Hà Nội sẽ loại bỏ các chi phí không chính thức cho người dân, doanh nghiệp
Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của thành phố Hà Nội xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố thuộc Trung ương. Đây là năm thứ ba liên tiếp Chỉ số CCHC của thành phố Hà Nội được duy trì, giữ vững thứ hạng cao. Kết quả trên phản ánh sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành từ Thành phố đến cơ sở. Thời gian tới Thành phố sẽ thực hiện nhiều giải pháp để tiếp tục giữ vững thứ hạng, trong đó sẽ loại bỏ các chi phí không chính thức cho người dân, doanh nghiệp.
Giữ vững thứ hạng cao về chỉ số cải cách hành chính
Các chỉ số thành phần trong kết quả Chỉ số CCHC năm 2019 của Thành phố được đánh giá khá toàn diện, trong đó 6/8 chỉ số thành phần đạt kết quả trên 80%. Đó là công tác chỉ đạo điều hành; cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó chỉ số thành phần “Công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính” được 8/8,5 điểm (đạt 94,12%), tăng 13,12% so với năm 2018 (đạt 81%). Điểm nổi bật trong công tác chỉ đạo, điều hành của Thành phố là tiếp tục kiên trì phương châm 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả”, “một người, một việc, một đầu mối xuyên suốt”; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện về kết quả thực hiện CCHC....
Hay chỉ số thành phần“Cải cách thủ tục hành chính” được 13/14 điểm (đạt 92,86%), tăng 4,86% so với năm 2018. Thành phố đã thực hiện việc rà soát, thông qua phương án đơn giản hóa đối với 154 thủ tục hành chính trong các lĩnh vực; lũy kế đến nay, đã đơn giản hóa 481 thủ tục hành chính với số chi phí tiết giảm thực hiện thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân khoảng trên 91 tỷ đồng/năm.
Thành phố đã hoàn thành xây dựng và công bố 1.717 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của các Sở, cơ quan ngang Sở, UBND quận, huyện, thị xã và UBND xã, phường, thị trấn (đạt 100%). Các quyết định công bố thủ tục hành chính sau khi ban hành đã được công khai theo quy định trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, tại nơi tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính và các hình thức khác theo quy định...
Đặc biệt chỉ số thành phần “Đánh giá tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố”được 12,742/16 điểm (đạt 79,64%), tăng 0,64% so với năm 2018 (đạt 79%). Điểm nổi bật là mức độ thu hút đầu tư của Thành phố được Trung ương đánh giá đạt kết quả cao, năm 2019 thu hút đầu tư nước ngoài đạt 8,736 tỷ USD (năm 2018 đạt 6,5 tỷ USD), là năm thứ hai liên tiếp dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư, thu ngân sách trên địa bàn đạt 264,7 nghìn tỷ đồng; GRDP năm 2019 tăng 7,62% so với năm 2018, cao nhất từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay. Niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp với Thành phố đã đươc khẳng định qua sự đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp trong thời gian qua.
Các cơ quan đơn vị, quận, huyện, thị xã luôn cải cách lề lối làm việc, tạo thuận lựi nhất cho doanh nghiệp, người dân khi đến làm các thủ tục hành chính. Cũng chính vì vậy sự hài lòng của người dân luôn được nâng cao.
Có thể nói công tác CCHC được Thành phố xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm nhằm thực hiện hiệu quả chủ đề công tác "Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2019", với mục tiêu xây dựng chính quyền Thành phố theo hướng chính quyền điện tử, phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của hệ thống chính quyền từ Thành phố đến cơ sở. Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện Kế hoạch CCHC giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ, chương trình, kế hoạch CCHC Thành phố, có nhiều chỉ tiêu đã hoàn thành sớm và về đích trước thời hạn đề ra trong Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ.
Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính đạt trên 80%
Năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của thành phố Hà Nội đạt trên 80% (đạt 80,09%) (năm 2017: 76,53%; năm 2018: 83%); đạt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 là “Bảo đảm sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt trên 80% vào năm 2020”, tại Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội và kế hoạch CCHC giai đoạn 2016-2020 của UBND thành phố Hà Nội.
Về các Chỉ số thành phần, 03/05 Chỉ số thành phần đạt trên 80% (cụ thể: chỉ số thành phần về Tiếp cận dịch vụ hành chính công đạt 83,14%; chỉ số thành phần về Thủ tục hành chính đạt 82,95%; chỉ số thành phần về Kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 84,22%).
02/05 chỉ số thành phần tăng điểm so với năm 2018 (cụ thể: Chỉ số thành phần về Tiếp cận hành chính tăng từ 82,56% (năm 2018) lên 83,14% (năm 2019); chỉ số thành phần về Tiếp nhận phản ánh, kiến nghị tăng từ 70,70% (năm 2018) lên 72,33% (năm 2019)…
Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa TTHC
Trên cơ sở kết quả Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019 của thành phố Hà Nội vừa được công bố, để tiếp tục duy trì thứ hạng Chỉ số CCHC, nâng cao Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính của Thành phố và khắc phục những chỉ số thành phần chưa được cải thiện, UBND Thành phố sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm.
Đó là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, sự ủng hộ của người dân, tổ chức, doanh ngiệp đối với công tác CCHC, sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ công; thường xuyên theo dõi, đôn đốc các nhiệm vụ được Thành phố giao, đảm bảo hoàn thành chất lượng, đúng tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ, Thành phố.
Cùng với đó các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, loại bỏ các chi phí không chính thức cho người dân, doanh nghiệp. Kịp thời công bố, công khai và cập nhật thủ tục hành chính trên Cổng dịch công, Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị và tại nơi tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính. Thực hiện tốt việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính các cấp, thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hẹn; kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị về các quy định thủ tục hành chính; xử lý nghiêm các trường hợp giao tiếp, ứng xử thiếu chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức tại bộ phận tiếp dân, trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính với công dân.
Thành phố cũng yêu cầu đảm bảo thực hiện có hiệu quả việc giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hàng năm; cơ chế khoán kinh phí hành chính, tự chủ tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị. Tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo tỷ lệ giảm chi trực tiếp ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp theo đúng chỉ đạo của Trung ương.
Triển khai xây dựng hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh; tiếp tục cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công, nhất là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, các dịch vụ công thiết yếu cơ bản: y tế, giáo dục, điện, nước, vệ sinh môi trường…
Ngoài ra các cơ quan, đơn vị sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; tổ chức thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước về tài chính, ngân sách.