Hà Nội phát huy thế mạnh của thành phố sáng tạo
Sau 5 năm tham gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội đã có nhiều bước phát triển quan trọng, vượt bậc. Bằng nhiều chương trình hành động dài hạn về tầm nhìn, Hà Nội đã thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng và làm giàu nguồn lực văn hóa, sức mạnh mềm của Thủ đô nói chung, từng bước nâng cao vị thế, tạo dựng được hình ảnh mới, hấp dẫn hơn cho Hà Nội.
Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO được thành lập năm 2004 với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các thành phố đã được công nhận sáng tạo và đây là một yếu tố chiến lược phục vụ phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường.
Ngày 30/10/2019, UNESCO đã ký quyết định công nhận thành phố Hà Nội chính thức thành thành viên mạng lưới các thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế của UNESCO với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững.
Ông Jonathan Wallace Baker - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết: "Lĩnh vực thiết kế là một trong bảy lĩnh vực bao quát của Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO. Tôi cho rằng khi Hà Nội chọn tiêu chí về thiết kế, Hà Nội muốn gửi gắm thông điệp rằng thiết kế gắn liền với tất cả các lĩnh vực văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa, và các ngành công nghiệp sáng tạo. Tôi cho rằng đây là một lựa chọn hoàn toàn chính xác khi Hà Nội xây dựng hồ sơ đề cử của mình”.
Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố lịch sử, văn hóa với nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của quốc tế và quốc gia, với hàng trăm làng nghề truyền thống... Hà Nội cũng là nơi tập trung nhân tài, trí tuệ của cả nước với hệ thống các trung tâm nghiên cứu, học viện, trường đại học… đây là những nhân tố quan trọng cho sự phát triển của công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo.
Ông Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Phi và Trung Đông cho rằng, thực sự Hà Nội có tiềm năng và lợi thế quá lớn, bởi vì chúng ta vừa là Thủ đô và chúng ta có tăng trưởng nóng nhưng chúng ta ít bị tàn phá bởi sự phát triển công nghiệp; các kiến trúc xây dựng, cách thức bài trí và ngay cả con người Hà Nội hiện nay vẫn giữ được nét văn hóa".
Theo nhà nghiên cứu Vũ Hiệp, trường Đại học Giao thông Vận tải: “Tài nguyên văn hóa là ẩm thực, là văn học, mỹ nghệ, dân gian... đều là động lực cho chúng ta phát triển kinh tế văn hóa được. Trước đây chúng ta hay quan niệm quản lý là từ trên xuống dưới, tức là từ Thành ủy, UBND thành phố xuống các quận, huyện, các phường, tuy nhiên, đối với thành phố sáng tạo thì người ta lại phát triển từ dưới đi lên trên, tức là từ cộng đồng đi lên trên”.
Tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là cơ hội và điều kiện thuận lợi cho Hà Nội trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo văn hóa. Với tầm nhìn và thương hiệu của một thành phố sáng tạo về thiết kế sẽ tạo động lực để Hà Nội xây dựng, giúp Hà Nội thu hút đầu tư quy mô lớn, tạo động lực phát triển đô thị, phát triển giáo dục và các sự kiện văn hóa gắn liền với tầm nhìn phát triển bền vững.
Theo ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam: “Khi Hà Nội đã trở thành thành viên của Mạng lưới thì Hà Nội sẽ xây dựng cho mình một khung hành động để triển khai các cam kết của mình đối với mạng lưới nhằm thúc đẩy văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa và sự sáng tạo. Và thực tế là Hà Nội đã thực hiện được rất tốt việc xây dựng và thực hiện các chương trình hành động của mình ngay từ khi chính thức trở thành thành viên của mạng lưới này từ năm 2019”.
Tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước đi đầu tiên nhưng có ý nghĩa quan trọng cho mục tiêu nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn hơn cho Hà Nội. Để thực hiện cam kết, Hà Nội đã và đang cụ thể hóa bằng chương trình hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách của thành phố nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng và làm giàu nguồn lực văn hóa, sức mạnh mềm của Hà Nội nói chung.