Hà Nội quyết loại doanh nghiệp buýt phục vụ kém, sản lượng khách thấp

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội tại buổi đối thoại với các doanh nghiệp vận tải cung ứng dịch vụ buýt.

Hơn 5.046 lượt xe buýt buộc phải bỏ vì tắc đường trong năm 2022

Chiều nay (27/2), Sở GTVT Hà Nội tổ chức buổi đối thoại với các doanh nghiệp về giải pháp cải thiện chất lượng dịch vụ và nâng cao sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố.

Hà Nội tìm giải pháp để xe buýt ngày càng hấp dẫn hành khách hơn - Ảnh minh họa

Hà Nội tìm giải pháp để xe buýt ngày càng hấp dẫn hành khách hơn - Ảnh minh họa

Hàng loạt vấn đề khiến Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường trăn trở và được ông chia sẻ ngay khi phát biểu mở đầu buổi đối thoại.

"Sản lượng VTHKCC bằng xe buýt năm 2022 đang dần phục hồi tuy nhiên còn chậm và chưa đạt được như kỳ vọng. Chất lượng dịch vụ xe buýt chưa được đảm bảo, chưa đủ hấp dẫn với số đông hành khách, di chuyển giờ cao điểm còn chậm hơn phương tiện xe cá nhân", ông Thường nói và nhấn mạnh: Buổi đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN cung ứng dịch vụ. Tới đây, khi khó khăn đã được gỡ, DN buýt nào tới đây không nâng cao chất lượng phục vụ, không thu hút được hành khách sử dụng sẽ bị loại bỏ, nhường chỗ cho các DN khác vào hoạt động.

Nêu khó khăn của hoạt động xe buýt sau dịch Covid-19, ông Thái Hồ Phương - Phó giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội cho biết: Hiện tại hoạt động của xe buýt vẫn thường xuyên chịu ảnh hưởng do tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt trong khung giờ cao điểm. Đến hết năm 2022 vẫn còn tới 31 điểm chưa được xử lý, trong năm 2022 đã có tới 5.046 lượt xe bỏ do tắc đường (chiếm 0,08%). Thời gian chuyến đi của hành khách chưa được đảm bảo do xe buýt vẫn phải vận hành chung với dòng giao thông hỗn hợp, chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khách quan trên đường.

Theo số liệu thống kê, trong năm 2022, có trên 72.000 lượt (1,2%) phải điều chỉnh lộ trình, trên 576.000 lượt (9,4%) xuất bến muộn so với biểu đồ); mức độ an toàn trong vận hành đôi lúc chưa được đảm bảo, đặc biệt trong các trường hợp xe muộn giờ.

Mức độ thân thiện, thái độ ứng xử của một bộ phận lái xe, nhân viên phục vụ còn chưa đúng mực gây ra những thiện cảm không tốt (đã có 393 cuộc gọi tới đường dây nóng của Trung tâm (tương ứng 9,7%) phản ánh về thái độ phục vụ của lái xe và nhân viên phục vụ).

Ông Nguyễn Thủy - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết: Điều kiện hạ tầng giao thông phục vụ cho việc tiếp cận của hành khách đối với xe buýt hiện nay còn chưa được đảm bảo. Một số đoạn tuyến không có vỉa hè để lắp đặt điểm dừng, một số đoạn tuyến chiều rộng vỉa hè không đảm bảo để lắp nhà chờ, tính ổn định của hạ tầng không được đảm bảo.

Thậm chí, một số nơi hạ tầng xe buýt còn thường xuyên bị xâm phạm làm địa điểm bán hàng rong, điểm đỗ xe,... đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác vận hành của xe buýt và an toàn của hành khách khi đi xe. Điểm dừng đón trả khách thường xuyên phải điều chỉnh do tổ chức giao thông thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố. "Chúng tôi đề nghị Sở GTVT thành lập một Ban kiểm soát gồm cả TTGT, chính quyền địa phương... như Ban chỉ đạo 197, chuyên đi kiểm soát các hành vi vi phạm hạ tầng của xe buýt", ông Thủy nói.

"Sau dịch Covid-19, doanh nghiệp gặp khó khăn về lao động cũng như chất lượng lao động. Chúng tôi đang tập trung triển khai đào tạo chuyên đề cho lao động nhất là lái xe và phụ xe. Chúng tôi cũng xác định chất lượng phương tiện là hết sức quan trọng và đang được tập trung cải thiện”, lãnh đạo Transerco khẳng định.

Là đơn vị cung ứng dịch vụ buýt điện, ông Nguyễn Công Nhật - Giám đốc điều hành VinBus cho rằng, bên cạnh việc tăng quy mô thì sản lượng hành khách phải tăng tương xứng. Việc điều chỉnh mạng không chỉ tăng độ phủ mà cần đong đếm được nhu cầu của hành khách mà có những điều chỉnh cho phù hợp. Nếu cứ mở rộng quy mô mà sản lượng khách không tăng, cùng với trợ giá lớn thì sẽ là sự đe dọa với xe buýt khi lần lượt các tuyến đường sắt đô thị đi vào vận hành.

Sản lượng, doanh thu là mục tiêu sống còn

Hết sức chia sẻ với khó khăn của các DN sau thời gian dài bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, ông Thường cũng nhấn mạnh: Sản lượng là vấn đề sống còn của VTHKCC bằng xe buýt. Doanh nghiệp cũng cần xác định tăng sản lượng là trách nhiệm, không ỷ lại, không trông chờ vào cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu doanh nghiệp không tự vận động, không vào cuộc mạnh mẽ sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Ông Thường cũng giao Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng phối hợp với các DN buýt rà soát, đánh giá hiệu quả từng tuyến và tái cấu trúc từng tuyến trong mối tương quan với đường sắt đô thị sao cho hiệu quả tối đa.

"Cơ quan quản lý Nhà nước tạo điều kiện tối đa cho DN nhưng DN cũng phải xác định tăng sản lượng, tăng doanh thu giữ chất lượng dịch vụ là yếu tố sống còn và bất di bất dịch khi cam kết thầu", ông Thường yêu cầu.

Trên địa bàn Hà Nội hiện có 11 đơn vị vận hành xe buýt có trợ giá. Trong số này, Transerco 71 tuyến; Công ty Cổ phần vận tải và dịch vụ Liên Ninh 6 tuyến; Công ty Cổ phần xe điện Hà Nội 11 tuyến; Công ty Cổ phần vận tải Newway 4 tuyến; Công ty Cổ phần xe khách Hà Nội 7 tuyến; Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến 16 tuyến; Công ty Liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân 3 tuyến; Công ty Cổ phần vận tải Thương mại và Du lịch Đông Anh 2 tuyến; Công ty Cổ phần ô tô vận tải Hà Tây 1 tuyến; Công ty cổ phần ô tô khách Hà Tây 2 tuyến; Công ty TNHH dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus 9 tuyến.

Lê Tươi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ha-noi-quyet-loai-doanh-nghiep-buyt-phuc-vu-kem-san-luong-khach-thap-d583062.html