Hà Nội: Rút lệnh báo động lũ trên sông Hồng, sông Đuống
Sáng 13.9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) thành phố Hà Nội vừa ban hành Lệnh rút lệnh báo động lũ trên sông Hồng, sông Đuống và tại địa phận các quận, huyện ven sông.
Căn cứ vào mực nước sông Hồng tại Hà Nội (Long Biên) hồi 1h 00 phút ngày 13/9/2024 là 10,39 m (mực nước báo động II là 10,50 m).
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố Hà Nội, rút báo động II trên sông Hồng vào hồi 1h00 phút ngày 13.9.2024 tại địa phận các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện: Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện: Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, các đơn vị ở địa phận trên và các ngành, các cán bộ đã được giao nhiệm vụ thi hành nghiêm chỉnh những quy định khi có lệnh rút báo động II.
Tương tự, căn cứ vào mực nước sông Đuống tại Trạm Thủy văn Thượng Cát hồi 00h00 phút ngày 13.9.2024 là 9,94 m (mực nước báo động II là 10,00 m).
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố Hà Nội, rút báo động II trên sông Đuống vào hồi 00h00 phút ngày 13.9.2024 tại địa phận quận Long Biên và các huyện: Đông Anh, Gia Lâm.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN quận Long Biên và các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, các đơn vị ở địa phận trên và các ngành, các cán bộ đã được giao nhiệm vụ thi hành nghiêm chỉnh những quy định khi có lệnh rút báo động II.
Minh Phương
Chạy tàu trở lại qua cầu Long Biên và cầu Đuống từ ngày 13.9
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) sẽ đề nghị cho phương tiện lưu thông qua cầu Long Biên, cầu Đuống vào sáng nay (ngày 13.9) khi nước sông Hồng và sông Đuống rút đến mức an toàn.
Hiện tại, VNR đang cử lực lượng theo dõi sát sao đồng thời chuẩn bị phương án đề xuất cho các đoàn tàu đi qua hai cây cầu này trở lại.
Trước khi cho hoạt động, VNR tiếp tục kiểm tra toàn hệ thống cầu, để đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện lưu thông qua cầu.
Trước đó, vào lúc 15h ngày 10.9, lo ngại nước lũ sông Hồng dâng cao và chảy xiết, uy hiếp an toàn, Sở Giao thông Vận tải đã cấm người đi bộ và các loại phương tiện đi lại cả hai hướng trên cầu Long Biên.
Từ 22h đêm ngày 10.9, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng cấm người đi bộ và các loại phương tiện đi lại cả hai hướng lưu thông qua cầu Đuống.
Hiện tại, tuyến Hà Nội-Lào Cai, nước ngập trên diện rộng, nhiều vị trí cây đổ, cột thông tin đổ và đường sắt; nền đường sắt bị sạt lở, trôi nền đá, phải phong tỏa khu gian để tổ chức cứu chữa.
Nặng nhất là các khu gian từ Ấm Thượng-Lang Thíp (Km131+970-Km227+300), Thái Văn-Cầu Nhò (Km247+00-Km253+690), Làng Giàng-Lào Cai (Km282+215-Km293+560) bị sạt lở ta luy nền đường, nước ngập đỉnh ray, trôi nền đá. Hiện, đơn vị vẫn đang tích cực cứu chữa, để có thể thông đường toàn tuyến sớm nhất.
Vào tối ngày 12.9, Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc VNR và đoàn công tác của ngành đường sắt đã đi kiểm tra công tác khắc phục tại Km139 tuyến Yên Viên-Lào Cai, địa phận quản lý Công ty cổ phần Đường sắt Vĩnh Phú đồng thời thăm và động viên người lao động khu Ga Ấm Thượng.
Việt Hùng - Vietnam+