Hà Nội sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, phát triển đồng bộ, hiện đại hạ tầng giao thông
Việc đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông được xác định là nhiệm vụ cấp thiết, nhằm thúc đẩy tốc độ đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế của Vùng Thủ đô.
Ngày 1/8, Hà Nội đánh dấu mốc kỷ niệm tròn 15 năm kể từ ngày Nghị quyết số 15/2008/QH12, ngày 29/5/2008, của Quốc hội "về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh có liên quan" có hiệu lực, cũng là tròn 15 năm Hà Nội mở rộng, hợp nhất (1/8/2008 - 1/8/2023).
Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội với đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa đã khẳng định vai trò, vị thế là trung tâm kinh tế, động lực phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Do đó, việc đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông được xác định là nhiệm vụ cấp thiết, nhằm thúc đẩy tốc độ đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế của Vùng Thủ đô.
Thời gian qua, TP đã hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm, cấp bách trên địa bàn, như đường Vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy, đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng; nút giao thông trung tâm quận Long Biên; cầu vượt nút Bắc Hồng (huyện Đông Anh); đường Vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái cùng các công trình chống ùn tắc trong nội đô như cầu vượt Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái, nút giao Cổ Linh; đường Vành đai 3 dưới thấp đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; đường Vành đai 3,5 đoạn Đại lộ Thăng Long - quốc lộ 32…
Năm 2020, tổng chiều dài đường bộ trên địa bàn Thủ đô đạt 23.395km (tăng 3.683km so với năm 2010). Tỷ trọng diện tích đất dành cho giao thông trên đất đô thị đạt 10,07%. Hạ tầng giao thông được đầu tư, đưa vào sử dụng góp phần nâng cao năng lực giao thông, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội thông tin, chỉ tính riêng trong năm 2022, ngoài các dự án trọng điểm, Ban đã hoàn thành, thông xe nhiều dự án, như hầm chui Lê Văn Lương, cầu sông Lừ, hạng mục cầu xe máy đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm, cầu đi bộ qua đường Võ Nguyên Giáp tại khu vực Cảng hàng không quốc tế Nội Bài...
Trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội, mạng lưới xe buýt Hà Nội gồm 154 tuyến đã tiếp cận 30/30 quận, huyện, thị xã và kết nối với 7 tỉnh thành lân cận như: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc. Sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2022 đạt 340 triệu lượt hành khách, trong đó buýt trợ giá đạt 334 triệu lượt, ngày càng phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.
Những tuyến đường huyết mạch thay đổi diện mạo tương lai của TP đã được định hình rõ nét. Giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TP tập trung phát triển hệ thống đường giao thông kết nối nhanh, lan tỏa từ trung tâm ra các vùng ngoại vi, hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường xuyên tâm, đường tỉnh lộ, đường vành đai, trong đó đầu tư khép kín 7 tuyến đường vành đai giao thông Thủ đô nối Hà Nội với các tỉnh, kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, kết nối nội vùng và liên vùng.
TP đồng thời hiện đại hóa các tuyến đường trục giao thông chính của Thủ đô, phát triển hệ thống giao thông công cộng đồng bộ có sức chở lớn, bến, bãi đỗ xe và đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị nổi và ngầm, các công trình ngầm gắn với khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng, phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đường Vành đai 4 và xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2027.