Hà Nội: Quận, huyện chưa 'mạnh tay' xóa bỏ chăn nuôi ở khu vực cấm
Theo Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND thành phố Hà Nội, đến 31/12/2023 sẽ không còn cơ sở chăn nuôi ở 6 quận và 5 huyện (lộ trình xây dựng lên quận) cùng 1 thị xã trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn hơn 1.100 hộ chăn nuôi với khoảng 76 nghìn gia súc, gia cầm.
Đây là thực tế được ghi nhận qua giám sát của Ban Kinh tế-Ngân sách, HĐND TP Hà Nội trong thời gian qua tại một số quận, huyện và qua làm việc với Sở NN&PTNT.
Giảm được 65% số hộ chăn nuôi sau 2 năm
Báo cáo với Đoàn giám sát về kết quả thực hiện Nghị quyết 02/2020 quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn TP, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường cho biết: Công tác tuyên truyền được các đơn vị thực hiện với nhiều hình thức phong phú như tổ chức tập huấn, hội nghị tuyên truyền, cấp phát tờ tơi cho người chăn nuôi, nhân viên thú y xã, phường, trưởng thôn...
Đồng thời thực hiện ký cam kết đối với các hộ chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi và hướng dẫn, phổ biến chính sách hỗ trợ của TP khi chấm dứt, dừng chăn nuôi trước ngày 31/12/2023; thành lập các đoàn, tổ công tác liên ngành tổ chức kiểm tra và xử lý, nhắc nhở các trường hợp không chấp hành về điều kiện vệ sinh thú y, xử lý chất thải trong chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh động vật.
Sau hơn 2 năm thực hiện và triển khai Nghị quyết 02 tại 6 quận (Long Biên, Hà Đông, Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai) và 5 huyện trong lộ trình lên quận (Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng) và thị xã Sơn Tây, đến ngày 31/12/2022 chỉ còn 1.127 hộ và 76 nghìn gia súc, gia cầm phải chấm dứt chăn nuôi vào ngày 31/12/2023. So với thời điểm Nghị quyết ban hành (năm 2020) thì ở các đơn vị này có 2.471 hộ chăn nuôi với hơn 200 nghìn gia súc, gia cầm. Như vậy số hộ đã giảm 65%, số gia súc, gia cầm giảm 63%.
Hiện một số khu vực không còn hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm gồm: Thị trấn Thanh Trì (huyện Thanh Trì); thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm); 4 phường của thị xã Sơn Tây.
Các khu vực giảm trên 99% số lượng chăn nuôi gia súc, gia cầm gồm: Thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm); thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh), thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng). Dự kiến 3 huyện này sẽ hoàn thành Nghị quyết 02 sớm hơn thời hạn quy định. Bên cạnh đó, còn một số khu vực có tỷ lệ chăn nuôi giảm không đáng kể như quận Bắc Từ Liêm, thị trấn Trôi (huyện Hoài Đức), quận Hà Đông.
Tiềm ẩn nguy cơ một số hộ tái chăn nuôi ở khu vực cấm
Theo Phó giám đốc Sở NN&PTNT, khó khăn trong việc thực hiện do dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn là việc bố trí quỹ đất và các thủ tục liên quan phức tạp, xa địa giới hành chính; do tập quán chăn nuôi tận dụng thức ăn gắn liền với thói quen sinh hoạt của người dân, nhiều người coi đây là sinh kế có thu nhập. Bên cạnh đó lao động phục vụ hộ chăn nuôi chủ yếu là lớn tuổi, chuyển đổi nghề khó khăn.
Ngoài ra, mức hỗ trợ học nghề thấp, thủ tục đăng ký học nghề còn phức tạp nên nhiều hộ chăn nuôi không mặn mà. Nhiều người chăn nuôi chưa thích ứng, tiếp cận được với các nghề nghiệp khác, kể cả trồng hoa, cây cảnh tại các khu vực ven sông; thiếu vốn, thiếu trình độ khi chuyển đồi nghề. Do đó, việc giải quyết tận gốc vấn đề còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ một số nơi các hộ sẽ tái chăn nuôi để giải quyết việc làm và thu nhập.
Chia sẻ những khó khăn này khi Đoàn giám sát làm việc tại cơ sở, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cho biết, theo lộ trình, giai đoạn 2023-2025, huyện Gia Lâm phấn đấu trở thành quận, các xã trở thành phường, theo quy định trên thì các phường của các quận thuộc TP không được phép chăn nuôi. Xác định khi lên quận, chăn nuôi chưa thể hết được, chỉ từng bước giảm dần. Do vậy, UBND huyện đã chủ động chỉ đạo các xã giảm dần tổng đàn và chuyển dần những trang trại, cơ sở chăn nuôi tập trung ra xa khu dân cư đảm bảo quy định.
Tuy nhiên, năm 2023 trên địa bàn vẫn còn một số xã có vùng nông nghiệp ổn định, tỷ trọng chăn nuôi lớn, là nguồn thu nhập chính của các hộ gia đình nên việc dừng ngay chăn nuôi là rất khó khăn. Vì vậy, UBND huyện Gia Lâm đề nghị TP cho trang trại, cơ sở chăn nuôi tồn tại và từng bước giảm dần chăn nuôi trong khu dân cư. Đối với những trang trại, cơ sở chăn nuôi này phải có chính sách, cơ chế rõ ràng để khuyến khích các hộ chuyển đổi khi lên quận để họ có nguồn thu nhập đảm bảo an sinh.
Phó giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường cũng chỉ ra một trong những khó khăn hiện nay là, bên cạnh ý thức của một số cơ sở chăn nuôi còn hạn chế nên chưa nghiêm túc chấp hành quy định thì một số phường cũng chưa quan tâm, chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện các giải pháp dừng, chấm dứt hoạt động chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi; công tác kiểm tra, xử lý các sai phạm chưa kịp thời, xử lý chưa dứt điểm.
Trước câu hỏi của thành viên Đoàn giám sát về số lượng cụ thể của những đối tượng thuộc diện được hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi gia súc theo Nghị quyết 02/2020 của HĐND TP, đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội thông tin: Quận và thị trấn thường có quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ là chính, cơ bản không có nhu cầu di dời sang vùng được phép chăn nuôi nên chủ yếu là dừng và chuyển đổi công năng.
"Việc đến nay vẫn còn các hộ chăn nuôi thì trách nhiệm thuộc về các quận, huyện phải đẩy mạnh quản lý để kịp tiến độ. Đa phần các hộ chăn nuôi ở các quận và huyện sắp lên quận là những người già, tận dụng thức ăn thừa ở nhà hàng, bếp ăn chứ không phải chủ trang trại. Điều đó có thể thấy do các quận chưa "nặng tay". Thực tế theo Nghị quyết ở quận đã cấm chăn nuôi thì không thể đưa ra bãi để chăn nuôi mà phải thực hiện theo quy định", đại diện Chi cục Chăn nuôi và thú y nhấn mạnh.