Hà Nội sẽ nghiên cứu triển khai sớm việc miễn, hỗ trợ học phí theo chính sách mới
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, nếu thực hiện theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ mầm non, học sinh phổ thông… thành phố sẽ cần khoảng 1.800 tỷ đồng.

Thảo luận tổ tại đoàn ĐBQH TP. Hà Nội chiều 22-5
Chiều 22-5, Quốc hội thảo luận tổ về 3 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội: về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi; về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp…
Tại tổ Hà Nội, các ĐBQH quan tâm nhiều đến chính sách miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đa số ý kiến đều đồng tình với chủ trương này.
ĐB Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, đây là một chính sách thể hiện tính nhân văn, sự ưu việt của chế độ, bảo đảm tính thực thi thống nhất trong chính sách, công bằng trong tiếp cận giáo dục; đồng thời khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, tăng cường xã hội hóa giáo dục.
Điều quan trọng là cần tính toán kỹ nguồn lực để bảo đảm thực hiện khả thi.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội phát biểu thảo luận tổ
Đại biểu Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cũng nhấn mạnh, hai dự thảo về miễn giảm học phí và phổ cập giáo dục mầm non kể trên là những chính sách an sinh xã hội rất quan trọng.
Theo Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, giáo dục là quốc sách hàng đầu. Cũng vì thế, đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Hà Nội rất quan tâm từ kinh phí, ngân sách cho đến việc thực hiện các nội dung liên quan.
Đặc biệt, thành phố đã dành rất nhiều nguồn lực cho cơ sở vật chất trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
“Ở nhiệm kỳ vừa qua là 49.200 tỷ đồng, nhiệm kỳ hiện tại là 41.000 tỷ đồng cho việc thực hiện các hạng mục về di tích lịch sử, cơ sở y tế và đặc biệt là xây dựng trường công lập, cơ sở giáo dục. Nếu tính cả các quận, huyện, tổng cộng thành phố đã dành gần 100.000 tỷ đồng cho giáo dục - đào tạo” – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn thông tin.
Phân tích kỹ hơn dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, đại biểu Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, theo báo cáo, tổng số tiền miễn, giảm học phí hiện nay là khoảng 800 tỷ đồng. Nếu thực hiện theo phương án mới, dự kiến Hà Nội sẽ cần khoảng 1.800 tỷ đồng, trong đó sẽ phải bù thêm khoảng 1.000 tỷ đồng.
“Tôi thấy lần này, chính sách hỗ trợ không chỉ áp dụng với các trường công lập mà còn cả trường dân lập và tư thục, hướng đến chi trả trực tiếp cho người học là nội dung phù hợp. Thành phố Hà Nội cũng sẽ nghiên cứu triển khai sớm nội dung này” – đại biểu Nguyễn Ngọc Tuấn nói.
Ngoài ra, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho biết, Tổng Bí thư Tô Lâm đã giao thêm nhiệm vụ cho thành phố Hà Nội tiếp tục nghiên cứu chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho học sinh. Hiện nay, UBND TP đang nghiên cứu, báo cáo Thành ủy và HĐND để triển khai chủ trương nhân văn, có ý nghĩa thiết thực nêu trên.
ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP HCM) phát biểu thảo luận tổ
Thảo luận ở các tổ khác, đa phần ĐBQH cũng ủng hộ hai chính sách về giáo dục nêu trên và mong muốn chính sách sớm đi vào cuộc sống.
Tại tổ TP HCM, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân phân tích, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi là hạnh phúc với cả dân tộc, do giáo dục trẻ 3-5 tuổi rất quan trọng, là bậc học quan trọng với sự phát triển con người, là tiền đề để phát triển nguồn nhân lực.
Theo đề xuất của Chính phủ, để hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi vào năm 2030, cần nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực rất lớn (tổng dự toán kinh phí để thực hiện giai đoạn 2026-2030 là 116.314,1 tỷ đồng).
ĐB Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trước đây, chúng ta chưa có điều kiện cả về kinh phí lẫn đội ngũ để làm, bây giờ đã chuẩn bị cơ bản thì quyết tâm làm. Ông đề nghị cân đối ngân sách để triển khai ngay chính sách này; đồng thời phải khẩn trương bổ sung giáo viên mầm non để thực hiện phổ cập.