Hà Nội sẽ đưa hồ điều hòa công viên vốn đầu tư 744 tỷ vào hoạt động | Hà Nội tin mỗi chiều

Hà Nội sẽ đưa hồ điều hòa công viên 744 tỷ vào hoạt động; Chính thức cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội sẽ đưa hồ điều hòa công viên 744 tỷ vào hoạt động

Dự án xây dựng công viên và hồ điều hòa tại khu đô thị mới Cầu Giấy và Nam Từ Liêm được khởi công vào năm 2016, dự kiến tới quý III/2018 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Nhưng sau đó dự án chậm tiến độ và được điều chỉnh tiến độ nhiều lần, quý IV/2021 rồi tháng 10/2022 và lùi tới tháng 6/2023.

Đây được kỳ vọng là lá phổi xanh cho khu vực phía Tây thành phố khi nằm sát trục đường Phạm Hùng và giữa các tòa nhà cao tầng hiện đại như Keangnam, The Manor, Golden Palace. Kề bên dự án là các cơ quan Trung ương như Ban Tôn giáo Chính phủ, Tổng cục Hải quan, Thanh tra Chính Phủ, Bộ Nội Vụ.

Bên trong dự án công viên và hồ điều hòa còn có công trình Cung thiếu nhi Hà Nội có diện tích xây dựng hơn 10 nghìn m2, vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng. Hiện nay công trình này đã cơ bản hoàn thiện, dự kiến cuối năm 2024 sẽ đưa vào sử dụng.

Phối cảnh dự án công viên và hồ điều hòa tại ô đất ký hiệu CV1. Ảnh: Tiền Phong.

Phối cảnh dự án công viên và hồ điều hòa tại ô đất ký hiệu CV1. Ảnh: Tiền Phong.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, cho rằng việc hồi sinh các công viên, vườn hoa ở Hà Nội là việc phải ưu tiên hàng đầu hiện nay. Việc quản lý, vận hành các công viên cũng cần thay đổi, không thể mãi kéo dài tình trạng các công viên trong nội thành đua nhau xuống cấp; công viên mới xây dựng hoặc dang dở, hoặc không mở cửa. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô, cần đề xuất chính sách đặc thù riêng về công viên nhằm khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội, phát triển các không gian xanh.

Hà Nội hiện có hơn 2.200 điểm vui chơi dành cho trẻ em, trong đó có 1.700 điểm vui chơi cấp phường, xã. Nhưng 40% điểm vui chơi này có hệ thống trang thiết bị đã quá cũ kỹ. Hàng chục công viên, vườn hoa xây xong bị bỏ hoang hoặc xây dựng dở dang. Trước đây, sau khi báo chí và dư luận phản ánh, Hà Nội đã tạm mở cửa một số công viên bỏ hoang nhiều năm như Công viên âm nhạc Đô Nghĩa, Công viên Thiên văn học ở quận Hà Đông.

Hiện trạng công viên giao giữa quận Nam Từ Liêm và Cầu Giấy. Ảnh: Hữu Thắng/ Dân Việt.

Hiện trạng công viên giao giữa quận Nam Từ Liêm và Cầu Giấy. Ảnh: Hữu Thắng/ Dân Việt.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, nguyên nhân chính khiến các dự án xây dựng công viên mới chậm tiến độ là do công tác giải phóng mặt bằng bị vướng, phải dừng thi công để chờ điều chỉnh quy hoạch.

Chỉ tiêu cây xanh đô thị tối thiểu mà tổ chức Liên hợp quốc đề ra là 10 m2/người. Nhiều quận, huyện của thành phố Hà Nội đang ở mức chưa được 2 m2/người. Người dân Thủ đô mong mỏi chính quyền thành phố sâu sát, quyết liệt hơn nữa trong việc đốc thúc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án; đồng thời xử lý nghiêm các chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, để dự án chậm tiến độ kéo dài.

Chính thức cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024

Thời điểm 1/7/2024 chính thức áp dụng cải cách tổng thể chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW đang đến gần.

Một trong những điểm đáng chú ý của chính sách cải cách tiền lương là thay đổi về thu nhập của người lao động là công chức, viên chức. Theo Nghị quyết số 27 của Bộ Chính trị, thu nhập của công chức từ ngày 1/7/2024 khi cải cách tiền lương gồm những khoản sau: 70% là lương cơ bản, 30% là phụ cấp, đồng thời bổ sung 10% trong tổng quỹ lương cả năm không bao gồm phụ cấp đưa vào quỹ thưởng. Khi cải cách tiền lương năm 2024, thu nhập của người lao động là công chức viên chức bảo đảm không thấp hơn mức lương cũ.

Thay đổi lớn nhất trong thu nhập của công chức, viên chức khi cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 là thay đổi về cách tính lương. Theo đó, cách tính lương hiện tại bằng hệ số nhân lương cơ sở sẽ không còn nữa. Thay vào đó, thu nhập từ lương của công chức sẽ được tính theo số tiền cụ thể, thể hiện rõ hiệu quả và chất lượng công việc, năng suất làm việc, theo vị trí việc làm cụ thể của từng đối tượng.

Một điểm đáng chú ý khi thực hiện cải cách tiền lương là lương viên chức, nhất là viên chức giáo dục và y tế sẽ cao hơn so với mặt bằng chung của đội ngũ công chức và viên chức khác. Bởi vì chúng ta đang thực hiện cải cách chính sách tiền lương gắn với việc thực hiện nghị quyết về phát triển căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, y tế.

Giáo viên kỳ vọng cải cách tiền lương lần này giúp họ cải thiện thu nhập, để dành toàn bộ thời gian, tâm trí cho nghề. Ảnh minh họa: Hoàng Triều/ Nld.

Giáo viên kỳ vọng cải cách tiền lương lần này giúp họ cải thiện thu nhập, để dành toàn bộ thời gian, tâm trí cho nghề. Ảnh minh họa: Hoàng Triều/ Nld.

Dự kiến tổng kinh phí cải cách tiền lương giai đoạn 2024 - 2026 là hơn 499.000 tỷ đồng.

Hiện nay cuộc cạnh tranh để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đang diễn ra gay gắt, đặc biệt với những nước già hóa dân số. Nếu như không có một chính sách hợp lý thì Việt Nam có thể thua ngay trên sân nhà trong cuộc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu rất rõ ràng, đó là tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chủ yếu. Chính sách tiền lương phải bảo đảm hội nhập quốc tế.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, việc Quốc hội thông qua chính sách cải cách tiền lương lần này vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính thời sự, tạo tâm trạng vui tươi, phấn khởi trong xã hội và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tuy nhiên, để có nguồn thực hiện chính sách cải cách tiền lương bền vững, đảm bảo tốc độ tăng trưởng hàng năm, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thời gian tới, nhiệm vụ hàng đầu là tập trung để tạo nguồn lực tài chính bền vững. Vì vậy, việc thu ngân sách như thế nào, tiết kiệm chi ra sao để đảm bảo có nguồn cho tiền lương sau giai đoạn 2024 - 2026 là vấn đề cần phải quan tâm.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ha-noi-se-dua-ho-dieu-hoa-cong-vien-von-dau-tu-744-ty-vao-hoat-dong-ha-noi-tin-moi-chieu-243959.htm