Hà Nội phát huy vai trò của Nhân dân trong phát triển văn hóa

Chiều 16/7, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33 – NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa XI) về 'Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước' trên địa bàn TP Hà Nội.

Tham dự hội nghị có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Lê Mạnh Hùng; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý.

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận tại hội nghị.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận tại hội nghị.

Đời sống văn hóa của người dân được nâng cao

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong 5 năm qua, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức song Thủ đô đã tạo sự chuyển biến tích cực; đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân Thủ đô ngày càng được cải thiện, nâng cao. Nổi bật, nhận thức, ý thức, trách nhiệm của đa số cán bộ, đảng viên, Nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò và nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã được nâng lên rõ rệt. Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ, đạt và vượt chỉ tiêu trên nhiều lĩnh vực.

Bên cạnh đó, có nhiều chính sách, giải pháp cụ thể phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh bước đầu đạt hiệu quả với nhiều mô hình, sáng kiến hay như: Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới (Chỉ thị số 11-CT/TU); ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP; đưa vào giảng dạy bộ tài liệu Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội. Theo đó, trung bình hằng năm, tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt trên 85%; “Làng văn hóa” đạt 60,5% và “Tổ dân phố văn hóa” đạt 71%.

Ngoài ra, công tác quy hoạch và quản lý Nhà nước về văn hóa ngày càng đi vào nền nếp, từng bước nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý. Hà Nội là đơn vị đi đầu trong cả nước tiến hành tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể góp phần làm rõ hơn bản sắc văn hóa Thủ đô nghìn năm văn hiến. Hà Nội với vai trò là cơ quan thường trực cũng đa chủ trì tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị, văn hóa lớn của đất nước và Thủ đô để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân cả nước và bạn bè quốc tế. Đáng chú ý, trong 5 năm qua, nguồn kinh phí bố trí cho lĩnh vực văn hóa của TP đạt trên 4,28 nghìn tỷ đồng; huy động trên 4,3 nghìn tỷ đồng vốn xã hội hóa đầu tư cho 38 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa. Đồng thời, thu hút trên 164 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài cho các dự án văn hóa, thể thao.

 Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Lê Mạnh Hùng Phát biểu tại hội nghị.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Lê Mạnh Hùng Phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Lê Mạnh Hùng đánh giá cao kết quả toàn diện mà Hà Nội đã làm được trong thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW. Tuy nhiên, đồng chí cho rằng, trong thời buổi công nghệ thông tin đa chiều, để người dân Thủ đô không bị ảnh hưởng bởi những thông tin xấu độc thì TP phải tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn Nghị quyết số 33-NQ/TW để mỗi người dân hiểu được bản sắc văn hóa người Hà Nội, nhất là sau 20 năm thủ đô được UNESCO công nhân là "Thành phố Vì hòa bình". Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền để các thế hệ trẻ, nhất là học sinh, sinh viên hiểu được văn hóa Thủ đô để có một lớp thanh niên kế tục để Hà Nội xứng đáng là trung tâm giáo dục, văn hóa của cả nước. Giới thiệu, lan tỏa tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với những địa chỉ mà Bác Hồ đã đến, ở Thủ đô để tạo sức lay động, gần gũi. Đồng thời, quan tâm, bồi dưỡng, đào tạo, có chính sách để những người làm văn hóa có trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ để lan tỏa văn hóa Thủ đô đi khắp cả nước.

Tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong thực hiện

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của các địa phương, đơn vị thực hiện tốt Nghị quyết số 33-NQ/TW của Đảng trong thời gian vừa qua.

Để khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy những kết quả đạt được, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, sáng tạo hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư, thường xuyên tổ chức đánh giá kết quả thực hiện. Đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP và coi đây là giải pháp trọng tâm để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

 Nhân dịp này, Ban Thường vụ Thành ủy có quyết định tặng Bằng khen cho 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 33 – NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa XI).

Nhân dịp này, Ban Thường vụ Thành ủy có quyết định tặng Bằng khen cho 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 33 – NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa XI).

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về văn hóa, con người phù hợp chuẩn mực quốc tế, Việt Nam và thực tiễn của Hà Nội. Có chính sách phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, trọng dụng người có tài, có đức và tạo điều kiện để phát huy sáng tạo.

Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa huy động mọi nguồn lực cho phát triển văn hóa. Tăng cường đầu tư kinh phí cho hoạt động; quan tâm tạo cơ chế phối hợp và tăng cường ký hợp đồng đầu tư chiều sâu đối với công trình, tác phẩm lớn nhằm tạo ra những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, quảng bá, giới thiệu văn hóa Thủ đô thông qua xúc tiến văn hóa, du lịch; thông qua tổ chức các sự kiện văn hóa có tầm quốc tế. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa. Xây dựng cơ chế thu hút tài năng trẻ về làm việc ở những ngành, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Đặc biệt, phát huy vai trò chủ thể sáng tạo của Nhân dân trong quá trình phát triển văn hóa và con người Thủ đô.

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả của các cấp để từ đó kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc; có giải pháp chọn lọc trong hội nhập văn hóa. Tích cực đấu tranh ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, ảnh hướng xấu tới đạo đức xã hội, nhất là trên môi trường internet và mạng xã hội...

Trần Long - Ảnh: Phạm Hùng

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ha-noi-phat-huy-vai-tro-cua-nhan-dan-trong-phat-trien-van-hoa-347981.html