân. Khẩn trương đề xuất, tổ chức triển khai việc chuyển đổi mô hình quản lý các công trình nước sạch tập trung nông thôn đã được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách hoàn thành trong năm 2021.
Sở Tài chính chủ trì cùng các đơn vị liên quan hướng dẫn thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư nước sạch cho khu vực nông thôn thống nhất trên địa TP theo Quyết định số 131/2009/QĐ TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng phương án giá bán nước phù hợp với quy định hiện hành và điều kiện thực tế hiện nay ở khu vực nông thôn. Đề xuất cơ chế tài chính huy động đóng góp của người dân cho chi phí lắp đặt đồng hồ và khấu trừ vào tiền nước sử dụng.
Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan xây dựng tờ trình UBND TP ban hành cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho DN trong hoạt động đầu tư cấp nước nông thôn trên địa bàn, đặc biệt khu vực các xã miền nùi, vùng sâu, vùng xa... Thực hiện điều chỉnh dự án, hoặc triển khai chậm theo quy định thu hồi các dự án không triển khai thực hiện.
Quỹ Đầu tư phát triển TP xây dựng phương án nghiệp vay vốn từ Quỹ để triển khai các dự án cấp nước nông thôn.
UBND các huyện, thị xã Sơn Tây thường xuyên kiểm tra tiến độ triển khai các dự án cấp nước sạch và việc quản lý, sử dụng nước sạch trên địa bàn. Chỉ đạo, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trong công tác GPMB, phê duyệt tổng mặt bằng (đặc biệt đối với trạm bơm tăng áp tại Yên Sở và Sơn Đồng)... các dự án cấp nước trên địa bàn, báo cáo UBND TP những vấn đề vượt thẩm quyền. Vận động người dân đấu nối sử dụng nước sạch và tuyên truyền về tầm quan trọng của nước sạch với sức khỏe.
Ban Quản lý dự án đầu tư cấp thoát nước và môi trường TP phối hợp các địa phương, chủ đầu tư rà soát, đề xuất dự án cấp nước theo hình cụm hộ tại các khu vực vùng đồi núi không thể kết nối với hệ thống mạng cấp nước tập trung thuộc những xã miền núi của huyện Thạch Thất, Chương Mỹ, Ba Vì... bao gồm phương án quản lý vận hành sau đầu tư.