Hà Nội phấn đấu khởi công thêm 3 tuyến đường sắt đô thị vào năm 2025
Một trong những giải pháp để tăng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt chỉ tiêu Chương trình 03-Ctr/TU là phấn đấu hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và khởi công thêm 3 tuyến đường sắt đô thị trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025", Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-Ctr/TU đã ghi nhận những kết quả đạt được, đồng thời nêu ra một số chỉ tiêu khó hoàn thành, cần tập trung chỉ đạo. Trong số đó có chỉ tiêu về tỷ lệ vận tải hành khách công cộng.
Những yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện chỉ tiêu
Nói về những nguyên nhân khiến tỷ lệ này còn thấp, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, để thực hiện Chương trình 03-CTr/TU, Sở Giao thông-Vận tải đã ban hành các kế hoạch, xây dựng các giải pháp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, đã gặp phải hàng loạt khó khăn, thách thức, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đạt được chỉ tiêu như dịch Covid-19; Dân số cơ học tăng nhanh cùng với phương tiện giao thông cá nhân, nhất là ôtô con, trong khi hàng năm diện tích quỹ đất dành cho giao thông chỉ tăng khoảng 0,2 - 0,3%. Việc di dời các trường đại học, cao đẳng, bệnh viện, trụ sở cơ quan... ra các khu quy hoạch tập trung của Thành phố còn chậm khiến cho tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra, xe buýt di chuyển rất vất vả, thời gian đợi xe và di chuyển đều bị kéo dài, biểu đồ vận hành xe chưa đảm bảo.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải của Thành phố đang trong quá trình đầu tư xây dựng, dẫn đến hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng chưa đồng bộ, chưa phát huy được lợi thế năng lực cung ứng của hệ thống vận tải hành khách công cộng và chi phí đi lại so với phương tiện cá nhân.
Mạng lưới vận tải hành khách công cộng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị. Hiện nay, trừ 16km làn đường riêng dành cho xe BRT tại Hà Nội, ở các thành phố còn lại, xe buýt chưa có làn đường riêng để hoạt động, mà phải chạy chung làn đường với các phương tiện khác. Cùng đó, mật độ mạng lưới xe buýt phân bố không đều, tập trung chủ yếu tại các khu vực nội thành. Việc tiếp cận dịch vụ vận tải hành khách công cộng vẫn chưa đủ sức hấp dẫn nhu cầu đi lại, dẫn đến việc dùng phương tiện tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân vẫn là phổ biến...
Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho biết, để khắc phục những khó khăn trên, trong thời gian tới, ngành giao vận tải Thủ đô sẽ tiếp tục tập trung, nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các bãi đỗ xe, phát triển các tuyến buýt nhằm thu hút người dân tham gia sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
Đồng thời, triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông vận tải theo quy hoạch. Hoàn thành xây dựng các công trình cấp bách đảm bảo an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông; Đẩy nhanh xây dựng các bến xe, các bãi đỗ xe ngầm trong vành đai 3 và một số bãi đỗ xe ngầm, nổi và cao tầng khác để tăng, đáp ứng đủ tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông; Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.
Đôn đốc các dự án chậm tiến độ để hoàn thành chỉ tiêu
Về giải pháp tăng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thành phố, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho rằng, phải thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ cơ bản, lâu dài như phấn đấu hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và khởi công thêm 3 tuyến đường sắt đô thị trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, bao gồm: Tuyến số 5 đoạn Văn Cao - Hòa Lạc và Tuyến số 3 đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai; Tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại làm cơ sở khởi công trong giai đoạn 2025- 2030.
Đầu tư các tuyến đường, công trình giao thông khung kết nối khu vực đô thị trung tâm với 5 đô thị vệ tinh và kết nối Thủ đô với các tỉnh, địa phương thuộc vùng Thủ đô, thông qua các tuyến đường hướng tâm; từng bước hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối cho các địa bàn còn khó khăn về giao thông, phục vụ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Phối hợp với các chủ đầu tư có liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành tuyến đường sắt đô thị số 3 (Nhổn - ga Hà Nội) đưa vào khai thác sử dụng phục vụ Nhân dân. Triển khai thí điểm loại hình xe đạp công cộng để kết nối giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn (xe buýt, đường sắt đô thị, BRT...) và mô hình điểm đỗ xe hợp đồng, xe du lịch kết hợp dịch vụ hỗ trợ theo hệ thống liên hợp kinh doanh hoạt động vận tải công cộng.
Từ thực tiễn, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, thành viên Ban chỉ đạo, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tiếp tục nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trực tiếp của các thành viên Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình đạt hiệu quả. Với các chỉ tiêu khó thực hiện, cần rà soát để tập trung chỉ đạo để tìm giải pháp khắc phục nhằm đẩy nhanh tiến độ; tăng cường đôn đốc các dự án chậm tiến độ, trong đó có dự án thí điểm đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội kéo dài tiến độ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng.