Hà Nội rút ra 5 bài học trong thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP
Ngày 14-9, UBND thành phố Hà Nội có Báo cáo số 261/BC-UBND, về kết quả 1 năm triển khai Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg, ngày 26-11-2018, của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại thành phố Hà Nội.
Theo rà soát, tổng số cơ sở thực phẩm trên địa bàn thành phố là 83.712 cơ sở, trong đó, tuyến thành phố quản lý 6.567 cơ sở; tuyến quận, huyện, thị xã quản lý 22.027 cơ sở; tuyến xã, phường, thị trấn quản lý 55.018 cơ sở. Số đơn vị hành chính và số người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP: Đơn vị hành chính tham gia thí điểm là 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn (từ tháng 3/2020 là 579 xã, phường, thị trấn). Số người đã được đào tạo cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành ATTP là 3.320 người (tuyến quận, huyện, thị xã 360 người; tuyến xã, phường, thị trấn là 2.960 người). Số người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP 3.304 người (tuyến quận, huyện, thị xã 346 người; tuyến xã, phường, thị trấn 2.958 người).
Trong triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại các quận, huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn, trong năm qua, tổng số đoàn thanh tra là 804 đoàn (tuyến quận, huyện, 77 đoàn; tuyến xã, phường 627 đoàn).
Kết quả thanh tra, kiểm tra từ ngày 10-7-2019 đến 10-7-2020: Tổng số lượt cơ sở được thanh tra, kiểm tra 64.130 cơ sở; số cơ sở vi phạm 10.318 cơ sở (16,1%), số cơ sở bị phạt tiền 5.351 (8,3%), số tiền phạt là gần 10,9 tỷ đồng, nhắc nhở không xử phạt 4.963 cơ sở. Tổng số lượt cơ sở được kiểm tra 56.011 cơ sở; số cơ sở vi phạm 8.268 (14,8%), số cơ sở xử phạt 3.301 cơ sở (5,9%), số tiền phạt hơn 7,1 tỷ đồng. Kết quả thanh tra chuyên ngành ATTP tuyến quận, huyện, thị xã, tổng số cơ sở được thanh tra 1.516 cơ sở; xử phạt 465 cơ sở (30,7%), số tiền phạt 1,72 tỷ đồng. Kết quả thanh tra chuyên ngành ATTP tuyến xã, phường, thị trấn, tổng số cơ sở được thanh tra 6.603 cơ sở, xử phạt 1.585 cơ sở (24,0%), số tiền phạt hơn 2 tỷ đồng.
Về lỗi vi phạm chủ yếu: Sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; vi phạm về điều kiện bảo đảm ATTP trong bảo quản thực phẩm; cống rãnh thoát nước khu vực chế biến ứ đọng; không được che kín. Không thực hiện lưu mẫu thực phẩm, kiểm thực 3 bước, khu vực sơ chế, chế biến có côn trùng, động vật gây hại. Nhãn mác chưa đầy đủ nội dung theo quy định.
Từ thực tiễn thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP, thành phố đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm. Thứ nhất là: Triển khai đồng bộ công tác chỉ đạo điều hành hoạt động thanh tra chuyên ngành ATTP từ thành phố tới quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn phải xác định thí điểm thanh tra chuyên ngành là nhiệm vụ trọng tâm đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt thường xuyên, chủ động phối hợp với sự vào cuộc tích cực của các ban ngành, đoàn thể.
Thứ hai là: Tổ chức công tác thông tin truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; các hoạt động tập huấn, tuyên truyền thông tin thường xuyên về mục đích, ý nghĩa hoạt động thí điểm thanh tra chuyên ngành để các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng hưởng ứng tham gia. Qua công tác tuyên truyền, tập huấn bản thân người sản xuất, kinh doanh thực phẩm chủ động chấp hành tốt các điều kiện đảm bảo ATTP trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Thứ ba là: Duy trì thường xuyên hoạt động kiểm tra, giám sát giữa tuyến thành phố, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn nhằm kịp thời phát hiện, điều chỉnh kịp thời những thiếu sót, khó khăn vướng mắc của tuyến dưới.
Thứ tư là: Lực lượng cán bộ được giao nhiệm vụ thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, có ý thức trách nhiệm cao trong công việc và phải thường xuyên được cập nhật kiến thức nâng cao trình độ chuyên môn.
Thứ năm là: Tăng cường công tác xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở vi phạm, từ đó giúp thay đổi hành vi của cơ sở, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước.