Hà Nội phấn đẩu tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95% dân số
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đề nghị Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP tập trung thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu giai đoạn 2020-2025. Trong đó, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 95% dân số.
Sáng 13/6, BHXH Hà Nội triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, đánh giá kết quả 25 năm thực hiện chính sách BHXH trên địa bàn TP Hà Nội (ngày 15/6).
Tới dự có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý.
Phó giám đốc BHXH Hà Nội Đàm Thị Hòa cho biết, 25 năm qua, BHXH Hà Nội đã không ngừng lớn mạnh và phát triển cả về bộ máy và đội ngũ cán bộ. BHXH TP luôn phối hợp hiệu quả với các sở, ban, ngành trong việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp về BHXH, BHYT của người lao động.
Với công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN, năm 1995 có 13,9% dân số tham gia BHYT, đến năm 2016, tỷ lệ bao phủ BHYT là 81,9%, hoàn thành vuợt chỉ tiêu bao phủ BHYT toàn dân đề ra (chỉ tiêu đề ra đến 2020 có 80% dân số tham gia BHYT), hết năm 2020, chỉ tiêu bao phủ BHYT đạt trên 90%.
Số người tham gia BHXH bắt buộc năm 1995 là 316.448 người tăng lên 1.763.033 vào năm 2019 (tăng 1,4 triệu người, tăng 555% so với năm 1995). Kế hoạch thực hiện năm 2020, số người tham gia là 1.824.178 người, chiếm 95% số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2008 là 891 người, tăng lên 35.698 người vào năm 2019 (tăng 34.807 người, tăng 3.935% so với năm 2008).
Kế hoạch thực hiện năm 2020, số người tham gia BHXH tự nguyện là 46.407 người. Số người tham gia BHTN năm 2009 là 701.109 người, tăng lên 1.695.166 người vào năm 2019 (tăng 994.057 người, tăng 241,7% so với năm 2009). Kế hoạch thực hiện năm 2020, số người tham gia là 1.670.787 người, chiếm 95% số người thuộc diện tham gia BHTN.
Đặc biệt, số thu tăng từ 116,7 tỷ đồng năm 1995 lên 43.277 tỷ đồng vào năm 2019 (tăng 43.160 tỷ đồng, tăng 371 lần so với năm 1995). Kế hoạch thu giao năm 2020 là 48.976,8 tỷ đồng.
BHXH Hà Nội đã phối hợp với ngân hàng và bưu điện thực hiện tốt nhiệm vụ chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng quy định trước ngày 10 hàng tháng. Năm 1995, Hà Nội giải quyết và chi trả lương hưu và các chế độ BHXH hàng tháng cho 224.348 người với số tiền 592 tỷ đồng; đến năm 2019 là 566.320 người với 31.483 tỷ đồng (tăng 53 lần so với năm 1995)
25 năm qua, đã có hơn 106 triệu lượt người có thẻ BHYT được đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh (KCB), với tổng chi phí KCB BHYT đã thanh toán là 84.300 tỷ đồng. Trong đó, hàng chục nghìn bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, tim mạch, bệnh mãn tính, chi phí cao đã được cơ quan BHXH thực hiện thanh toán đầy đủ đúng quy định. Số lượt người được KCB theo chế độ BHYT tăng nhanh qua từng năm. Năm 1995 có 1,6 triệu lượt người KCB BHYT, đến năm 2019 là 12 triệu lượt người (tăng 750% so với năm 1995).
Đáng lưu ý, từ năm 2016 đến năm 2019, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính tại các đơn vị nợ đóng BHXH được đẩy mạnh. Cụ thể, BHXH TP đã phối hợp với các sở, ban, ngành, quận, huyện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT tại 14.518 đơn vị (riêng năm 2018, thanh tra, kiểm tra tại 4.913 đơn vị; năm 2019, thanh tra, kiểm tra tại 5.637 đơn vị).
Công tác thanh tra, kiểm tra cũng đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc thu hồi, giảm nợ đọng. Năm 2016, số tiền nợ là 2.284,6 tỷ đồng, tỷ lệ nợ 7,99%; đến hết năm 2017, số nợ đã giảm xuống còn 1.304 tỷ đồng, tỷ lệ nợ 3,9%. Năm 2019, số tiền nợ giảm còn 913,9 tỷ đồng, tỷ lệ nợ 1,98%.
Cũng theo lãnh đạo BHXH TP, qua 25 năm, công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật BHXH, BHYT có nhiều đổi mới, sáng tạo theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, nhận thức của người dân về chính sách BHXH, BHYT ngày càng được nâng lên. Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đã có bước tiến mạnh mẽ, thực hiên tốt việc giao dịch hồ sơ điện tử. BHXH đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các hoạt động nghiệp vụ của ngành. Chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, kịp thời đưa ra các phân tích, dự báo mang tính chuyên sâu. Liên thông dữ liệu, kết nổi các phần mềm quản lý: Giải quyết chế độ BHXH (TCS), phân mêm quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT (TST), phần mềm kế toán và hệ thống thông tin giám định BHYT góp phần phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT.
Đánh giá cao những kết quả BHXH Hà Nội đạt được trong 25 năm qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đề nghị BHXH TP tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, hoàn thành các chỉ tiêu giai đoạn 2020-2025. Cụ thể, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95% dân số. Số người tham gia BHXH đạt 50% lực lượng lao động. Trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức BHXH tự nguyện chiếm 3%. Số người tham gia BHTN đạt 40% lực lượng lao động. Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH, BHYT đạt trên 80%. Tỷ lệ giao dịch hồ sơ điện tử đạt 100%. Thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ của ngành. Giao dịch hồ sơ điện tử đạt 100%, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tiếp tục tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính. Chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, kịp thời đưa ra các phân tích, dự báo mang tính chuyên sâu góp phần phòng, chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT. Công khai, minh bạch các TTHC, quá trình xử lý công việc, đáp ứng yêu cầu của nền hành chính “phục vụ”, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHXH, BHYT và đối tượng thụ hưởng.
Nhân dịp này, nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu ngành BHXH Hà Nội đã được biểu dương, khen thưởng. Trong đó, BHXH quận Long Biên và BHXH huyện Đan Phượng vinh dự đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba của Chủ tịch nước; BHXH TP nhận Cờ đơn vị xuất sắc phong trào thi đua năm 2019 và Bằng khen của UBND TP Hà Nội. Đặc biệt, cá nhân Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý được BHXH Việt Nam tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp BHXH.