Hà Nội sắp triển khai dự án bể điều tiết ngầm chống ngập ở quận Hoàn Kiếm

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 166 về việc khắc phục các tồn tại, hạn chế được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm năm 2023 của Ban cán sự Đảng và lãnh đạo UBND thành phố liên quan đến tình trạng úng ngập vẫn xảy ra thường xuyên trên địa bàn.

Cầu Vĩnh Tuy 2 ngập úng nặng thời điểm mưa lớn ngày 15/5 vừa qua. Ảnh: Người dân cung cấp.

Cầu Vĩnh Tuy 2 ngập úng nặng thời điểm mưa lớn ngày 15/5 vừa qua. Ảnh: Người dân cung cấp.

Tại kế hoạch vừa ban hành, hàng loạt giải pháp được UBND TP Hà Nội đặt ra nhằm giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác thoát nước để khắc phục tình trạng úng ngập khi mưa trên địa bàn thành phố. Đồng thời, TP Hà Nội cũng mong muốn đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước theo quy hoạch.

Cụ thể, UBND TP Hà Nội sẽ rà soát, điều chỉnh Quy hoạch Thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cập nhật và lồng ghép vào đồ án Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Đồng thời, lập kế hoạch phát triển hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải đô thị giai đoạn 2026 - 2030.

Thành phố đặt mục tiêu hoàn thành 3 dự án đang triển khai: Hệ thống thoát nước, hồ điều hòa, trạm bơm Vĩnh Thanh (huyện Đông Anh); Xây dựng, nâng cấp trạm bơm Phương Trạch (huyện Đông Anh); Cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố.

Bên cạnh đó là sớm hoàn thành 5 dự án đang chuẩn bị đầu tư: xây dựng hệ thống thoát nước mưa lưu vực Tả sông Nhuệ; xây dựng hệ thống thoát nước quận Hà Đông thuộc lưu vực Hữu Nhuệ; xây dựng trạm bơm Gia Thượng, hồ điều hòa và tuyến mương Thượng Thanh (quận Long Biên); chống úng ngập cục bộ cho các quận nội đô và một số huyện ven đô; 3 dự án thoát nước do UBND quận Long Biên làm chủ đầu tư.

Đáng chú ý, Hà Nội sẽ triển khai dự án xây dựng bể điều tiết ngầm tại khu vực ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa - Phùng Hưng do UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất và được UBND thành phố thống nhất chủ trương.

Trước mắt, kế hoạch của UBND thành phố cho hay, những địa bàn đã được đầu tư hệ thống thoát nước hoàn chỉnh theo lưu vực Tô Lịch (quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và một phần các quận Tây Hồ, Thanh Xuân) sẽ tập trung phát huy hiệu quả tiêu thoát nước của hệ thống hiện có, đưa nước nhanh nhất về các nguồn tiêu và các trạm bơm đầu mối; mục tiêu đảm bảo thoát nước nhanh với trận mưa có cường độ 310mm/2 ngày và 70mm/h tại khu vực đã được cải tạo theo Dự án thoát nước cải thiện môi trường Hà Nội.

Còn với các địa bàn chưa được đầu tư đồng bộ hoặc chưa được đầu tư theo lưu vực Tả Nhuệ, lưu vực Hữu Nhuệ gồm các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông; lưu vực Long Biên gồm địa bàn quận Long Biên, Hà Nội sẽ tổ chức triển khai thực hiện dự án đầu tư hệ thống thoát nước sử dụng vốn ngân sách theo quy định.

UBND TP Hà Nội quán triệt tập trung chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp, các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã được giao thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, đầu tư các dự án thoát nước, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án nhằm hoàn thiện hệ thống thoát nước khu vực đô thị.

Cũng tại Kế hoạch số 166, UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị quản lý khắc phục tình trạng úng ngập khi mưa, đặc biệt đối với khu vực đô thị; giảm thiểu các điểm úng ngập cục bộ cả về chiều sâu và thời gian úng ngập.

Hồi giữa tháng 5 vừa qua, trên cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 thường xuyên xảy ra hiện tượng ngập nước sâu sau khi Hà Nội có mưa lớn. Đáng chú ý, cây cầu này là công trình giao thông mới đưa vào sử dụng được một năm, được xây dựng hiện đại lại ngập úng khiến giao thông trên trục đường này rơi vào trạng thái tê liệt, phương tiện di chuyển khó khăn.

Ngay sau ghi nhận phản ánh của người dân, UBND TP Hà Nội, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản chỉ đạo chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội kiểm tra, xác minh làm rõ nguyên nhân gây ngập úng.

Sau khi tiến hành kiểm tra và xác minh, đại diện chủ đầu tư xác nhận nguyên nhân đọng nước là do các lỗ thoát nước mặt cầu bị bịt kín bởi lượng rác thải quá lớn.

Đại diện chủ đầu tư cho biết, trong khi chờ bàn giao công trình cho đơn vị quản lý, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo nhà thầu, tư vấn giám sát thường xuyên kiểm tra và xử lý, hạn chế tối đa tình trạng đọng nước như thời gian qua.

Thu Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/ha-noi-sap-trien-khai-du-an-be-dieu-tiet-ngam-chong-ngap-o-quan-hoan-kiem-post35282.html