Hà Nội phối hợp 13 địa phương bình ổn giá thịt lợn dịp Tết
Chiều 30-12, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp bình ổn thị trường, cân đối cung cầu mặt hàng thịt lợn và các sản phẩm nông sản, thực phẩm phục vụ nhân dân dịp Tết nguyên đán năm 2020. Thành phố kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và các tỉnh, thành phố đồng hành cùng Thủ đô bình ổn cung cầu mặt hàng thịt lợn.
Không thiếu nguồn cung
Theo Sở Công thương Hà Nội, từ tháng 10 đến 12-2019, trung bình mỗi tháng Hà Nội thiếu từ 3.300 đến 4.300 tấn thịt lợn. Riêng trong tháng Tết (tháng 1-2020), nhu cầu tiêu dùng khoảng 23.520 tấn, trong đó, nguồn của thành phố khoảng 14.600 tấn, nhập từ các tỉnh khoảng 8.920 tấn, sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu. “Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố cho biết trong tháng 1-2020, có thể cung cấp cho Hà Nội khoảng 43.000 tấn thịt lợn nên cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân”, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết thêm, hiện Hà Nội đã tái đàn được 300.000 con lợn. Sản lượng thịt lợn xuất chuồng cũng tăng khoảng 17% so với tháng trước do lượng lợn đến lứa xuất chuồng tăng. Các đơn vị giết mổ, phân phối tăng cường hoạt động thu mua từ các tỉnh về để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng người dân (bình quân từ 8.000 – 9.000 tấn/tháng). Các đơn vị nhập khẩu sẵn sàng nhập khẩu khi nguồn cung còn thiếu.
Thực tế cho thấy, do giá thịt lợn tăng cao, hiện nay người dân đang dần chuyển sang sử dụng các mặt hàng khác thay thế thịt lợn nên sản lượng bán ra của mặt hàng thịt lợn tháng 12 giảm từ 5% đến 20% so với tháng 11-2019. Đồng thời, lượng phân phối một số mặt hàng như thịt gà, bò, thủy hải sản… của tháng 12 tăng lên so với tháng 11. Cụ thể, thịt gà tăng 10 - 15%, thịt bò tăng 4%, thủy hải sản tăng 12%, trứng gia cầm tăng 5%...
Kìm giá thịt lợn
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp bán lẻ, phân phối trên địa bàn Hà Nội đều khẳng định tiếp tục đồng hành với thành phố trong việc bình ổn mặt hàng thịt lợn. Big C cam kết bán giá vốn mặt hàng thịt lợn trong dịp Tết. Với hệ thống Sài Gòn Coop, mặt hàng thịt ba chỉ sẽ bán với giá thấp hơn thị trường 20%, sườn non thấp hơn 8%, xương đùi thấp hơn 25%, xương ống thấp hơn 35%.
Giám đốc thu mua Công ty TNHH Big C Thăng Long Đinh Thị Hải Vân cho biết, trong vài tháng gần đây hệ thống Big C và Go Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng bởi giá thịt lợn có xu hướng tăng, trong đó tăng mạnh nhất vào tháng 11 và tháng 12 với mức giá tăng khoảng 45% so với cùng kỳ năm 2019. Nhằm bình ổn giá mặt hàng thịt lợn, bảo đảm không thiếu nguồn hàng, Big C đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp để lên kế hoạch sản lượng dự kiến. Từ ngày 28-12, Big C và Go! Việt Nam đã áp dụng chính sách bán hàng thịt lợn không lợi nhuận cho đến hết Tết nguyên đán. Để giảm áp lực từ thịt lợn, Big C còn đẩy mạnh khuyến mại các mặt hàng khác như: thịt bò, cá, gà…
Phó Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang Nguyễn Văn Phương cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tý, Bắc Giang sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 300 nghìn con, tương đương 30 nghìn tấn lợn hơi. Trong đó, 13 nghìn tấn thịt lợn trước Tết và 8 nghìn tấn thịt lợn sau Tết sẽ dành cung cấp cho các tỉnh, thành phố, nhất là phục vụ thị trường Hà Nội.
Phó vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công thương) Hoàng Anh Tuấn đề nghị các doanh nghiệp cùng chung tay với cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo đảm nguồn cung mặt hàng này trong thời gian tới. Hiện giá lợn hơi đã giảm là một tín hiệu tốt với thị trường. Vụ Thị trường trong nước sẽ phối hợp với Sở Công thương trong việc bảo đảm thông tin, giá cả, cung cầu, chỗ nào có biến động, đề nghị Sở Công thương báo cáo Bộ, để bộ báo cáo Chính phủ bảo đảm nguồn các mặt hàng thiết yếu trong đó có mặt hàng thịt lợn cung thực phẩm trước, trong và sau Tết.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị 13 tỉnh, thành phố phối hợp cùng Hà Nội trong việc theo dõi tình hình, cung cấp thông tin, khơi thông chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm hàng hóa nói chung và thịt lợn nói riêng để tránh tình trạng “găm hàng, tăng giá”, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.