Hà Nội: Rà soát, đánh giá 9 dự án phát triển hạ tầng logistic
'Thành phố sẽ thực hiện rà soát, đánh giá đầu tư đối với 9 dự án phát triển hạ tầng dịch vụ logistics đã được giới thiệu địa điểm để nhà đầu tư nghiên cứu lập, đề xuất dự án'.
Đó là một trong những nội dung tại Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024 do UBND thành phố ban hành.
Theo UBND thành phố Hà Nội, phát triển hoạt động logistics nhằm thúc đẩy tăng trưởng, tỷ trọng đóng góp dịch vụ Logistics vào GRDP của thành phố. Đồng thời, giảm chi phí logistics để cạnh tranh về giá cả, thúc đẩy phát triển sản xuất, thương mại truyền thống, thương mại quốc tế và thương mại điện tử. Từ đó, thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ logistics đổi mới, sáng tạo, cung ứng chuỗi dịch vụ.
Kế hoạch nêu rõ 5 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, thành phố sẽ hoàn thiện cơ chế quản lý và phát triển hoạt động logistics, cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ…
Trong đó, phát triển hạ tầng dịch vụ logistics được thành phố đặc biệt tâm, đầu tư. Theo đó, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu cụ thể hóa quy hoạch các trung tâm logistics và cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ logistics trên địa bàn. Đồng thời, đôn đốc tiến độ, tăng cường phối hợp giữa các ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ logistics.
Trong năm 2024, thành phố sẽ khởi công xây dựng 2 cảng cạn ICD tại xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm, Hà Nội) và xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức, Hà Nội).
Ngoài ra, thành phố cũng xác định vị trí, ranh giới, diện tích cụ thể 2 trung tâm logistics (tại các huyện Phú Xuyên, Sóc Sơn) và hoàn thành thủ tục đầu tư 1 cảng container quốc tế (tại các xã Cổ Bi, Đặng Xá, huyện Gia Lâm).
Thành phố cũng sẽ rà soát, đánh giá đầu tư đối với 9 dự án phát triển hạ tầng dịch vụ logistics đã được giới thiệu địa điểm để nhà đầu tư nghiên cứu, lập đề xuất dự án.
Để đạt được mục tiêu trên, UBND thành phố Hà Nội sẽ ưu tiên các nguồn lực để xây dựng và khai thác hiệu quả hạ tầng logistics. Ví như, thành phố sẽ phối hợp với Bộ, ngành nghiên cứu cơ chế kết hợp các nguồn vốn. Trong đó, chú trọng huy động nguồn xã hội hóa để đẩy mạnh đầu tư các công trình cảng, sân bay, đường sắt, đường thủy, đường bộ, các cảng thông quan nội địa, kho bãi... bảo đảm đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển logistics của Hà Nội.
Theo Sở Công thương Hà Nội, trên địa bàn thành phố có khoảng 25.000 doanh nghiệp hoạt động logistics. Trong đó, khoảng 400 doanh nghiệp đang sử dụng gần 100ha đất để kinh doanh cho thuê kho, bãi tập kết sản phẩm, hàng hóa, nguyên vật liệu chờ cung ứng, phân phối, tiêu thụ.
Hiện tại, các doanh nghiệp logistics Hà Nội đã đáp ứng được 25% nhu cầu trong nước, 18% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, còn lại do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện.