Hà Nội: Phát hiện gần 3.000 kg thực phẩm không rõ nguồn gốc
Gần 3.000 kg hàng hóa thực phẩm là thịt lợn, thịt bò, gà... chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc vừa bị Cục Quản lý thị trường Hà Nội tạm giữ.
Cụ thể, ngày 7/7, đột xuất kiểm tra địa điểm kinh doanh tại làng Kim 1, xã Kim Quan, huyện Thạch Thất, Hà Nội, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, ma túy, Công an huyện Thạch Thất phối hợp Đội Quản lý thị trường số 19, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện khoảng 2.800kg các loại thịt, sườn bò, trâu, lợn đông lạnh, chân gà, đùi gà đông lạnh chưa xuất trình được giấy tờ, hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm Minh Quý do anh Cấn Văn Trường, sinh năm 1990, làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, tổng số thịt các loại tại kho đông lạnh là hơn 3 tấn. Trong đó, chỉ có 370kg có hóa đơn. Còn lại 2.880kg không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Số hàng gồm 14 loại, nhưng chủ hàng chỉ xuất trình được hóa đơn của 5 loại hàng hóa.
Ngoài ra còn hơn 100kg các loại thịt đã hỏng, được cất trữ trong tủ đông lạnh để bán lẻ. Toàn bộ số hàng hóa này đều có nhãn mác nhập từ nước ngoài, qua 2 công ty nhập khẩu rồi mới đến tay chủ cơ sở Minh Quý.
Bên trong kho hàng còn có các loại máy cắt thịt, máy dán ép, hút chân không.
Lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ số hàng không rõ nguồn gốc, xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ được bày bán tràn lan trên mạng, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn khi mua, sử dụng. Việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng.
Theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trường hợp người kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1 triệu đồng.
Mức phạt tiền cao nhất đối với hành vi này lên đến 50 triệu đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.
Trường hợp hàng hóa vi phạm là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế thì mức phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định nêu trên.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị chế tài phạt bổ sung tịch thu tang vật và buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, đồng thời buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.