Hà Nội sẵn sàng phương án sơ tán người dân ứng phó với bão số 3
Một số khu vực ở Hà Nội đã sẵn sàng phương án sơ tán, bảo đảm an toàn cho người dân ở khu vực có nguy cơ nguy hiểm cao như: ven sông, địa bàn có nguy cơ sạt lở đất.
Theo dự báo, bão số 3 sẽ đi qua Thủ đô Hà Nội từ ngày 7 - 9.9, kèm mưa to và rất to; lượng mưa dự kiến trong khu vực nội thành là 200 - 300mm và khu vực ngoại thành có khả năng lên tới 300 - 400mm là rất nguy hiểm. Dự báo bão số 3 có cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp.
Lãnh đạo TP.Hà Nội ngày 6.9 cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng trực để ứng phó các tình huống khẩn cấp do ảnh hưởng của bão số 3 như: Bố trí hàng nghìn người và hàng trăm phương tiện làm nhiệm vụ tiêu thoát nước, chống úng ngập; bảo đảm đủ hàng hóa thiết yếu, không để tăng giá; duy trì hệ thống điện an toàn; hạ mực nước các hồ trên địa bàn xuống mức thấp cần thiết...
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường không tổ chức học, kể cả học thêm vào thứ Bảy (7.9). Công an TP đã bố trí lực lượng trực bảo vệ trật tự an ninh trên địa bàn TP, đặc biệt là các địa điểm trọng tâm, trọng điểm.
Quận Ba Đình là trung tâm chính trị quốc gia với nhiều cơ quan Trung ương, nhiều chung cư cũ, nhiều nhà ở riêng lẻ cao tầng và dự kiến có nhiều điểm ngập úng cục bộ. UBND quận Ba Đình đã yêu cầu UBND các phường trên địa bàn triển khai nghiêm túc, hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo; chủ động rà soát và sẵn sàng kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ", các phường báo cáo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai quận trước 7 giờ và 16 giờ hàng ngày.
UBND phường Phúc Xá cho biết đang theo dõi chặt chẽ tình hình nước lũ trên sông Hồng và cảnh báo kịp thời cho người dân, sẵn sàng phương án sơ tán, có phương án bảo đảm an toàn cho người dân ở khu vực có nguy cơ nguy hiểm cao như: ven sông, địa bàn có nguy cơ sạt lở đất.
UBND các phường: Ngọc Khánh, Trúc Bạch thông tin đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh vui chơi trên hồ Thủ Lệ, hồ Trúc Bạch tạm dừng hoạt động bến thủy nội địa, có phương án bảo vệ phương tiện thủy nội địa, bảo đảm an toàn cho người dân.
Các phường có chung cư cũ như Thành Công, Ngọc Khánh, Cống Vị, Kim Mã, Giảng Võ tổ chức ứng trực, sẵn sàng di dời người và tài sản khỏi khu vực nguy hiểm khi có sự cố.
"Quận Ba Đình cũng đã chủ động xây dựng phương án ứng phó khi xảy ra thiên tai; phương án di dời dân khi có tình huống thiên tai đặc biệt; phương án hộ đê, phòng, chống thiên tai... sẵn sàng ứng phó với các tình huống nhằm bảo đảm an toàn cho người dân trên địa bàn", lãnh đạo quận này nhấn mạnh.
Lưu ý bão số 3 sẽ đi qua Hà Nội vào ngày nghỉ, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị quận Ba Đình cân nhắc công tác quản lý tại các khu tham quan, di tích, bảo đảm an toàn tối đa cho người dân. Với các công trình đang xây dựng dang dở, UBND quận cần nhắc nhở nhà thầu có biện pháp chằng chống hiệu quả để bảo đảm an toàn. Cùng với đó, cần xây dựng phương án xử lý các điểm ngập úng, xử lý ùn tắc giao thông; có biện pháp dự trữ lương thực, thực phẩm trong trường hợp mưa lớn kéo dài; bảo đảm cấp điện, cấp nước cho người dân trong những ngày mưa bão.
Với những tòa tháp cao trên địa bàn, UBND quận cần có văn bản chỉ đạo, nhắc nhở, khi cần thiết sẵn sàng di dời để bảo đảm an toàn cao nhất cho người dân.